“Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố“: Nhìn sâu hơn về Hà Nội thời Pháp thuộc

Hà Thu
Chia sẻ
(VOV5) -  Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu và toàn diện qua hồ sơ lưu trữ về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây.

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Đào Thị Diến ra mắt sáng 30/9, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội, nhân kỷ niệm tròn 70 năm ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Hơn 100 độc giả và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đến tham dự sự kiện ra mắt cuốn sách, để cùng nhìn lại và trao đổi về một giai đoạn bản lề trong việc định hình nên diện mạo của thủ đô.

“Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố“: Nhìn sâu hơn về Hà Nội thời Pháp thuộc - ảnh 1Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, độc giả tại buổi ra mắt sách "Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố".
Cuốn sách "Hà Nội thời cận đại – Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) với 40 bài được tuyển chọn từ các báo cáo khoa học và các bài viết về Hà Nội của tiến sĩ Đào Thị Diến đã đăng trên các báo, tạp chí và trên trang web của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. 
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu và toàn diện về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
“Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố“: Nhìn sâu hơn về Hà Nội thời Pháp thuộc - ảnh 2Tác giả cuốn sách, nhà nghiên cứu TS Đào Thị Diến chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Tạo buổi tọa đàm, tác giả Đào Thị Diến chia sẻ: “Cuốn sách là niềm ấp ủ, thai nghén và nghiên cứu trong một khoảng thời gian rất dài của tôi. Để tiếp cận được những tài liệu lưu trữ về Hà Nội không phải dễ, đó là cả một quá trình rất dài. Đòi hỏi người tiếp cận phải biết tiếng Pháp, đồng thời cũng phải có một tình yêu Hà Nội sâu sắc”.

Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến dành cả cuộc đời mình để viết về Hà Nội. Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, bà có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, từ đó đem đến một nét độc đáo trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở cuốn sách này: lịch sử  được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ. Các tài liệu này như những “nhân chứng sống”, cho ta những bằng cứ chân thực, khách quan nhất.

“Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố“: Nhìn sâu hơn về Hà Nội thời Pháp thuộc - ảnh 3

Là người tiếp xúc với cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” từ dạng bản thảo, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh đánh giá tiến sĩ Đào Thị Diến đã khai thác nguồn tài liệu đáng tin cậy, cuốn sách không chỉ liệt kê đơn thuần mà xem xét đúng mực vai trò của chính quyền thuộc địa Pháp.

Tác giả Đào Thị Diến cho biết: "Về cơ bản, cuốn sách được viết trên cơ sở các thông tin khai thác từ các phông tài liệu thời Pháp thuộc của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Tài liệu lưu trữ vốn chứa đựng nhiều thông tin chính xác, quý báu và đa chiều. Vì thế, người nghiên cứu hoàn toàn có thể tiếp cận nó ở nhiều góc độ, nhằm những mục đích nghiên cứu khác nhau. Chính vì vậy, khi đọc sách, bạn đọc sẽ bắt gặp một vài thông tin có nội dung trùng lặp được trích dẫn từ một số hồ sơ lưu trữ."

“Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố“: Nhìn sâu hơn về Hà Nội thời Pháp thuộc - ảnh 4Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với bạn đọc

Với chủ đề thú vị và hấp dẫn, buổi tọa đàm đón nhận sự trao đổi sôi nổi của các độc giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử với các diễn giả về lịch sử Hà Nội. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét rằng tác giả Đào Thị Diến có một lợi thế rất lớn khi tiếp cận được những tư liệu lưu trữ đáng tin cậy. Bằng sự cẩn trọng, tỉ mỉ cùng phương pháp của một nhà lưu trữ, Tiến sĩ Đào Thị Diến đã đi vào từng chi tiết, liệt kê từng con đường, con phố và làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội qua cuốn sách “Hà Nội thời cận đại”.

“Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố“: Nhìn sâu hơn về Hà Nội thời Pháp thuộc - ảnh 5Nhà giáo Vũ Thế Khôi phát biểu tại tọa đàm

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cho rằng những ai yêu mến Hà Nội không thể bỏ qua cuốn sách của tác giả Đào Thị Diến. Tài liệu lưu trữ đã giúp cung cấp những cứ liệu xác đáng để có cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hà Nội.

Với sự kiện mở đầu là hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp các năm 1873, 1882 và kết thúc là sự kiện xây dựng công trình khu học xá Đông Dương ở Hà Nội năm 1945 của chính quyền thực dân Pháp, cuốn sách được chia làm hai phần chính nhằm giúp độc giả dễ dàng theo dõi được mạch nội dung của sách.

Phần I gồm 5 bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy.

Phần II gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu Nhượng địa thành một “thành phố Pháp” (ville française), một “Paris thu nhỏ” (petit Paris) của chính quyền thực dân. Về thực chất, quá trình biến đổi này diễn ra đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, sau khi Hội đồng Thành phố Hà Nội được thành lập. Để có một cái nhìn lớp lang và cụ thể, 35 bài viết này được chia làm 8 mục nhỏ: 1. Khu nhượng địa; 2. Địa giới và tổ chức hành chính thành phố; 3. Giao thông; 4. Phố và đặt tên phố; 5. Văn hóa – Xã hội; 6. Giáo dục; 7. Bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử; 8. Xây dựng và mở rộng thành phố.

Ngoài 40 bài viết trên, cuối sách còn có thêm phần phụ lục gồm “Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954” và “Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954”.

Tác giả Đào Thị Diến chia sẻ: "Là một người sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía bắc thành Hà Nội gần hai năm trước ngày tiếp quản thủ đô (1954), tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm ở vườn hoa Hàng Đậu gần tháp nước tròn cổ kính, với tiếng tàu điện leng keng dọc phố Quán Thánh, với con đường Phan Đình Phùng có cổng thành Hà Nội còn vẹn nguyên vết đạn pháo công thành của thực dân Pháp…, con đường dẫn tới trường Chu Văn An thân yêu tôi đã học trong những năm cấp II rồi cấp III sau khi đi sơ tán trở về. Với tôi, các con phố nhỏ như Đặng Tất, Lý Nam Đế, rồi vườn hoa Cửa Nam… đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi ấu thơ. Xin được gửi gắm trong cuốn sách này tình yêu sâu đậm với Hà Nội tới những độc giả có cùng tình yêu Hà Nội như tôi."

“Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” do Nhã Nam và NXB Hà Nội ấn hành. 

Feedback