Nhà văn Uông Triều: việc viết về Hà Nội giúp tôi có cái nhìn rộng mở

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Từ hai cuốn “Hà Nội – Quán xá phố phường”, “Hà Nội – Dấu xưa phố cũ” tới bây giờ là tiểu thuyết “Hà Nội những mùa cổ điển”, vỉa trầm tích văn hóa Hà Nội chắc chắn sẽ đậm đặc hơn...

Hà Nội luôn tập hợp những mảng màu khác biệt, thậm chí đối lập khi vừa là mảnh đất rất đẹp, rất thơ nhưng cũng có thể rất ngột ngạt ồn ào.

Dẫu vậy, Hà Nội vẫn luôn là một đề tài giàu sức gợi trong văn chương nghệ thuật khi một món ăn, một góc phố, một ánh nhìn, một tà áo… thậm chí cả tiếng chao chát chợ búa cũng đủ sức trở thành chất liệu cho tản văn, tùy bút… hay tiểu thuyết.

Chọn viết về Hà Nội, người sáng tác sẽ đối diện với những thách thức gì? Trong chương trình hôm nay, chúng ta sẽ có cuộc trò chuyện với nhà văn Uông Triều, tác giả của hai cuốn tản văn “Hà Nội – Quán xá phố phường”, “Hà Nội – Dấu xưa phố cũ” (đều do NXB Văn học và thương hiệu sách Sống ấn hành) và gần nhất là tiểu thuyết “Hà Nội những mùa cổ điển” (do NXB Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần sách Tao Đàn ấn hành).

Nhà văn Uông Triều: việc viết về Hà Nội giúp tôi có cái nhìn rộng mở - ảnh 1Nhà văn Uông Triều và cuốn Hà Nội những mùa cổ điển.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên (PV): Cách đây một vài năm, nhà văn Uông Triều đã ra mắt hai tập tản văn là “Hà Nội – Dấu xưa phố cũ” và “Hà Nội – Quán xá phố phường” được đông đảo bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Gần đây, anh tiếp tục ra mắt một cuốn tiểu thuyết có nhan đề gần như tạo thành bộ ba với hai cuốn tản văn trước là “Hà Nội những mùa cổ điển”. Điều gì đã khiến anh có sự thôi thúc viết về Hà Nội trong khi đã có rất nhiều người viết về đề tài này?

Nhà văn Uông Triều: Hà Nội là một đề tài rất hấp dẫn. Trước hết, Hà Nội là thành phố thủ đô; thứ hai đây là vùng văn hóa, lịch sử, chính trị, thu hút sự quan tâm không những của người dân Hà Nội mà còn của người dân cả nước. Bản thân tôi cũng rất thích đề tài Hà Nội. Thực ra, tên cuốn sách mà chúng ta vừa đề cập là “Hà Nội những mùa cổ điển” tôi vốn dành cho một cuốn tản văn. Tuy nhiên, sau khi tôi viết xong cuốn tiểu thuyết, tôi lại chưa nghĩ ra được một cái tên hợp lý. Trong khi đó, chất Hà Nội trong cuốn tiểu thuyết này rất đậm đặc chứ không chỉ là chuyện mượn tên. Bởi vậy, tôi nghĩ tại sao mình không lấy một cái tên mà mình đã ấp ủ, đã để dành rất nhiều năm để đặt cho tác phẩm này.

Mặc dù có rất nhiều người viết về Hà Nội nhưng đó vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn, rất nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ đấy cũng là một sở trường của tôi nữa. Tôi đã từng viết về Hà Nội rất nhiều. Hiểu biết về văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội cũng đậm đặc. Viết về Hà Nội cũng là ấp ủ của cá nhân tôi khoảng 10 năm trước, khi tôi trở lại thủ đô.

Sau khi đã thực hiện hai cuốn tản văn và đã đến lúc trưởng thành, kết hợp những kiến thức về Hà Nội của mình với những hư cấu lịch sử, cùng các vấn đề của nghệ thuật tiểu thuyết, tôi đã quyết định viết “Hà Nội những mùa cổ điển” để tạo thành bộ ba về Hà Nội.

Mọi người đều biết nhà văn Uông Triều là một người rất thích đọc sách. Việc đọc nhiều bài viết và các tác phẩm viết về Hà Nội có gây áp lực cho anh khi theo đuổi đề tài này không?

Nhà văn Uông Triều: Chắc chắn, điều đó cũng có những áp lực nhất định. Ngay cả những thế hệ trước như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… đã viết rất nhiều về Hà Nội.

Thế hệ gần đây của tôi như anh Đỗ Phấn, anh Nguyễn Việt Hà, hoặc những người bạn bằng tuổi tôi là Nguyễn Trương Quý cũng viết về Hà Nội.

Trong dàn đông ca này, mỗi người có một cách khai thác riêng. Chẳng hạn, những người đương đại viết về Hà Nội thì cơ bản, các anh đều là người Hà Nội. Ví dụ như Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn… đều sinh ở đây.

Tôi là người tỉnh lẻ duy nhất viết về Hà Nội ở thời đương đại này. Riêng điểm nhìn của người sinh ra ở đây với điểm nhìn của người không sinh ra ở đây đã có sự khác biệt rồi. Chẳng hạn, họ từng nói với tôi rằng sẵn ở đây rồi thì họ chỉ ăn một quán phở duy nhất, uống một hàng café duy nhất hoặc sự di chuyển những hàng quán ấy rất ít. Nhưng tôi là người ở xa đến. Tôi không quá bám chặt vào một điểm nào đấy. Ngay việc ăn uống, chơi bời của tôi cũng sẽ có cách nhìn khá là cởi mở hoặc cái nhìn bên ngoài chiếu vào, khác với những người sinh trường ở đây từ khi còn trong bụng mẹ hoặc ông bà ở đây.

Mặc dù có những áp lực như vậy nhưng ngay từ cách tiếp cận, cách nhìn đã khác nhau rồi và trong quá trình thao tác, xây dựng tác phẩm thì tất nhiên còn khác nhau về kỹ thuật, về bút pháp, về các yếu tố khác nhưng ngay một điểm rất quan trọng, như tôi vừa nói, đấy là điểm nhìn về Hà Nội này, nhìn thành phố này với kiểu như nào thì tôi đã có một sự khác biệt so với những tác giả thế hệ trước và bây giờ.

Mặc dù là có áp lực nhưng mà tôi nghĩ rằng không phải là cái gì quá lớn, bởi mình đã nhìn ra được một hướng riêng, một con đường không giống với mọi người. Và đấy cũng là cơ hội để độc giả có thêm nhiều lựa chọn khác nhau khi mà cùng viết về một đề tài, cùng quan tâm đến một chủ đề được rất nhiều người quan tâm - đó là Hà Nội.

Viết về Hà Nội, khi nhắc tới các nhà văn như Đỗ Phấn hay Nguyễn Việt Hà, người ta thường nhắc tới yếu tố thị dân. Vậy với nhà văn Uông Triều, nếu phải chọn một từ khóa cho mình khi bàn tới những tác phẩm anh viết về Hà Nội, anh sẽ chọn từ khóa gì?

Nhà văn Uông Triều: Tôi nhìn thành phố này không nhiều về con người hiện đại đâu mà nhìn về bề sâu lịch sử, có vẻ một cái gì đấy mang tính ký ức, gọi là tư liệu lịch sử, nghĩa là trong tôi có sự khám phá thành quách con phố nhiều hơn là đời sống thị dân.

Tôi không sinh trưởng ở đây từ bé. 18 tuổi rồi sau này đến 30 tuổi, tôi mới trở lại Hà Nội thì con người Hà Nội không quá đậm đặc với tôi mà phần trầm tích văn hóa lịch sử lại nhiều hơn. Như vậy, có thể dùng một từ là trầm tích. Trong các tác phẩm, từ hai cuốn “Hà Nội – Quán xá phố phường”, “Hà Nội – Dấu xưa phố cũ” tới bây giờ là tiểu thuyết “Hà Nội những mùa cổ điển” thì vỉa trầm tích chắc chắn sẽ đậm đặc hơn.

Nhà văn Uông Triều đã thừa nhận cuốn tiểu thuyết và hai cuốn tản văn trước của anh tạo thành một bộ ba viết về Hà Nội. Tuy nhiên, rõ ràng bộ ba này có sự khác biệt về mặt thể loại. Điều này có ảnh hưởng tới việc anh viết về Hà Nội như thế nào trong cuốn sách thứ ba mà chúng tôi đang rất tò mò không?

Nhà văn Uông Triều: Cuốn thứ ba là cuốn tiểu thuyết nên kết hợp được cái gọi là trầm tích từ hai cuốn trước, ví dụ như có thể có nhắc đến những trầm tích về văn hóa, lịch sử, những danh nhân thời trước như Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh hoặc đơn giản là những vết đại bác ở Cửa Bắc. Đồng thời, vì cuốn sách này là tiểu thuyết nên có những yếu tố đương đại, kết hợp một phần đời sống của người Hà Nội bây giờ, một phần đời sống văn học và các phong trào văn học.

Tôi cũng có những nhân vật liên quan đến Tự lực văn đoàn, hội văn học trước năm 1945 rất nổi tiếng và có trụ sở ở phố Quán Thánh hoặc café, những đời sống đương đại bây giờ. Cuốn tiểu thuyết này sẽ mang màu sắc tổng hợp hơn và nhìn một cách nào đấy, nó sẽ nhiều chiều, phức tạp hơn so với hai cuốn tản văn trước. Tôi hi vọng rằng độc giả sẽ đón nhận nó với một chiều kích khác so với hai cuốn trước của tôi. Chưa biết là như thế nào nhưng đây lại là một khác trên bàn đọc để mọi người thưởng thức và đưa ra những đánh giá của riêng mình.

Hà Nội không phải là đề tài duy nhất trong sáng tác của nhà văn Uông Triều. Vậy đề tài này có ảnh hưởng tới tư duy viết văn của anh không? Vì trước đó, anh viết và sáng tác về một vùng đất khác.

Nhà văn Uông Triều: Có khác biệt đấy. Trước đây, tôi viết về lịch sử thì vẻ trầm tích đơn giản là quá khứ thôi, còn khi viết về Hà Nội thì phức tạp hơn. Một là, mình nhìn nhận thành phố này không chỉ đơn giản là lịch sử của một vùng đất, mà là vùng đất thủ đô, mang những yếu tố khác, thì tôi cũng tư duy khác đi. Chẳng hạn, mình sẽ hiện đại hơn, mình sẽ phức tạp hơn hoặc là định hình lại phong cách của mình. Một người ở tỉnh xa, một vùng đất xa thì họ có thể tư duy khác khi ở đó. Nhưng khi về trung tâm văn hóa Hà Nội, họ sẽ nhìn cuộc sống, nhìn mọi thứ khác đi. Áp lực sẽ nhiều hơn. Vì rõ ràng, anh muốn tồn tại ở Hà Nội thì anh chắc chắn phải mạnh mẽ, phải mãnh liệt hơn rất nhiều so với việc anh ở một địa điểm khác. Điều này cũng giúp tôi vững chãi hơn. Tôi nhìn một cách bao quát hơn, tiếp thu được những thứ rất quan trọng, như sự lịch lãm, sự trầm tĩnh… rồi sự phức tạp ở một thành phố chất chứa rất nhiều yếu tố như vậy.

Việc viết về Hà Nội giúp tôi có cái nhìn rộng mở, cảm giác là mình có nghĩa vụ nào đấy khi sống ở thành phố thủ đô này, cũng như mình phải chuẩn chỉ hơn, phải kỹ càng hơn và khái quát hơn là so với ở một vị trí, ở một điểm có thể xa xôi hơn về vị trí địa lý và các yếu tố khác nếu so với Hà Nội.

Xin cảm ơn nhà văn Uông Triều!

Feedback