Điều trị ung thư tuyến giáp bằng i-ốt phóng xạ

Lưu Hường
Chia sẻ
(VOV5) - “Với người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, việc chỉ định điều trị tiếp theo bằng i-ốt phóng xạ nhằm giúp giảm tỷ lệ tái phát và nhiều bệnh nhân “khỏi bệnh” và có cuộc sống bình thường”.

Đó là lời khẳng định của PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Y học Hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108).

Điều trị ung thư tuyến giáp bằng i-ốt phóng xạ - ảnh 1Y học hạt nhân là bước tiến vượt trội trong chẩn đoán và điều trị bệnh.  

Ứng dụng i-131 trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Tại Khoa Y học Hạt nhân, BV 108 lúc nào cũng đông bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp xếp hàng điều trị mới và tái khám định kỳ. Sau 2 lần điều trị i-ốt phóng xạ (I-131), chị Lê Thị H (32 tuổi, ở Tuyên Quang) thấy chỉ số sinh hóa ổn định như người bình thường, giờ chỉ tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Chị H kể, cách đây 2 năm, chị thấy viêm họng kéo dài, mặc dù phải dùng kháng sinh liều cao vẫn không khỏi. Khi có dấu hiệu nuốt nghẹn, chị Hạnh đi khám thì phát hiện bị ung thư tuyến giáp thể nhú. “Khi phát hiện ung thư giai đoạn 2, em rất lo lắng. May mắn, cơ địa của em đáp ứng tốt với xạ trị I-131 nên hiện nay chỉ số hóa sinh và xạ hình âm tính nên tình trạng bệnh của em ổn định, được dừng uống I-131. Cũng điều trị bệnh như em, có người phải điều trị 3, hoặc 4, 5 đợt I-131 nhưng có người chỉ uống 1 đợt đã khỏi. Trước bác sĩ hẹn em cứ 3 tháng tái khám, giờ 6-12 tháng em mới phải đến khám lại”, chị Hạnh vui mừng nói.

Điều trị ung thư tuyến giáp bằng i-ốt phóng xạ - ảnh 2 PGS.TS.BS Lê Ngọc Hà

Theo PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Y học Hạt nhân, BV 108, trong những năm gần đây, kỹ thuật y học hạt nhân được ứng dụng trong nhiều chuyên ngành ung thư, tim mạch, tâm thần kinh, xương khớp, thận tiết niệu và rất nhiều bệnh khác. Trong đó, các ứng dụng I-131 trong chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật, điều trị bệnh basedow đã được thực hiện ở nhiều bệnh viện. Với BN sau mổ ung thư tuyến giáp dù đã cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hết hạch nhưng thường vẫn có mô giáp còn lại hoặc cũng có thể có tế bào ung thư trong tổ chức tuyến giáp, hạch di căn hay di căn xa… Việc dùng I-131 để xạ hình toàn thân qua đường uống để phát hiện mô giáp còn lại bắt giữ i-ốt đồng thời kiểm tra có di căn hay không. Từ đó, bác sĩ dựa vào các thông số lâm sàng để tính liều phóng xạ tiếp theo.

“Khi dược chất phóng xạ I-131 đi đến mô giáp hoặc tổn thương ác tính đặc hiệu, I-131 sẽ phát ra tia gamma, sau đó chúng tôi dùng máy gamma camera chụp hình toàn thân để đánh giá, phát hiện bệnh nhân chỉ có tổn thương tại chỗ hay có thể đã di căn tới hạch, phổi, xương... Sau khi phân tích hình ảnh, tùy tình trạng có hoặc chưa có di căn, BN sẽ được uống tiếp I-131 để tiêu diệt triệt để tổ chức ấy. Việc điều trị bằng I-131 cũng như một phương pháp điều trị đích để xoá bỏ mô giáp hoặc tổ chức di căn, tùy mục đích điều trị có thể cho liều I-131 thích hợp. Với xạ trị bằng dược chất khác có thể khiến người bệnh rụng tóc, tổn thương các cơ quan lân cận và nhiều biến chứng khác nhưng với I-131 sẽ không gặp tác dụng phụ này”, bác sĩ Lê Ngọc Hà cho hay.

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

“Thời gian tối ưu điều trị I-131 sau phẫu thuật khoảng 6-8 tuần. Thời gian này để vết thương vừa liền sẹo, hết viêm vừa để phục hồi sức khỏe… Tuy nhiên, tùy từng kết quả lâm sàng mô bệnh học, mỗi cơ địa sẽ đáp ứng điều trị I-131 khác nhau và tiến triển tái phát cũng khác nhau. Cũng có BN có thể trì hoãn điều trị từ 3-4 tháng sau phẫu thuật, thậm chí có BN không cần uống I-131 mà chỉ cần theo dõi. Trước khi điều trị I-131, BN phải ăn kiêng đồ ăn thức uống có nhiều i-ốt ít nhất 2 tuần”, PGS.TS.BS Lê Ngọc Hà.

Bác sĩ Hà cũng chỉ ra rằng, ung thư tuyến giáp có đặc tính hay tái phát tại chỗ, hoặc di căn hạch, phổi, xương và các mô mềm khác. Vì vậy, sau khi điều trị, BN phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tái khám đúng định kỳ. “Gần đây, có đến 5-10% ung thư tuyến giáp thể biệt hóa kháng hoặc trơ với I-131, chúng tôi đang nghiên cứu để ứng dụng thuốc mới vào điều trị cho những BN không còn tác dụng với I-131. Đặc biệt, ở thể này bệnh tiến triển rất nhanh. Vì vậy, BN phải tuân thủ nghiêm ngặt lời dặn dò của thầy thuốc. Bởi khi điều trị I-131 một cách đúng đắn, tỷ lệ sống thêm trên 10 năm lên tới 97%”, PGS.TS Lê Ngọc Hà cho hay.

Trường hợp chị Dương Thị Thúy H (SN 1979 ở Quảng Ninh) là một trong hàng ngàn BN có kết quả rất tốt sau 15 năm điều trị K tuyến giáp. Năm 2003, khi chị H biết mình bị ung thư, đất trời như sụp đổ, bởi khi ấy chị mới 24 tuổi, chưa có gia đình. Khi điều trị I-131 cũng là thời điểm chị H mới quen chồng chị bây giờ. “Sau 4 đợt uống I-131, các bác sĩ bảo các chỉ số ổn định và em có thể sinh con. Vợ chồng em hạnh phúc vô bờ bến khi đón con gái đầu lòng chào đời hoàn toàn khỏe mạnh”, chị H kể mà ánh mắt vẫn ánh lên sự xúc động.

Sau khi cai sữa cho con, 2 năm sau chị H phải điều trị tiếp I-131 khi bệnh tái phát. Tuy nhiên, chỉ sau 2 đợt uống I-131, chị H lại sinh tiếp con trai. Giờ chị không phải điều trị thuốc gì ngoài việc bổ sung hóc-môn trọn đời.

Feedback

Hoàng Thị Hợi

Em chào bác sĩ ạ, em là bệnh nhân ung thư tuyến giáp đang điều trị tại bệnh viện 108, em... Xem thêm

Hoàng Thị khánh

Xin chào bs, bs làm ơn cho e hỏi chị e mổ k tuyến giáp và nạo vét hạch cổ được hơn... Xem thêm

Đào Thị Tường

Bs cho e hỏi e bị ung thư tuyến giáp đã mổ cắt toàn bộ tuyến giáp được hơn 5 tháng... Xem thêm

Lê thị meo

E bị k giáp đã mẫu thuật và uống iot kết quả máu về ân tính ,xạ hình tốt những... Xem thêm

Kim thi huong

Cho em hỏi là em đi khám thi em mới phát hiên mình u tuyên giáp ác tính k giáp... Xem thêm