Bệnh tuyến giáp được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. (Ảnh L.H).
|
Dễ nhầm với bệnh khác
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, mỗi ngày có khoảng 30-36 ca mổ u tuyến giáp, trong đó tỷ lệ ác tính chiếm 10-15% (tăng hơn trước đây khoảng 2-3%). Chị Lê Thị Thu Trang 33 tuổi, ở Ninh Bình, biết kết quả sinh thiết sau phẫu thuật là ung thư tuyến giáp thể nhú, khiến chị buồn phiền, lo lắng. Thu Trang cho biết, trước đó 3 năm, thấy cổ hơi to, chị đến BV Bạch Mai khám và được phát hiện tuyến giáp có nhân, phải siêu âm theo dõi định kỳ 3 tháng/lần. Thỉnh thoảng bị khàn tiếng, chị Trang nghĩ mình bị viêm họng mạn tính. Gần đây, thấy hiện tượng nói khàn, họng khô, háo nước mặc dù vừa uống nước xong, nên chị đến BV Nội tiết khám lại thì phát hiện có hạch (kích thước lớn nhất 8x12mm), bên trong có nốt vôi hóa, được chỉ định mổ. “Mới đầu, nghe bác sĩ nói trường hợp của em mổ sẽ cắt hết tuyến giáp, em rất lo lắng chuyện sinh sản khi mới có một con. Nhưng nghe bác sĩ giải thích, bệnh được phát hiện và chữa trị sớm có thể hoàn toàn khỏe mạnh và sinh đẻ bình thường vì thể này là nhẹ nhất, em thấy vững tâm hơn”, chị Trang thổ lộ.
Còn chị Lê Thị Hạnh 39 tuổi, ở Hà Nội, trước 2 năm thấy rát họng, nuốt hơi nghẹn, chị Hạnh đi khám ở BV Tai mũi họng và BV 103, các bác sĩ đều kết luận chị bị viêm họng mạn tính. Sau một thời gian điều trị ho và viêm họng, chị đi kiểm tra tuyến giáp ở BV Nội tiết Trung ương thì được phát hiện có bướu nhân 2 thùy. Mổ xong chị Hạnh thấy hết nuốt nghẹn và đỡ khàn. Tuy nhiên, kết quả sinh thiết là ung thư tuyến giáp thể nhú. “Bác sĩ bảo, với bệnh nhân sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, sẽ được gửi sang BV 108 làm thêm xét nghiệm và xạ hình vùng cổ xem có còn tế bào ác tính hay không để điều trị tiếp theo”, chị Hạnh lo lắng nói.
Theo Ths.Bs Phan Hoàng Hiệp, Trưởng Khoa điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ung thư (UT) tuyến giáp chiếm tới 1% các loại UT (trong tuyến nội tiết thì bệnh này chiếm nhiều nhất). Sở dĩ số BN ung thư tuyến giáp được phát hiện nhiều hơn trước là do khoa học phát triển, các phương tiện hiện đại và đặc biệt người dân đã ý thức được việc siêu âm tuyến giáp mỗi khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Bệnh có tiên lượng tốt khi được phát hiện sớm
Ths.Bs Phan Hoàng Hiệp |
Bác sĩ Hiệp cho biết, bệnh UT tuyến giáp thường tiến triển âm thầm, đôi khi nó lại mượn dấu hiệu ở các cơ quan khác. Ví dụ: biểu hiện về ăn uống như uống sặc, nuốt nghẹn thì người bệnh lại nghĩ tới bệnh liên quan đến thực quản; Hay biểu hiện khàn tiếng, nói khó thì nghĩ bị viêm họng hay viêm thanh quản… mà không hề nghĩ tới bệnh liên quan tuyến giáp. Chữa trị mãi không khỏi, đến khi được khám đúng bác sĩ chuyên khoa thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. “UT tuyến giáp có 2 thể (thể không biệt hóa - thể nặng, thường diễn biến nhanh, khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn và gây tử vong sớm. Tỷ lệ này chiếm 5-10% trong các UT tuyến giáp. Còn lại là thể biệt hóa gồm: thể nhú, thể nang và thể hỗn hợp nhú nang. Với UT thể biệt hóa, thường được phát hiện sớm và điều trị rất hiệu quả”, bác sĩ Hiệp cảnh báo.
“Khi biểu hiện khàn tiếng được phát hiện ung thư tuyến giáp thường ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4) - tức là nhân tuyến giáp đã phá vỡ vỏ, ra khỏi vỏ tuyến giáp, lan rộng ra ngoài, ảnh hưởng đến cấu trúc “hàng xóm”. Tuy nhiên, ở thể này, người bệnh được điều trị triệt để vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Do vậy, việc tái khám đúng hẹn là quan trọng”.
Khi phát hiện UT tuyến giáp, việc điều trị thường trải qua 3 bước, gồm: phẫu thuật, dùng i-ốt phóng xạ và liệu pháp hóc-môn. Việc phẫu thuật rất quan trọng và quyết định cho sự thành công hay không trong điều trị bệnh này. Tuy nhiên, việc phẫu thuật và nạo vét hết hạch và các mô tuyến giáp, đòi hỏi các bác sĩ phải khéo léo để bảo tồn các dây thần kinh “hàng xóm” như dây thần kinh thanh quản quặt ngược (chức năng nói và thở). Nếu khối u được phát hiện muộn (giai đoạn 3, 4), sẽ xâm lấn khiến dây thần kinh thanh quản quặt ngược bị tổn thương nhiều, việc phẫu thuật cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu tổn thương tuyến cận giáp (có tác dụng tiết ra các chất hóc-môn tuyến cận giáp, giúp điều phối nồng độ can-xi trong máu) sẽ không hấp thu được can-xi, có thể xảy ra tình trạng co quắp, tê tay chân do thiếu can-xi. “Sau khi phẫu thuật, tùy từng thể trạng, BN sẽ được uống i-ốt phóng xạ điều trị đích - đây là một ưu điểm trong điều trị ung thư tuyến giáp. Bước tiếp theo, là liệu pháp hóc-môn giúp thay thế và ức chế tế bào tuyến giáp phát triển bù đắp các chất cần thiết cho sự chuyển hóa và điều hòa tim mạch của cơ thể, giúp BN có thể khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường. Do vậy, việc phát hiện sớm để được phẫu thuật và điều trị triệt để rất quan trọng”, bác sĩ Hiệp khuyến cáo.