Nghiên cứu khoa học bằng tình yêu, sự đam mê và sẵn sàng truyền lửa

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Các nhà khoa học nữ đã dành khá nhiều thời gian, tâm huyết, luôn đam mê và dành được sự ủng hộ từ gia đình. 

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học với đóng góp của phụ nữ đã được ứng dụng hiệu quả trong đời sống, phục vụ con người. Các nhà khoa học nữ đã dành khá nhiều thời gian, tâm huyết, luôn đam mê và dành được sự ủng hộ từ gia đình. Đó là điều kiện để các chị thành công và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ sau.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

“Được sống mỗi ngày, làm việc mỗi ngày là hạnh phúc”. Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa dược, Trường đại học y dược, Đại học Huế đã tâm sự như vậy về công việc của mình. Nhận học hàm phó giáo sư ở tuổi 35, đối với một nhà khoa học là quá nhanh, nhanh như chính con người của chị, luôn cởi mở, vui vẻ, hoạt bát, lúc nào cũng cảm thấy quý từng giờ, từng phút. Người con gái của quê hương Vĩnh Linh, Quảng Trị đã trải qua nhiều năm khó khăn khi phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư, rồi thời gian liên tục điều trị hóa chất. Đây là động lực để Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài  quyết định tìm cây thuốc điều trị bệnh ung thư cho con người. Nghiên cứu cây thuốc của đồng bào Pako Vân Kiều ở Miền Trung, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài  đã tìm ra hai cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa có tác dụng chống ô xy hóa, diệt tế bào ung thư.

Dành khá nhiều thời gian vào vùng đồng bào dân tộc, sống cùng với bà con để tìm và đưa vào thử nghiệm ở phòng thí nghiệm. Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài chia sẻ về dự định của mình: “ Mình sẽ về đấy lấy thêm nhiều mẫu rồi sẽ nghiên cứu sâu hơn về thành phần hóa học nghiên cứu độc tính, nghiên cứu lâm sàng mới quyết định có trồng được không. Hoàn thành những công việc dang dở, rồi hướng dẫn nghiên cứu sinh cho các bạn bảo vệ đề tài. Cùng 1 lúc chủ nhiệm 3 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp tỉnh…”

Nghiên cứu khoa học bằng tình yêu, sự đam mê và sẵn sàng truyền lửa - ảnh 1 Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài và tiến sĩ Trần Ngọc Dung nhận giải thưởng. Ảnh:vast.ac.vn

Không chỉ dành thời gian nghiên cứu khoa học, các chị luôn ý thức truyền đạt kinh nghiệm đào tạo cho thế hệ trẻ. Đó cũng là niềm vui và trách nhiệm của tiến sĩ Trần Ngọc Dung, Viện công nghệ môi trường, Viện hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bởi vì đạt được thành công như ngày hôm nay, chị luôn nhớ tới những người thầy, những nhà khoa học đi trước: “ Viện thì chúng tôi là khoa của Viện hàn lâm cũng tham gia đào tạo các bạn đang làm cao học tham gia giảng dạy. Thực sự quan trọng vì bản thân tôi đạt được như thê này là nhờ sự truyền cảm hứng của các nhà khoa học đi trước và đồng hành, giúp đỡ và chúng tôi càng trưởng thành càng phải dìu dắt thế hệ đi sau”.

Những nghiên cứu ứng dụng về vật liệu nano trong cuộc sống của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung và các đồng nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm có tác dụng kháng khuẩn trên  hàng chục loại vi sinh gây bệnh cho người. Có thể kể đến khá nhiều sản phẩm trong y tế như băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn hoặc trong lĩnh vực môi trường như xử lý khí và nước bằng vật liệu nano. Khá nhiều sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường như khẩu trang nano, nước súc miệng thảo dược thiên nhiên hay điều trị bệnh ngoài da.

Đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp các nhà khoa học nữ thành công. Trong ánh hào quang, các chị không quên chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, sự khó khăn với gia đình, người thân đã luôn đồng hành và ủng hộ. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài  xúc động khi tâm sự:  Con cũng muốn mẹ đi muộn về sớm, mình thường xuyên đi sớm về muộn, nhưng ai rồi cũng phải đưa vào guồng quay, đưa chồng con vào, huấn luyện rồi. Hôm nào mẹ về 6h con nói mẹ về sớm thế. Chủ nhật cũng đi làm chứ không nói là thứ 7 chồng và con đều quen”.

Còn Tiến sĩ  Trần Ngọc Dung luôn nói rằng may mắn vì có gia đình là điểm tựa hỗ trợ cho công việc mà chị theo đuổi: “ Tôi được may mắn được sự ủng hộ của gia đình , hỗ trợ tôi trong cuộc sống, điểm tựa để giúp tôi phấn đấu trong công việc của tôi. Phụ nữ đầu tiên đảm đương những nhiệm vụ trong gia đình. Cũng phải nhờ vào sự thông cảm của người thân trong gia đình làm sao đấy phân công để hoàn thành công việc mà vẫn đảm đương công việc trong gia đình”.

Một ngày của các nhà khoa học nữ cũng giống như biết bao phụ nữ khác, lo toan công việc, lo toan cho gia đình. Nhưng lúc nào, ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cũng luôn cháy và tỏa sáng trong cuộc sống. Đó cũng là lý do mà Chương trình L’Oreal UNESCO nhiều năm qua đã đồng hành cùng các nhà khoa học nữ.  Ông Valery Gaucherand, Giám đốc L’Oreal tại Việt Nam đã chia sẻ

Các nghiên cứu đã đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở Việt Nam  và đó là lý do tại sao Quỹ L’Orieal của UNESCO trong 20 năm đã có mặt  hỗ trợ cho sự phát triển của các nhà khoa học nữ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam cũng chính từ nhu cầu cũng như khoa học cần phụ nữ. Chúng tôi thực sự ấn tượng  khi chứng kiến  Việt Nam ngày càng có nhiều nhiều tài năng  khoa học từ phụ nữ

Bằng tình yêu, sự đam mê, các nhà khoa học nữ đã đóng góp sức mình cho cuộc sống ngày một đẹp hơn. 

Feedback