Tục "trả của, đáp lễ” trong đám cưới của người S'Tiêng

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Người S'Tiêng vẫn quan niệm, việc cưới xưa không phải là việc riêng của từng gia đình, mà cũng là niềm vui và trách nhiệm của cộng đồng, buôn, sóc.

Trong các dân tộc anh em cùng sinh sống ở tỉnh Bình Phước thì người STiêng chiếm số đông và có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cùng những phong tục tập quán văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Trong đó có phong tục khá độc đáo, đó là “Tục trả của, đáp lễ” trong đám cưới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Tục "trả của, đáp lễ” trong đám cưới của người S'Tiêng - ảnh 1Trong phong tục trả của đáp lễ ở đám cưới không thể thiếu hình ảnh con trâu. Ảnh VOV4  

Cũng như nhiều dân tộc sinh sống ở vùng Đông Nam Bộ, trai gái dân tộc S'Tiêng thường làm quen, tìm hiểu nhau thông qua các lễ hội, đám cưới bạn bè.

Khi đã cảm mến nhau, quyết định đi đến hôn nhân thì đôi trai gái thông báo với gia đình. Nghi thức đầu tiên trong đám cưới của người S'Tiêng là “lễ hỏi”. Trong lễ hỏi, nhà trai cử hai người làm mai mối (gọi là Đhran) sang nhà gái hỏi cưới. Trong đám hỏi, nhà trai, nhà gái, già làng và ông mai cùng kích năng (thách cưới vợ). Đây là một tục lệ cổ truyền đã có từ lâu đời và đến nay một số nơi vẫn duy trì. Già làng Điểu Đố, dân tộc Stiêng ở tỉnh Bình Phước, cho biết: "Đầu tiên ra mắt “Lễ hỏi” bên nhà trai phải sắm đồ vật theo phong tục tập quán truyền thống của đồng bào. Đồ vật từ nhà trai mang sang nhà gái theo phong tục bao giờ cũng có cái còng bạc(vòng bạc), dây vòng bạc".

Theo già làng Điểu Đố, trước đây, số lễ vật thách cưới mà nhà gái đưa ra thường tương đương với giá trị mà ngày trước cha cô gái phải bỏ ra để cưới mẹ cô gái. Trước mặt già làng, cha cô gái bẻ những cây que đưa cho người làm mai đếm, để biết nhà gái thách cưới bao nhiêu con trâu, bò, heo, tố (bình, vại) rượu. Trước mặt mọi người, ông mai trao lại cho cha của chàng trai. Theo tập tục truyền thống nếu nhà trai trả đủ số lễ vật cho nhà gái thì sau ngày cưới, nhà trai được đưa cô dâu về hoặc ra ở riêng, nếu chưa trả được thì chàng trai phải ở rể cho nhà gái đến khi trả hết nợ. Đây là phong tục mà người S'Tiêng ở Bình Phước gọi là “tục trả của, đáp lễ”.  Đặc biệt trong các lễ vật không thể thiếu đó là “cây lao”, biểu tượng sức mạnh của người S'Tiêng. 

Bà Điểu thị Kia dân tộc S'Tiêng ở tỉnh Bình Phước cho biết: "Đây là những lễ vật có ý nghĩa văn hóa gắn kết cộng đồng,  trong số các lễ vật phải có cây lao, vật dụng thường có trong  các lễ hội của người Siêng, nhất là lễ hội đâm trâu, cho nên trong lễ cưới của người Stiêng cũng phải có lễ vật đó thì việc cưới xin mới tốt đẹp".   

Tục "trả của, đáp lễ” trong đám cưới của người S'Tiêng - ảnh 2Một nghi lễ trong phong tục trả của đáp lễ của người STieng. Ảnh minh họa 

Trước đây sau lễ hỏi, hai bên gia đình  có thể tổ chức đám cưới cho đôi trai gái sau 1-2 năm, nghĩa là sau lễ ăn hỏi đôi bạn trẻ đã trở thành vợ chồng, nhưng chưa được ăn ở chung. Trong thời gian này, họ vẫn có thể qua lại giúp đỡ nhau làm nương rẫy, chăm sóc nhau khi đau ốm. Thường sau lễ hỏi hai gia đình hai bên sẽ tổ chức đám cưới. Để chuẩn bị cho bữa tiệc cưới thường mổ heo, gà, nhưng bắt buộc phải có một con trâu. Theo truyền thống xưa, trong ngày cưới, nhà trai chuẩn bị một cặp bông tai, một váy thổ cẩm, chuỗi hạt cườm đeo và bộ lục lạc bằng đồng để tặng cho cô dâu…Ngược lại nhà gái cũng chuẩn bị nhiều tấm thổ cẩm các loại để tặng cho họ hàng thân thích nhà trai để mừng đón xui gia.

Trong ngày cưới, hai bên gia đình tổ chức tiệc mời họ hàng bạn bè thân thích cùng ăn, uống tượu cần, đánh chiêng trống trong không khí rộn ràng vui tươi, mọi người cùng chúc cho cô dâu chú rể hạnh phúc. Bà Điểu Thị Kia cho biết: "Trong lễ cưới mời tất cả mọi người hai dòng họ cùng chung vui trong ngày cưới. Ngoài số thịt được dùng trong bữa tiệc, thì mỗi người được mời dự đám cưới khi ra về được chia một phần nhỏ, thể hiện cộng đồng đoàn kết, một miếng ăn cũng chia đều cho nhau".

Sau khi cưới khoảng một tuần, chàng rể dẫn cô dâu về nhà chồng để báo cho thần bếp, thần nhà biết, chỉ cho cô dâu biết chỗ ăn ngủ ở bên gia đình chồng. Thời điểm cô dâu về nhà chồng cũng là lúc để nhà trai đưa nốt những sính lễ còn thiếu cho bên nhà gái như đã hứa, ngược lại bên nhà gái cũng có phần đáp lễ lại tương đương với số hiện vật mà trai tặng. Để giúp đỡ cho nhà trai, thì anh em họ hàng thân thiết có thể giúp đỡ bằng cách tặng những đồ vật sính lễ mà nhà trai còn thiếu.

Ngày nay những thủ tục cưới xin của trai gái S'Tiêng  đã được thực hiện theo nếp sống mới, đơn giản vui tươi. Tục "Trả của, đáp lễ” hầu như không còn, tuy nhiên một số nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ. Người S'Tiêng vẫn quan niệm, việc cưới xưa không phải là việc riêng của từng gia đình, mà cũng là niềm vui và trách nhiệm của cộng đồng, buôn, sóc. Vì vậy, mỗi khi có đám cưới họ cùng nhau chuẩn bị lễ vật, thức ăn, chia sẻ công việc với gia chủ và say sưa tham dự lễ.

Feedback