(VOV5) - Người Mông chủ yếu sống ở vùng núi cao, hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên trong quá trình canh tác, họ cũng có nhiều cách làm đặc trưng. Những thửa ruộng bậc thang của người Mông tạo ra cũng đủ để thấy trình độ và sự khéo léo, tài giỏi của họ trong việc làm nông nghiệp.
|
Ruộng bậc thang, Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: vietnamhouse.vn
|
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Người Mông có hai hình thức canh tác là làm nương rẫy và trồng lúa nước. Ở nhiều vùng, người Mông phạt núi làm thành những bậc thang nhằm giữ nước bên trong để trồng lúa nước. Mảnh đất được chọn để làm ruộng nước hay ruộng bậc thang thường là những mảnh nằm dưới chân đồi, giữa hai sườn đồi. Vùng đất này phải có độ dốc không cao lắm, đặc biệt phải có nguồn nước tự nhiên do suối và mạch nước mang lại. Ông Giàng Mý Lý, người Mông ở Lào Cai, cho biết: “Người Mông có truyền thống lâu đời là canh tác ruộng bậc thang. Người Mông làm từ dưới chân đồi lên trên ngọn đồi. Bà con dùng cuốc đánh tơi đất và làm mặt phẳng. Người ta lấy từ kinh nghiệm sẵn có và truyền thống cuả dân tộc. Đánh mặt bằng chuẩn là độ dốc đổ về một phía. Căn cứ vào đó lấy điểm chuẩn để làm thửa khác. Làm đến vụ cấy cày, bừa cũng phải đảm bảo lượng nước phẳng trên một mặt ruộng”.
Ông Giàng Mý Lý cho biết để tạo ra được thửa ruộng bậc thang thì công đoạn làm mặt phẳng là quan trọng và đòi hỏi người làm phải có kỹ năng, kỹ thuật cao. Bởi mỗi thửa ruộng bậc thang được làm ra phải đảm bảo hai yếu tố mặt bằng và nguồn nước. Thông thường, quá trình đào và san ruộng được làm bằng hai cách từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Sau khi mảnh đất được dọn sạch, người ta sẽ tìm mặt phẳng nhất làm chuẩn để tiến hành đào và san lấp thành mặt bằng. Việc đo độ phẳng của mặt đất được thực hiện hoàn toàn bằng mắt thường. Ông Giàng A Dính, ở Lào Cai, cho biết: “Từ khi người Mông được học thì cách khai hoang của người Mông khác rất là nhiều. Vì người Mông xác định được triền đồi mình định khai hoang không những giúp họ có ruộng mà còn tạo ra một phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Đặc biệt cách xác định mặt phẳng của người Mông thật tuyệt vời. Trước đây không được học nên người Mông xác định một cách khó khăn, khi đó người ta dùng những kỹ thuật thô sơ”.
Người Mông quan niệm, cha ông ngày trước cần cù chịu khó đào đắp quyết liệt sáng tạo để tạo nên một công trình ruộng bậc thang trùng điệp. Khi đứng trước những thửa ruộng bậc thang đồ sộ ở Yên Bái hay Lào Cai khó ai nghĩ rằng với bàn tay thô ráp, dụng cụ thô sơ mà bao thế hệ người Mông đã làm ra những công trình tuyệt tác đến vậy. Ông Giàng A Trư, ở Yên Bái, cho biết: “Người Mông vốn chăm chỉ canh tác ở địa bàn khó nên cuộc sống còn khó khăn lắm. Người Mông toàn làm dựa theo kinh nghiệm. Làm được ruộng rồi nhưng cách chọn cái cày, con trâu cũng quan trọng, phải phù hợp với địa bàn vùng cao này.”
Với cuộc sống hồn nhiên và bình dị, người Mông không bao giờ nghĩ mình lại chính là kỹ sư đồng ruộng độc đáo kiêm cả họa sĩ tạo hình cảnh quan. Làm chủ những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ đã khó và để canh tác hiệu quả lại là một câu chuyện dài. Bằng những kinh nghiệm sống được tích lũy từ ngàn đời, người Mông hoàn toàn sử dụng những điều đó vào sản xuất./.