Trang phục và khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) -Phụ nữ Si La mặc váy kín, dài màu đen, cạp váy màu xanh, gấu váy thêu chỉ màu

 Si La là một trong 5 dân tộcít người nhất ở Việt nam, hiện đang sống chủ yếu ở vùng núi cao thuộc các huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và huyện Mường Tè ( tỉnh Lai Châu). Trang phục truyền thống là một thành tố quan trọng để nhận biết về bản sắc của người Si La. Quá trình sinh sống gắn bó lâu dài với tự nhiên, người Si La đã tạo ra bộ trang phục truyền thống gần gũi với thiên nhiên, thể hiện đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc mình.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

  Trang phục và khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La       - ảnh 1Các thiếu nữ Si La trong trang phục truyền thống. - Ảnh Báo Dân tộc Miền núi 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, người Si La là dân tộc có nguồn gốc từ vùng Trung Á, trước kia người Si La sống du canh du cư, sống phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, nhưng người Si La vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đặc biệt vẫn giữ được tên gọi và giữ được bộ trang phục truyền thống. Đây cũng là đặc điểm dễ nhận biết về tộc người Si La. Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số, nhận xét: "Có thể nói đặc trưng cơ bản nhất dễ nhận biết về người Si La đó tình tự giác của tộc người rất cao. Mặc dù dân  số chỉ trên 1000 người nhưng họ vẫn có cái tên tự gọi rất kiêu hãnh. Họ có rất nhiều cách lý giải về tên dân tộc mình  Một tộc người luôn có ý thức giữ  tên của dân tộc mình, đó là bản sắc đầu tiên chúng ta cần ghi nhận.

Trang phục của người Si La mang nhiều nét riêng của tộc người, ngoài chức năng bảo vệ cơ thể còn thể hiện chức năng về xã hội, về giới tính và thẩm mỹ rất rõ nét. Đặc biệt là bộ trang phục của nữ giới phản ánh rất rõ những đặc trưng của lứa tuổi cũng như tình trạng hôn nhân gia đình.

  Trang phục và khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La       - ảnh 2Để tôn nên vẻ đẹp của mình, các thiếu nữ Si La sử dụng thêm các chuỗi hạt cườm, các họa tiết trang trí nhiều màu sắc. - Ảnh Dân tộc và Miền núi

Cũng như một số dân tộc anh em sinh sống trong vùng, trang phục của nam giới Si La khá đơn giản. Đàn ông thường mặc quần ống chân què, áo cánh xẻ ngực, cài cúc, cổ đứng, có 2 hoặc 3 túi, màu chàm xanh. Nam giới Si La bao giờ cũng đội khăn trắng. Ngày nay, nam giới Si La đã ăn vận âu phục, bộ nam phục truyền thống chỉ mặc mỗi khi có dịp đặc biệt như lễ tết, cưới xin.

Khác với nam giới, trang phục của phụ nữ Si La được may thêu cầu kỳ hơn . Bộ trang phục nữ giới gồm có váy, áo, dây lưng và khăn đội đầu. Phụ nữ Si La mặc váy kín, dài màu đen, cạp váy màu xanh, gấu váy thêu chỉ màu.  Phụ nữ Si La mặc áo hơi bó thân, màu chàm, cài cúc bên nách phải. Cổ áo, tay áo và gấu áo đều được viền hoặc may những khoanh vải khác màu, những đường viền này khiến cho bộ trang phục trở nên mềm mại, sinh động hơn. Nét độc đáo của chiếc áo nữ Si La lại chính là phần trang trí trên thân áo trước. Thân áo trước được tạo bởi một miếng vải có hình thang cân.

  Trang phục và khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La       - ảnh 3Trang phục của đàn ông SiLa đơn giản rất nhiều về họa tiết- Ảnh Dân tộc và Miền núi 

Trên đó được đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang. Giữa các hàng xu bạc trang trí các đường văn kẻ bằng chỉ đỏ. Nét đặc biệt nhất trên trang phục của phụ nữ Si La chính là chiếc khăn đội đầu. Đối với phụ nữ Si La, chiếc khăn đội đầu cũng là một bộ phận không thể thiếu được, nó có liên quan đến lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Khăn của người phụ nữ gồm có hai loại: Khăn trắng và khăn đen để phân biết người phụ nữ đã có chống hay chưa có chống. Các thiếu nữ Si La bắt đầu đội khăn ở độ tuổi 13 – 14 tuổi, khăn làm bằng tấm vải trắng hình chữ nhật, trên nền có thêu hoa văn tạo thành những ô vuông lớn bằng chỉ đỏ. Còn khi đi lấy chồng mọi phụ nữ Si La đều dùng khăn đội đầu màu đen, cuống theo hình sừng trâu, bên trong có búi tóc.

Bà Hù Cố Xuân, dân tộc Si La cho biết: "Trong khăn đến bao giờ cũng có búi tóc. Giữa búi tóc có miếng khăn nhỏ của người chồng. Chiếc khăn nhỏ này thể hiện sự chung thủy của vợ chồng, ý của các cụ ngày xưa là như thế. Chiếc khăn thể hiện đã có chồng tặng cho minh nên là quý nhất,  nên bình thường không ai bỏ xuống, chi khi có tang ma người ta mới bỏ thôi "

  Trang phục và khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Si La       - ảnh 4Đồng bào có nền văn hóa đa dạng, nguyên bản và phong phú như: hát giao duyên giữa nam nữ thanh niên, hát sử ca. - Ảnh Báo dân tộc và Miền núi

Nét độc đáo của chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Si La đã có chống, đó khăn được khâu thành chiếc túi, sau đó tạo thành một cuốn tóc lớn vấn ngang trên trán. Nếu cuốn tóc này chưa đủ to thì phải độn thêm tóc của chồng. Điều này thể hiện tín ngưỡng về tình yêu, tình cảm vợ chồng son sắt, thủy chung gắn bó của người Si La.

Cùng sự giao thoa văn hoá với các dân tộc khác, trang phục truyền thống lại cầu kỳ nên người Si La luôn sử dụng trang phục này vào các dịp lễ tết, cưới hỏi, các sự kiện lớn bản làng... góp phần bảo tồn bản sắc của người Si La, và gìn giữ một nét đẹp độc đáo trong vườn hoa văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Feedback