Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Cây chàm sau khi lấy về sẽ được bà con ngâm nát nhừ với nước và tinh lọc giữ lại phần bột chàm. Phần bột chàm sẽ được hòa với nước theo tỷ lệ riêng của mỗi người nhuộm.

Trang phục truyền thống của đồng bào Nùng ở Cao Bằng chính là những bộ quần áo mang mầu chàm duyên dáng. Màu áo chàm được nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên là cây chàm, một loại cây trồng khá phổ biến đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và đây cũng chính là loại nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên những bộ quần áo theo truyền thống của người Nùng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cây chàm sau khi lấy về sẽ được bà con ngâm nát nhừ với nước và tinh lọc giữ lại phần bột chàm. Phần bột chàm sẽ được hòa với nước theo tỷ lệ riêng của mỗi người nhuộm. Thông thường một mảnh vải tầm 9-10m sẽ được ngâm mỗi lần trong khoảng 1 tiếng sau đó sẽ được mang ra phơi trong khoảng hơn 1 tiếng để tấm vải khô hoàn toàn. Công đoạn nhuộm vải này sẽ được làm đi làm lại trong khoảng 1 tháng để tấm vải chàm đến đến mầu đen hoặc mầu xanh đúng theo yêu cầu.

 Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng - ảnh 1Cô gái Nùng trong trang phục truyền thống- Ảnh Báo Dân tộc miền núi 

Chị Lương Thị Xuân, dân tộc Nùng, huyện Quảng yên, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Cần chú ý là khi nhuộm vải với chàm thì cần có nước vôi. Khi nước vôi mầu vàng thì vải lên mầu đen. Nếu nước vôi mầu xanh thì vải sẽ bị trắng. Nên nhuộm là cần phải chú ý cái đó. Vì nó là khâu quan trọng nhất."

Qua bàn tay khéo léo của các phụ nữ Nùng, những tấm vải được nhuộm và cắt may thành những bộ trang phục vừa vặn với người mặc. Những họa tiết thổ cẩm với những sắc mầu rực rỡ được khéo léo thêu trên nền sắc chàm dung dị tạo nên cái hồn của trang phục người Nùng. Chỉ cần nhìn vào vuông vải cũng có thể nhận ra được nét tinh hoa văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền.

Chị Lương Thị Xuân chia sẻ:"Áo chàm của chúng tôi mùa hè mặc hơi nóng một tý nhưng đi làm đồng làm nương thì có thể chống nắng được. Nhưng mặc mùa đông thì rất ấm và chống được rét. Nếu mặc 2 cái quần thì rất ấm không sợ rét nữa."

 Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng - ảnh 2Màu áo chàm được nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên là cây chàm. 

Lý giải về mầu sắc của áo chàm truyền thống, đồng bào Nùng cho rằng từ xa xưa, người Nùng vốn sinh sống bằng canh tác nông nghiệp, đặc trưng là làm lúa nương, lứa nước nên việc nhuộm áo dệt từ bông trắng thành mầu chàm từ nước của cây chàm vừa đỡ được nhiều công giặt giũ vừa hài hòa với tự nhiên. Nhất là khi nước chàm ngấm vào áo sẽ làm cho vải bền mầu và lâu hỏng hơn.

Anh Nông Văn Thắng, cán bộ văn hóa xã Phúc Sen, huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng, cho biết:  "Điểm đặc biệt nhất là khâu may, vá, cắt hầu như hoàn toàn làm bằng thủ công. Còn về đời sống tâm linh thì hầu như các thày cúng đều mặc những trang phục chàm của dân tộc mỗi khi làm lễ cho bà con dân bản, qua đó để giữ gìn nét truyền thống của đồng bào."

Trang phục truyền thống của đồng bào Nùng, áo phụ nữ có ống tay rộng, cổ tay, cổ áo trang trí bằng những mảnh vải nhiều màu sáng nhưng màu chính vẫn là màu chàm, cài một hàng cúc bằng nút vải bên nách phải, đoạn cổ tay và lá sen đắp một miếng vải và bốn túi áo không có nắp; quần ống rộng có trang trí dưới gấu. Trang phục nam gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc…

Hiện nay bà con người Nùng ở Cao bằng vẫn thường xuyên mặc quần áo truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày, đi làm đồng, hay đi đám cưới, lễ hội. Mùi thơm của vài chàm đã gắn bó với họ từ lâu đời và người Nùng luôn tự hào về bộ bọ quần áo chàm mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Anh Nông Văn Thắng cho biết:

"Trước kia kinh tế xã hội khó khăn nên người dân tự trồng bông dệt vải rồi tự kéo sợi, nhuộm, khâu vá… Qua đó đặc biệt thấy được giá trị  trang phục của đồng bào dân tộc Nùng. Những bộ trang phục của đồng bào dân tộc được lưu truyền đến ngày nay đã mang giá trị giáo dục cho con cháu ính kiên trì, giữ gìn được bản sắc dân tộc của người Nùng."

Chính quyền địa phương tỉnh Cao Bằng đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của bà con trong việc gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng trong đó có phong trào mặc và sử dụng trang phục truyền thống.

Chị Nông Thị Thủy, cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Cứ 2 năm 1 lần, chúng tôi lại tổ chức thi trang phục truyền thống của đồng bào Nùng giữa các đơn vị xã, thị trấn với nhau để xem trang phục nào đẹp nhất giữ được nét truyền thống nguyên bản và đặc sắc nhất thì sẽ chấm trao giải. Đối với trường Phổ thông dân tộc Nội trú huyện thì chúng tôi đề nghị các học sinh là cứ thứ 2 đầu tuần hoặc những ngày lễ của đất nước của tỉnh, của huyện là sẽ mặc trang phục truyền thống của mình."

Có thể nói trang phục truyền thống của dân tộc Nùng không chỉ là sản phẩm vật chất của con người mà trong đó còn là niềm tự hào, tình yêu với quê hương của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong trang phục của đồng bào Nùng cũng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nói chung của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Feedback