Trang phục của người Mông ở Sapa

Chia sẻ
(VOV5) - Đồng bào Mông chiếm khoảng hơn 53% dân số toàn thị xã, với nhiều ngành Mông như Mông đen, Mông trắng, Mông hoa, Mông cua…

Ở thị xã Sapa của tỉnh Lào Cai, đồng bào Mông chiếm khoảng hơn 53% dân số toàn thị xã, với nhiều ngành Mông như Mông đen, Mông trắng, Mông hoa, Mông cua…Có 1 điều đặc biệt là đồng bào Mông ở đây dù thuộc ngành Mông nào thì họ đều mặc 1 bộ trang phục màu đen.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Đồng bào Mông trước đây là tộc người giỏi làm lúa nước sống dọc theo khu vực sông Dương Tử, Trung Quốc. Do các các cuộc xung đột với người Hán, một bộ phận người Mông di cư về phía Nam rồi đến Việt nam. Những người Mông đầu tiên di cư đến Sapa tập trung chủ yếu ở dãy Hoàng Liên.

Trang phục của người Mông ở Sapa - ảnh 1Kỹ thuật nhuộm chàm của đồng bào người Mông Sapa. - Nguồn:  dulichsapalaocai.net

Theo ông Giàng Seo Gà, Hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện nay trang phục đồng bào Mông ở Sapa giống với trang phục bộ phận người Mông ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc: "Tất cả người Mông Trắng, Mông đen… đều giống nhau về trang phục với màu tràm và họ tôn trọng màu chàm, trong khi lịch sử là màu đen. Tất cả các em về sau này mặc màu xanh đề hòa đồng. Đồng bào Mông có câu “Đi theo thịt phải đỏ, đi theo rau phải xanh”, đó chính là điều để họ giữu phong tục tập quán nền văn hóa của mình."

Cũng theo ông Giàng Seo Gà, muốn hiểu về trang phục của đồng bào Mông ở Sapa thì phải hiểu về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của họ: "Các cụ kể lại ngày người Mông cũng có những biểu tượng, những bàn thờ thày cúng có 3 hình tròn. Hình tròn to nhất ở giữa có nhiều màu màu bạc gọi là trái đất. Còn 2 hình tròn tua rua ở phía đông thì cho đó là mặt trời, mặt trăng. Hai hình ở hai bên đều dán trên nền giấy tím than, xuất phát từ đó, người Mông  Sapa mới quan niệm màu đen là của mình. Màu đen là màu quý tộc, màu quý nhất."

Bộ trang phục người Mông ở Sa Pa, cả nam và nữ, khá tương đồng, màu đen là màu chủ đạo, chủ yếu được may bằng vải lanh. Mỗi ngành Mông lại có cách trang trí, tạo hình, thêu hoa văn đặc sắc, tinh tế khác nhau. 

Trang phục của người Mông ở Sapa - ảnh 2Người Mông ở Sa pa. - Ảnh:Viettourist.vn  

Trang phục nam giới gồm có quần, áo dài tay, áo khoác ngoài và có 1 cái mũ. Áo ngoài được thêu rất đẹp ở cổ, mài bằng đá pha sáp ong để tạo độ bóng. Cấu tạo của quần thì người Mông may kiểu quần phăng ống thẳng. Áo thì có vạch to và vạch nhỏ.

Ông Giàng Seo gà cho biết: "Vạch to và vạch nhỏ này trên trang phục người Mông trước kia thêu bằng vải xanh trên đầu ống tay. Nhưng về sau họ không thích nữa đã chọn màu đen. Cho nên bây giờ đã mất đi vệt xanh ở đầu tay áo. Còn áo khoác ở bên ngoài, chỉ có duy nhất người Mông nam giới ở Sapa có áo khoác ngoài, đó là bộ đồ của mình. Họ hãnh diện khi mỗi khi ngày lễ ngày Tết đến họ được diện những bộ quần áo này."

Đặc biệt, chiếc áo khoác ngoài được may bằng nhiều mảnh vải với nhau. Anh Giàng A Sài, cán bộ trung tâm văn hóa thành phố Sapa chia sẻ: "Áo có 4 mảnh nối lại với nhau trong đó có 1 mảnh rộng nhất là mảnh sau lưng, 2 mảnh 2 bên sẽ hẹp hơn 1 chút. Đấy là áo của người đàn ông. Còn quần của đàn ông đơn giản hơn 1 chút, người ta hay gọi đó là quần thụng. Vì đàn ông hay đi rừng nên quần như vậy để dễ leo trèo."

Áo của nam giới có cúc thường cài về bên phải. Theo bà con cúc áo cài về bên phải để cho người sống, còn cài về bên trái là cho người đã khuất. Ông Giàng Seo Gà nói rằng có sự liên quan đến trang phục của nữ: "Ngày xửa ngày xưa các cụ kể là phụ nữ Mông ở Sapa mặc váy nhưng do sinh sống ở  nơi rừng rú và có độ ẩm cao, có muỗi nên nữ giới chuyển sang mặc quần. Mà quần của nữ giới là quần cộc đến đầu gối và áo của nữ giới gần giống áo tứ thân có tay. Tay áo thụng to và thêu nhiều hoa văn. Ít khi họ có áo màu đen, nhưng áo lao động của họ thường mặc áo đen là chính, còn diện đi lễ Tết hội hè thì bao giờ họ cũng mặc áo có hoa văn."

Trang phục người Mông ở Sapa chủ yếu được may bằng vải lanh và mỗi ngành lại có cách trang trí tạo hình, thêu hoa văn đặc sắc tinh tế khác nhau, nhưng màu đen vẫn là màu chủ đạo, là điểm nhấn trong trang phục của họ khác với một số ngành Mông sinh sống ở nơi khác trên đất nước.

Feedback