Hàng năm, đúng dịp 2/9, tất cả đồng bào già trẻ, gái trai, là người Mông, từ các bản gần xa tỉnh Sơn La lại nô nức rủ nhau về thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, để vui tết Độc lập.
Tết Độc lập của đồng bào Mông là để tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết ơn Chính phủ đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng.
Múa hát mừng Tết Độc lập |
Theo lời kể của những người Mông cao tuổi, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó không chỉ là Tết Độc lập của đất nước mà còn là Tết của riêng dân tộc mình.
Vào những ngày này, thị trấn Mộc Châu treo nhiều cờ đỏ mừng Quốc khánh, thanh niên từ các nơi đổ về đây cùng tham gia các các trò chơi, thổi khèn, múa hát với nhau, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình thâu đêm. Đến sáng thì chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. Chính vì vậy, Tết Độc lập còn có tên gọi là Tết Cờ đỏ sao vàng.
Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết: "Đón Tết 2/9 là dịp Lễ lớn của cả dân tộc Việt Nam, nhưng đối với riêng đồng bào Mông thì đó là ngày Tết quan trọng. Bà con chuẩn bị cho Tết 2/9 với khí thế của một dân tộc được Đảng và Nhà nước quan tâm. Bà con chuẩn bị từ trước đó hàng tuần, đến dịp này cùng nhau xuống huyện Mộc Châu để cùng nhau đón Tết độc lập. Bà con hòa vào các hoạt động được tổ chức, cùng nhau thổi khèn, hát múa, để nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ sự lãnh đạo của Đảng đã đem lại độc lập cho đồng bào dân tộc Mông cũng như các dân tộc khác."
Tết Độc lập của người Mông kéo dài từ 29/8 đến ngày 2/9 nhưng đông vui nhất là ngày 1/9. Để tới lễ hội, bà con người Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Gái thì rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa xuống thị trấn. Sắc cờ đỏ thắm kỷ niệm ngày Tết độc lập 2-9 hòa cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của bà con người Mông đã dệt nên bức tranh nhiều màu.
Cả gia đình ông Vì A Hao, dân tộc Mông, có 7 người thì cả 3 thế hệ này từ tỉnh Điện Biên lặn lội xuống Mộc Châu vui Tết Độc lập. Đồ đạc mang theo chỉ một ít lương hực nước uống:
"Được đi dự Tết của đồng bào mình tại Mộc Châu cho nên thấy khác với nơi khác. Mà ở quê Tủa Chùa chúng tôi thì chưa có ngày hội vui như thế này."
Cùng với mầu cờ đỏ thắm là mầu sắc sặc sỡ của váy áo đồng bào Mông, tạo nên một bức tranh rực rỡ. Đi chơi Tết, thưởng thức ẩm thực người Mông, mua những chiếc váy thổ cẩm, xem cướp vợ… là những hình ảnh quen thuộc không thể quên đối với những ai đã đến tham dự Tết Độc lập cùng đồng bào Mông tại cao nguyên Mộc Châu. Quần áo là những thứ mà phụ nữ Mông phải chuẩn bị cầu kỳ nhất.
Chị Giàng Thị Tích, dân tộc Mông, đến từ Lai Châu, cho biết: "Cái quần áo này phải mất cong may từ tết đến giờ thì mới được 1 bộ. Ngày hôm nay tôi mới được mặc đầu tiên."
Trong những ngày Tết Độc lập còn có nhiều trò chơi dân gian như thi giã bánh dày, thi nấu cơm, tung còn… Tại đây còn có các gian hàng trưng bày ẩm thực, công cụ lao động sản xuất của người Mông. Các hoạt động diễn ra ngay tại thị trấn với sự tham dự của đông đảo đồng bào các dân tộc khác.
Trong ngày Tết Độc lập, cao nguyên Mộc Châu không chỉ đón người Mông về ăn Tết mà các dân tộc anh em cũng về chơi. Tết Độc lập ngày một đông vui hơn, hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Từ năm 2000, lại thêm người Mông ở Việt Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về vui Tết với người Mông Mộc Châu. Các dân tộc anh em như Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú ở các bản lân cận cũng kéo về thị trấn Mộc Châu vui Tết cùng bà con người Mông. Dần dần, Tết Độc lập ở Mộc Châu trở thành tết chung của đồng bào các dân tộc vùng cao, các dân tộc anh em như Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... tạo nên sự hòa quyện vui tươi thắm tình dân tộc.
Bạn Bùi Văn Thắng, dân tộc Mường, đến từ tỉnh Hòa Bình, cho biết:"Tại ngày Tết độc lập mùng 2/9 này, chúng tôi được tham gia các trò chơi với các bạn bà anh em dân tộc khác, được giao lưu, trao đổi. Tôi rất vui vì đã được đến đây để vui Tết Độc lập"
Cùng chung niềm hân hoàn đón tết Độc lập, chị Liu Mẩy, dân tộc Dao, đến từ huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cho biết: "Tôi biết người Mông ăn Tết độc lập rất to. Tết độc lập cũng là của cả dân tộc Việt Nam. Tôi rất vui khi được đến vui tết độc lập cùng với các dân tộc khác, được tham gia các hoạt động sôi nổi ở đây."
Trải qua hơn 40 năm, nhiều thế hệ thanh niên gặp nhau ở phiên chợ Tết Độc lập đã nên vợ nên chồng. Cũng có mối tình không dẫn đến hôn nhân nhưng vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, họ gặp lại nhau trong đêm Tết, thăm hỏi động viên nhau trên bước đường đời.
Có lẽ không ở đâu có sự tụ hội để mừng ngày Tết Độc lập lại rộn ràng như ở cao nguyên Mộc Châu. Mộc Châu giờ không chỉ là điểm để đồng bào các dân tộc trong tỉnh Sơn La cũng như các tỉnh kề cận đến ngao du thưởng ngoạn, mà còn là nơi để đồng bào dân tộc bên nước bạn Lào tìm đến chung vui, chia sẻ các hoạt động truyền thống của địa phương.