Cứ đến gần cuối năm, khi lúa trên rẫy đã đến độ chín vàng, trời đông bắt đầu se lạnh cũng là lúc các buôn làng của đồng bào các dân tộc: Pakô, Tà Ôi, Cơ Tu ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại rộn ràng đón Tết A Za còn gọi là Tết mừng cơm mới để cảm ơn trời đất, thần linh đã ban cho một mùa vụ bội thu.
Lễ Aza hay còn gọi là lễ Tết cơm mới, một trong những nghi lễ truyền thống có từ thời xa xưa của người Pacô, được tổ chức nhằm tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, chuẩn bị đón một vụ mùa mới - Ảnh: vnexpress.net
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lễ hội Ariêu Aza hay còn gọi là lễ hội đón Tết cơm mới là lễ hội lớn thứ hai sau lễ hội Ariêu Ping của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào những ngày này, dù con em đang làm ăn xa đến đâu cũng quay về nhà để cùng đón lễ Aza với gia đình, làng bản. Lễ hội Aza là Tết sum họp các dòng họ, thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống của đồng bào. Tết cũng là dịp bà con tụ tập đầy đủ, ngồi uống rượu, trò chuyện xem trong một năm làm ăn phát đạt những gì, cái gì chưa đạt để năm tới làm ăn phát đạt hơn.. Ông Nguyễn Hoài Nam ở huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Bà con tất cả tụ hội hàng năm cùng tổ chức lễ cúng cơn mới để bày tỏ biết ơn Giàng, thần lúa, thần cây đã cho được mùa. Nếu khi bị mất mùa bà con lại cầu mong các thần linh đế sang năm sau được mùa nhiều hơn”.
Sau khi tổ chức cúng Giàng, nhà nào cũng lấy một phần lễ vật mang đến nhà sinh hoạt cộng đồng hay nhà trưởng làng để góp lễ chung vui với mọi người, đồng thời tổ chức cúng Giàng chung của cả làng. Các gia đình, dòng họ đồng bào Pacô thường đi theo đoàn mang theo lễ vật và múa những điệu múa truyền thống kết hợp với tiếng chiêng trống - Ảnh: vnexpress.net |
Để thực hiện nghi thức cúng lễ cơm mới, bà con đã phải chuẩn bị trước đó nhiều ngày. Những người đàn ông trong buôn chuẩn bị các con vật nuôi phục vụ các nghi lễ cúng, trong khi phụ nữ kiếm sản vật từ rừng như: măng tre, nứa, các loại lá cây rừng như: đọt mây, đoác…để chế biến các món ăn truyền thống. Vào ngày Tết, mỗi thôn, mỗi bản đều mang những thực phẩm gắn liền với đời sống của bà con, mà theo quan niệm của họ, thực phẩm ấy có được là nhờ Giàng phù hộ, chở che, ban cho vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc. Bà A Viết Thị Nhi dân tộc Pakô cho biết: “Cái lễ chủ yếu của dân tộc mình là lễ Aza. Trong lễ hội cúng Ada phải có các sản vật cúng Giàng như:cơm lam, bánh A quát, gà nướng ống, thịt lợn, chuột, chim, ếch, cá…Có khi nghi lễ chỉ diễn ra trong một vài ngày, nhưng phải chuẩn bị trước đó cả tuần”.
Aquat - loại bánh nếp không nhân của bà con Pacô, là thứ không thể thiếu để đặt trên bàn lễ. Loại bánh này cũng giống như bánh chưng, bánh tét của người miền xuôi trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: vnexpress.net |
Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc Pakô, Tà ôi, Cơ Tu, thời gian để cúng lúa mới, cúng thần linh là vào buổi sáng, bởi vào lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày. Lễ hội bắt đầu rộn rã khi những vị khách mời đến. Khách quý đi từng đoàn mang theo nào lợn, bò; gà, vịt, cá…đến góp vui cùng lễ hội. Trong khi già làng thực hiện các nghi lễ cúng ở nhà sàn trung tâm của cả buôn làng, thì các gia đình cũng phải chuẩn bị ba mâm đồ để cúng tạ ơn các Giàng, tạ ơn các vị thần một năm qua đã cho mưa thuận gió hòa, lúa chất đầy kho, gà lợn nuôi lớn nhanh như thổi, con người khỏe mạnh không ốm đau. Trong nghi lễ cúng tế thần linh, ngoài mâm cúng dành cho các Giàng, thì mỗi gia đình còn chuẩn bị các mâm cơm dành cho khách quý gọi là “Khơi” và họ hàng, dân các làng khác được mời dự lễ hội. Vào ngày Tết Aza, trong không khí lễ hội, các nam thanh nữ tú của bản làng diện những bộ trang phục đẹp nhất cùng hòa nhịp trong điệu múa "zả zả" hay "pơ chiêng coon" nhằm gắn kết tình anh em, tình bè bạn cho một mùa cơm mới no ấm, vui tươi. Tiếng trống và những điệu hát truyền thống cũng đã góp phần làm cho không khí lễ hội trở nên rộn ràng.
Theo phong tục truyền thống, vào dịp lễ hội, để cầu chúc cho năm mới mùa màng bội thu, người dân thường phóng loại hoa tre lên trần nhà, nóc mái hay lên những tấm zèng. Nếu hoa tre không rơi xuống, cũng có nghĩa là những mong ước cho một năm mới sung túc đã được các thần linh, các Giàng chấp thuận.
Ngày nay, dù cuộc sống hiện nay đã nhiều thay đổi, nhưng phong tục tập quán trong lễ hội Ada vẫn được gìn giữ, tạo sự hấp dẫn thu hút khách du lịch đến chiêm nghiệm, hiểu thêm về dân tộc thiểu số anh em sinh sống ở phía Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ.