Cũng giống các dân tộc khác sống ở Cao nguyên Nam Trung Bộ (Tây Nguyên), dân tộc Ba Na có nền văn hóa độc đáo với các loại hình nghệ thuật phong phú, trong đó nổi bật là các thiên sử thi (hay người bản tộc còn gọi là HơĂMon). Sử thi Ba Na giữ vai trò quan trọng trong liên kết cộng đồng, là sợi dây kết nối giữa thế giới con người và tổ tiên, quá khứ với hiện tại, nói lên khát vọng của dân tộc về một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng, ngợi ca tình yêu, lòng cao thượng, trí dũng con người trước thử thách của thiên nhiên và trong đấu tranh với cái ác.
Một buổi kể sử thi của dân tộc Ba Na
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cũng giống như sử thi của các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, Gia Lai, sử thi Ba Na là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền khẩu theo lối hát, kể chuyện bằng thơ, văn xuôi, là bức tranh thu nhỏ, sinh động về xã hội xưa.
Nếu như trường ca Dam San, sử thi nổi tiếng đầu tiên và được biết đến nhiều nhất của người Ê Đê, được phát hiện từ những năm 1930 thì phải đến tận năm 1980, sử thi Ba Na mới được biết đến và đưa vào nghiên cứu. Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: "Mãi đến 1980 thì chúng tôi mới phát hiện ra là có sử thi Ba Na. Trước đấy chỉ có những cốt truyện của sử thi được kể lại như cổ tích thôi chứ không phải là thơ ca. Sử thi đầu tiên chúng tôi phát hiện ra là Dam Noi. Noi là tên nhân vật anh hùng, Dam là chàng. Sử thi ấy sau này dịch ra gọi là sử thi Dam Noi".
Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, sử thi Ba Na phản ánh cuộc sống từ thửa ban sơ của bà con với những cuộc đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, lý giải những hiện tượng tự nhiên và xã hội như: sự hình thành trời đất và con người, cuộc đấu tranh giữa những tộc người, thiện chiến thắng ác. Nếu sử thi các dân tộc khác gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại của buôn làng như Diông, Dư, thì người Ba Na có anh hùng Dam Noi. Nội dung cơ bản xuyên suốt trong tác phẩm bao gồm ba sự kiện của người anh hùng là lấy vợ, lao động và đánh giặc. "Nội dung cũng giống như các sử thi khác, tức là nội dung chiến đấu diệt ác để bảo vệ xóm làng. Tất nhiên cũng có những điểm khác, nhưng cốt truyện chủ yếu là xây dựng nhân vật người anh hùng diệt trừ ác, diệt xâm lấn, đem lại no ấm cho bản làng. Đây cũng là nội dung truyện mà chúng tôi phát hiện ra là Dam Noi" - GS Tô Ngọc Thanh cho biết.
Sử thi Ba Na thường được chia thành nhiều khúc, đoạn, hợp lại thành một sử thi hoàn chỉnh. Ngôn ngữ của sử thi mang tính ví von, giàu hình ảnh, nhạc điệu, mượn hình ảnh cây cỏ, chim thú để nói về con người và tâm trạng của con người. Bằng nghệ thuật hát ngâm (những đoạn văn vần) và hát nói (những đoạn văn xuôi), các nghệ nhân dân gian có thể kể những câu chuyện dài, nhiều nhân vật, nhiều sự kiện đan xen. Sự sáng tạo của người kể, hát sử thi đóng vai trò quan trọng. Tiến sĩ Lê Thùy Ly, chuyên ngành Văn hóa dân gian, Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho rằng: "Họ là người am hiểu sâu sắc về cộng đồng, văn hóa của dân tộc mình và có trí nhớ tuyệt vời để hát kể những câu chuyện sử thi kéo dài nhiều đêm. Mỗi người hát, kể lại thêm thắt, sáng tạo theo tư duy và khả năng riêng của mình, dựa vào những mẫu hình ngôn từ và chủ đề truyền thống chính của cốt truyện. Bối cảnh diễn xướng trong không gian gắn liền với văn hóa của cộng đồng như trong nhà rông, trên rẫy, sau các lễ thức gia đình như cưới hỏi, lễ bỏ mả, nghi lễ cộng đồng…".
Sử thi của người Ba Na thường được hát kể vào ban đêm, nghệ nhân có thể hát nằm hoặc hát ngồi, người nghe ngồi xung quanh nhà bên những đống lửa nhỏ.
Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, điểm độc đáo của lối hát, kể sử thi Ba Na so với các dân tộc khác ở Tây Nguyên là giữa người nghe và người kể không hề có tiếp xúc, người nghe không nhìn thấy người kể. Người kể không cần diễn, chỉ nói, hát trong bóng tối và trong không gian của bóng tối dường như cả quá khứ đang hiện về. Bởi vì Dam Noi là chuyện của ngày xưa, khi kể chuyện thì người ta tin rằng nhân vật này đang hiện về cho nên không thể thấy bằng mắt thường được. Vì là biểu tượng của quá khứ nên người ta không cần biết người kể nằm, đứng hay ngồi mà chỉ cần nghe giọng thôi. Và từ quá khứ xa xăm ấy vang lên những lời kể về người anh hùng và người anh hùng ấy thì được mỗi người tưởng tượng theo ý mình. Đó là nghệ thuật mà ở đó sức sáng tạo nhân vật trao lại cho từng người nghe chứ không phải theo khuôn mẫu. Cái vĩ đại của sử thi Ba Na là ở chỗ đó.
Thông thường sử thi Ba Na kể 3 đêm mới hết, không được phép dừng ở giữa bởi người Ba Na tin rằng tổ tiên (mà cụ thể là vị thần anh hùng Dam Noi) bay về trong bóng tối, đang giao tiếp với con cháu qua người kể. Người ta đến không phải để nghe một tích mới bởi họ đã thuộc lòng sử thi từ đầu đến cuối, mà họ đến là bởi niềm tin vào sự giao tiếp với tổ tiên, với thần linh. Tham dự vào các buổi hát kể sử thi, người nghe cũng hiểu biết về đời sống vật chất và tinh thần của cha ông, những kinh nghiệm sống, ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Hát, kể và thưởng thức sử thi cũng là dịp để tăng thêm tình đoàn kết của các thành viên trong cộng đồng.
Trong xã hội đương đại, sử thi Ba Na vẫn đang tồn tại trong đời sống cộng đồng như một nhu cầu về văn hóa, xã hội, giải trí và là môi trường nuôi dưỡng ý thức, tình cảm, ý thức về dân tộc và sự cố kết của cộng đồng. Tháng 4/2017, sử thi Ba Na đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo thời gian, số lượng nghệ nhân kể sử thi ngày càng hiếm và bằng việc công nhận này, di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Ba Na này chắc chắn tiếp tục được gìn giữ và phát huy.