Rộn ràng ngày hội bắt cá suối ở Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Những năm gần đây nhờ du lịch phát triển, đời sống những bản làng của người Dao, người Tày khấm khá và rộn ràng hơn hẳn. 

Du khách đến với huyện Lâm Bình, Tuyên Quang không chỉ trầm trồ bởi vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn giữa vùng đại ngàn, mà còn vô cùng thích thú khi được trải nghiệm các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây như; Lễ hội nhảy lửa huyền bí của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội lồng tồng của người Tày, lễ cấp sắc người Dao, Lễ giã cốm, lễ mừng cơm mới. Mỗi lễ hội có một nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc nhưng đều thể hiện khát vọng, bản làng yên vui hạnh phúc. Hãy đến với xã vùng cao Phúc Yên ở huyện Lâm Bình để tham gia vào Lễ hội băt cá suối bằng tay, mang ý nghĩa thể hiện tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc nơi đây:

 Nghe âm thanh bài viết ở đây:           

Vào dịp tháng 3 âm lịch khu vực quanh suối Áimu (có người gọi là Khuổi Hoàng), thời tiết mát mẻ, cây cối xanh mát, hoa mộc miên nở rực rỡ rất thích hợp để bà con dân tộc Tày và Dao Đỏ của 6 thôn bản tổ chức Ngày hội văn hóa, ẩm thực, du lịch sinh thái. Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là cuộc thi bắt cá suối và vịt suối bằng tay không…Người dân trong vùng quan niệm rằng: Dòng suối do tạo hóa ban tặng, cá ở dòng suối cũng do thiên nhiên ưu ái tặng người dân. Vì thế, đến ngày hội bắt cá, cả bản già trẻ trai gái, ai nấy đều hào hứng tham gia.

Con suối Áimu hiền hòa trong vắt quanh năm, lặng lẽ chuyên chở nguồn nước từ những con thác gần đó đến người dân các bản người Tày, người Dao quanh đó. Dòng nước mát lành không bao giờ cạn là nơi thích hợp cho nhiều loài cá như cá khuy, cá khiếu, cá bống, cá trứng.. sinh sôi phát triển nhất là vào dịp xuân hè.

Rộn ràng ngày hội bắt cá suối ở Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang - ảnh 1Tiết mục văn nghệ trong ngày hội ẩm thực, du lịch sinh thái ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang.

Không khí lễ hội trở lên huyên náo, rộn ràng hẳn lên khi tiếng còi hiệu lệnh vừa dứt, rất nhiều người không phân biệt già trẻ, trai gái, lớn bé.., người địa phương hay du khách ào ào xuống suối, để tham gia cuộc thi bắt cá bằng tay. Năm nay, chính quyền xã Phúc Yên thả thêm hàng chục kg cá các loại như chép, rô phi, trắm, trê.. tầm từ 0,5-2kg để bà con thoải mái bắt cá. Quy định đưa ra là mọi người phải dùng tay không bắt cá chứ không được dùng các dụng cụ gì. Hàng trăm người đứng chật bờ reo hò cổ vũ hoan hỉ mỗi khi dưới suối ai đó tóm được  hay suýt vồ được cá.

Rộn ràng ngày hội bắt cá suối ở Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang - ảnh 2Tại một góc suối

Chị  Bàn Thị Tuyên, dân tộc Dao đến từ xã Hồng Quang chia sẻ: “Đến đây, tôi được xem và chứng kiến lễ hội độc đáo diễn ra ở con suối trong hẻm núi như: bắt cá và bịt mắt bắt vịt dưới lòng suối tất vui vẻ và bổ ích và đặc biệt hơn là được tham quan các gian hàng ẩm thực, thưởng thức món ăn đậm đà bản sắc dân tộc rất ngon. Theo tôi cần phát huy lễ hội này hơn nữa”.

Việc bắt cá bằng tay đòi hỏi phải có những kỹ năng tốt về phán đoán mục tiêu, hành động nhanh lẽ, chính xác.. và quan trọng nhất là tinh thần “hiệp đồng tác chiến” đồng tâm hiệp lực để bắt cá. Sau chừng 1 giờ chơi, người nào bắt được cá to và nhiều nhất sẽ được coi là người thắng cuộc. Anh Nông Văn Vượng dân tộc Tày cho biết dù không bắt được con cá nào nhưng rất vui: Rất tiếc là em không bắt được con cá nào dù đã nỗ lực hết sức. Có thể là do em thiếu may mắn. Nhưng em rất vui  vì nhóm, của bản em đoàn kết, hợp sức với nhau khá hay. Lần đầu tiên em tham gia và mong rằng sang năm có thêm kỹ năng và sẽ bắt được cá”.

Rộn ràng ngày hội bắt cá suối ở Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang - ảnh 3Anh Vượng ở bản Bon- một người tham gia cuộc thi bắt cá suối bằng tay.

Kết thúc lễ hội bắt cá bằng tay, một cuộc thi khác mang lại nhiều tiếng cười và sự thoải mái không kém là cuộc thi bắt vịt ở suối. Ban đầu mọi người phải bịt mắt bắt vịt trong một không gian hẹp. Sau đó, vịt được thả ra tự do và mọi người tranh nhau vồ. Vốn sống quen trong môi trường sông suối, những chú vịt thừa nhanh nhẹn và thông minh để chạy thoát, vì thế mà trò chơi bắt vịt cũng vô cùng gian nan với người chơi.

Anh Hoàng Tung- một youtuber thích thú chia sẻ, lễ hội là dịp anh có thêm nội dung thú vị để kể câu chuyện về cuộc sống, nếp sinh hoạt, thói quen, tập tục của người dân nơi đây: "Tôi rất thích Tuyên Quang, đặc biệt là vùng đất Lâm Bình này. Những clip của tôi về nơi này thường có hàng trăm nghìn lượt truy cập, trong đó có rất nhiều người nước ngoài. Họ rất quan tâm và thích thú về cuộc sống, con người thói quen, phong tục lễ hội của Việt Nam. Tôi hi vọng rằng, clip về ngày hội bắt cá và bắt vịt suối bằng tay ở một con suối trong lòng núi đẹp như tranh này sẽ gây sự thích thú và tò mò với người xem. Qua đây, tôi muốn lan tỏa để du lịch Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển hơn”.

Người Tày và một nhánh của người Dao ở Tuyên Quang từ xưa đến nay chủ yếu sinh sống, định cư ở chân các dãy núi, nơi có các thung lũng và dòng suối đổ về thuận lợi cho việc canh tác lúa nước và đánh bắt cá suối làm thức ăn. Những loài cá này chỉ ăn rong rêu nên thịt cá suối rất chắc và ngọt. Có thể kể ra những món ăn là sản vật từ suối như cá bống nướng lá lốt, cá khuy tẩm bột chiên, cá suối nộm hoa chuối, cá đúc ống lam nướng, cá suối nấu lá chua….Những món ăn này đã trở thành đặc sản của Lâm Bình nức tiếng gần xa.

Những năm gần đây nhờ du lịch phát triển, những bản làng của người Dao, người Tày khấm khá và rộn ràng hơn hẳn. Người dân dần ý thức được rằng bản sắc văn hóa riêng có của họ, cảnh sắc thiên nhiên núi non hùng vĩ, sản vật phong phú đang ban tặng cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày nay.

Rộn ràng ngày hội bắt cá suối ở Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang - ảnh 4Một mâm cỗ của người Tày tham gia cuộc thi cỗ ngon. Trong đó, có món cá suối nướng, nộm cá hoa chuối và ốc hấp lá chanh được du khách đặc biệt yêu thích.

Ông Chẩu Văn Đội, chủ tịch xã Phúc Yên chia sẻ: "Ngày hội bắt cá suối thực sự là một món ăn tinh thần của bà con dân tôc nơi đây. Không chỉ là hoạt động vui chơi, thưởng thức ẩm thực mà nét văn hóa này còn khích lệ sự gắn kết của các dân tộc như  Dao Tày...Tôi hi vọng lễ hội bắt cá suối sẽ thêm vào điểm nhấn trong phát triển du lịch cho Phúc Yên nói riêng và Lâm Bình, Tuyên Quang nói chung. Hãy đến với chúng tôi vì có rất nhiều điều để khám phá”.

Thời điểm lý tưởng nhất để đến bản làng này của người Dao và người Tày ở xã vùng cao Phúc Yên là vào mùa xuân, khi ấy bạn sẽ được ngắm nhìn bạt ngàn sắc đỏ của hoa mộc miên, những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt. Tuyệt vời hơn cả, đó chính là không khí trong lành, mát mẻ và biết đâu đó, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm bắt cá ở một dòng suối trong vắt uốn quanh bản làng, rồi được thưởng thức nhiều món ngon nơi đây.

Feedback