(VOV5) - Như nhiều dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc H’rê có một nền văn hoá phong phú và độc đáo. Văn hóa truyền thống của dân tộc H’rê mang bản sắc riêng, nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc thiểu số ở vùng cao nguyên Trường Sơn - Tây Nguyên.
|
Dân tộc Hre |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người H’rê còn có tên gọi khác là Chăm rê, Chom, Krẹ, Mọi Luỹ… Tiếng nói của người Hrê thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng nói của người Xơ-đăng và Ba na. Người H’rê hiện có khoảng 127.000 người, cư trú chủ yếu ở khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên thuộc một số tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lắc và Kon Tum. Đồng bào H’rê sống định canh thành từng làng (Plây). Làng truyền thống của đồng bào H’rê thường có tên gọi theo địa danh đồi núi, sông suối tự nhiên nơi cư trú. Làng thường được dựng ở những nơi có nguồn nước sinh hoạt và gắn liền với vùng canh tác. Mỗi làng có khoảng 40-50 nóc nhà. Trong làng người H'rê, “già làng” là người có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng. Trước đây, người H'rê nhất loạt đặt họ Đinh, gần đây một số nơi lấy họ Nguyễn, họ Hà và họ Phạm. Người H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi lấy họ Phạm làm họ của mình để tỏ lòng tôn kính đối với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quê ở tỉnh Quảng Ngãi.
Người H’rê chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước và nương rẫy với kỹ thuật canh tác lúa nước như vùng đồng bằng. Người H’rê chăn nuôi heo, gia xúc, gia cầm…chỉ nhằm phục vụ các nghi lễ cúng bái. Các nghề thủ công như: nghề rèn, nghề đan lát, nghề dệt, nhất là dệt thổ cẩm khá phát triển.
Về trang phục, trước đây đàn ông H’rê đóng khố, mặc áo cánh ngắn đến thắt lưng hoặc ở trần, quấn khăn; đàn bà mặc váy hai tầng, áo 5 thân trùm khăn. Nam, nữ đều búi tóc cài trâm hoặc lông chim. Ngày nay, người H'rê mặc quần áo như người Kinh, riêng cách quấn khăn, trùm khăn vẫn như xưa. Phần lớn nữ giới vẫn mặc váy, nhưng may bằng các vải dệt công nghiệp hoặc vải dệt từ dân tộc khác.
Cũng như phong tục chung của đồng bào dân tộc thiểu số ở dãy Trường Sơn - Tây Nguyên. Người H’rê cũng có lễ “cúng trâu” hay còn gọi là lễ “ăn trâu”. Theo quan niệm truyền thống của đồng bào, con trâu là đầu cơ nghiệp, là lao động chính, giúp con người trong lao động sản xuất, bởi vậy lễ cúng trâu cũng là dịp để tạ ơn thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, có nguồn nước tưới, cầu cho gia đình có sức khỏe, được bình an, làm ăn được thuận lợi trong năm mới. Ông Đinh Blơi, dân tộc H’rê, cho biết: “ Trong quan niệm từ xưa, người H’rê coi vạn vật là hữu linh ( mọi sự vật đều có thần linh). Người H’rê làm lễ cúng trâu nhằm xua đi những xui xẻo, xấu xa trong năm cũ và đón cái tốt đẹp nhất trong năm mới về cho gia đình”.
Người H'rê sống quần tụ theo từng gia đình nhỏ và ở nhà sàn dài. Các nhà sàn thường dựng ở sườn đồi, bên cạnh là cánh đồng. Nhà sàn có mặt sàn cao hơn mặt đất khoảng một mét, nóc nhà có 2 mái chính lợp cỏ tranh, 2 mái phụ ở 2 đầu hồi. Chỏm đầu đốc đầu mái nhà sàn thường trang trí đôi sừng trâu với nhiều kiểu khác nhau. Nhà sàn của H’rê thường có 5 gian. Trong đó gian chính giữa giữa nhà đặt bếp lửa và các gian dành cho sinh hoạt của đàn ông và khách, gian dành cho phụ nữ trong nhà, ngoài ra còn có gian phụ khác.
Sống gần gũi với rừng núi, thiên nhiên bao la, người H’rê có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú. Người Hrê thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát. Ka-choi và Ka-lêu là làn điệu dân ca quen thuộc của đồng bào. Nhạc cụ của người Hrê gồm nhiều loại với đặc trưng riêng: đàn brook, chinh ka-la, sáo ling la, ống tiêu ta-lia, đàn ống bơ-bút của nữ giới, khèn ra-vai, trống…Nhưng nhạc cụ được đồng bào quí nhất là cồng, chiêng, thường dùng bộ 3 chiếc, hoặc 5 chiếc. Cồng chiêng thường được trình tấu trong các lễ hội với các nhịp điệu tiết tấu sôi động.
Theo dòng chảy của thời gian và trước sự du nhập của các loại hình văn hóa khác, cuộc sống của người H’rê ngày nay đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, điều đáng quý là dù cuộc sống thay đổi như thế nào, thì nhiều làng bản của dân tộc H’rê vẫn giữ được những nét phong tục văn hóa tốt đẹp, mang bản sắc riêng của dân tộc mình.