Nhạc cụ ngũ âm – một giá trị của văn hóa Khmer Nam Bộ

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Người Khmer có một kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc. Trong đó, nhạc cụ ngũ âm là một giá trị văn hóa riêng biệt.
(VOV5)- Người Khmer có một kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc. Trong đó, nhạc cụ ngũ âm là một giá trị văn hóa riêng biệt.


Nhạc cụ ngũ âm – một giá trị của văn hóa Khmer Nam Bộ - ảnh 1
Dàn nhạc ngũ âm thu hút thanh, thiếu niên trong phum, sóc đến tham gia tập luyện. Ảnh: Phương Nghi


Nghe âm thanh bài viết tại đây


Cùng với việc mở đất, ghi dấu ấn định cư ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân Khmer còn kế thừa nền văn hóa Angkor, nền văn minh lúa nước cộng với tập tục sinh hoạt của những nhóm dân tộc như người Hoa, người Chăm, tạo nên một bản sắc, một nền văn hóa riêng, không lẫn lộn, pha tạp. Với người Khmer, họ có một kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc. Trong đó, nhạc cụ ngũ âm là một giá trị văn hóa riêng biệt của cư dân người Khmer trên đất Nam Bộ. 


Nhạc cụ ngũ âm, tiếng Khmer gọi là Phlêng Pinpeat, là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu của người Khmer Nam bộ. Nó có âm lượng lớn và thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội. Gọi là ngũ âm vì dàn nhạc này có 5 bộ: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Nhạc ngũ âm là tiếng lòng của người dân Khmer đối với thần linh, với thiên nhiên và với con người. Gần như tất cả những ngôi chùa lớn của người Khmer đều có ban nhạc ngũ âm. Trước kia, dàn nhạc chỉ được sử dụng trong các ngày đại lễ tại chùa như: Lễ Cầu Phước, Lễ Dâng Bông. Ngày nay, nhạc ngũ âm đã được mở rộng phạm vi hoạt động, xuất hiện biểu diễn trong các cuộc liên hoan mừng công và trình diễn trong các Ngày lễ hội lớn. Ông Lý Danh, ở thành phố Sóc Trăng, cho biết: Bây giờ được nhà nước đầu tư, cuộc sống của người dân cũng khá nên giờ tự người dân hay trong chùa cũng sắm sửa dàn ngũ âm để đi phục vụ lễ hội trong chùa trong phun, sóc của người ta. Ví dụ như trong sóc có lễ làm phước, rước ông bà thì người ta tự phục vụ không cần phải thuê ở nơi khác. Mỗi chùa đều có một câu lạc bộ như phường 5 tôi cũng có một câu lạc bộ ngũ câm. Thanh thiếu niên nào muốn học thì chúng tôi đều mở lớp cho học hết mà học cái này phải yêu thích mới học được


Phần lớn các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm đều được diễn tấu theo cách dùng vỗ chập chọe (chập chả) giữ nhịp, trong đó, trống Samphô được đánh bằng hai tay, còn trống lớn đánh bằng dùi, kèn thổi hơi.... Trong các nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ âm, Rôneat-ek được xem là loại nhạc cụ chủ đạo và có vai trò dồn bè. Hiện nay, trong dàn nhạc ngũ âm bắt buộc phải có cặp đàn Rôneat-ek, Rô-neat-thung, Cuông-tuôch, Cuông-thôm và cặp trống lớn thì mới hội đủ điều kiện diễn tấu. Khác với nhiều nhạc cụ cổ truyền của các dân tộc khác, việc sử dụng các nhạc cụ của nhạc Ngũ âm cũng không đơn giản, đòi hỏi người nhạc công không chỉ hiểu biết âm nhạc, giai điệu của âm nhạc Khmer Nam Bộ mà đòi hỏi cả môi trường văn hóa, được tắm trong đời sống của người Khmer để truyền tải nhạc điệu và tâm hồn, âm điệu của văn hóa Khmer. Nghệ nhân Lý Phát ở thành phố Sóc Trăng, một trong số ít người làm nhạc cụ cho dàn nhạc ngũ âm, cho biết: Tôi biết làm nhạc cụ dàn ngũ âm hơn 20 năm. 15 tuổi đã biết làm rồi. Ban đầu làm có xấu, học hỏi tự làm. Lâu dần thì làm cũng đẹp hơn. Biết chơi đàn mới biết làm nhạc cụ. 


Nhạc cụ ngũ âm của người Khmer rất độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao nhưng để sử dụng thành thạo các nhạc cụ này đòi hỏi người sử dụng phải hiểu được cách thức hoà âm, thật sự yêu và sáng tạo mới có thể thể hiện được một cách chuyên nghiệp. Hiện nay, trong nhiều ngôi chùa Khmer Nam Bộ đều có các câu lạc bộ, các lớp học chơi nhạc ngũ âm dành cho trẻ nhỏ. Em Lâm Quyết Thắng miệt mài tập những nốt nhạc, giai điệu âm nhạc Khmer truyền thống tại chùa Dơi ở Sóc Trăng, cho biết: Em học nhạc ngũ âm khoảng 3 năm rồi. Nhiều lần em vào chùa em thấy có nhóm nhạc này nên xin thầy vào học. Lúc đầu cũng khó lắm nhưng em cũng cố gắng tập sau này thấy dễ hơn. Lúc đầu tập thì tay mình chơi còn hơi cứng giờ học tay mình đã chơi mềm dẻo hơn. 


Nhạc ngũ âm được coi là tài sản quý của người Khmer Nam Bộ. Dàn nhạc ngũ âm trở thành biểu tượng không gian văn hóa sinh động, là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Khmer. Người Khmer có câu: "Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết"  để thấy được sự ảnh hưởng sâu rộng của âm nhạc trong đời sống tinh thần của dân tộc Khmer trên đất Nam Bộ.

Feedback