(VOV5) - Trồng trọt cây lương thực trên đất dốc là hoạt động kinh tế chủ đạo mang lại nguồn sống chính của người Sán Chỉ.
Người Sán Chỉ cư trú chủ yếu ở tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, chủ yếu canh tác lúa nước, ruộng khô và nương rẫy. Ở một số nơi, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn thì người Sán Chỉ canh tác cây ăn trái và cây thuốc.
|
Ảnh: vhdn.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trồng trọt cây lương thực trên đất dốc là hoạt động kinh tế chủ đạo mang lại nguồn sống chính của người Sán Chỉ. Những loại cây lương thực được người Sán Chỉ canh tác nhiều là lúa, ngô và sắn. Một số cây hoa màu khác không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người Sán Chỉ là đậu, bầu bí, khoai được trồng xen canh. Còn những hoạt động mưa sinh khác như chăn nuôi, nghề thủ công, buôn bán được người Sán Chỉ làm xen kẽ. Ngày nay hoạt động kinh tế cảu người Sán Chỉ có nhiều thay đổi và họ cũng làm Tiến Sĩ Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện gia đình và giới, cho biết: “Vùng giữa không có núi cao và độ dốc lớn cho nên diện tích lúa nước hai vụ khá nhiều và họ sống chủ yếu bằng nghề lúa nước. Một năm họ làm hai vụ hoặc một vụ lúa. Bây giờ họ trồng nhiều cây hàng hóa như cây vải, cây thuốc. Họ còn có những trang trại lớn nuôi lợn rừng, nuôi gà nên thu nhập của hộ người Sán Chỉ rất lớn. Nền kinh tế thị trường của Việt Nam nói chung có những tác động nhất định đến kinh tế hộ người Sán Chỉ theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm, theo hướng hàng hóa nhiều hơn”.
Ngày nay cây ăn quả cũng là một trong những cây trồng chính của người Sán Chỉ. Nhiều hộ gia đình người Sán Chỉ ở Lục Ngạn, Bắc Giang trở nên giàu có nhờ trồng cây vải ăn quả. Quả vải không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Người Sán Chỉ còn áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và năng suất cho cây vải. Ngoài ra người Sán Chỉ rất giỏi trong việc khai thác nguồn lợi cây thuốc từ trong rừng. Tiến sĩ Đặng Thị Hoa cho biết: “Họ có tri thức sử dụng cây thuốc rất là tốt. Cây thuốc giúp họ có thêm nguồn kinh tế cho gia đình và là nguồn sinh kế quan trọng. Từ cây thuốc trong rừng họ lại chế biến thành loại cao chữa bệnh hoặc là người ta bán thuốc và xuất khẩu thuốc đi Trung Quốc, Đài Loan. Ở Quảng Ninh ngoài trồng cây vải thì họ trồng cây thuốc rất là nhiều, đặc biệt là trồng cây ba kích tím rất quý. Cây này dùng để ngâm rượu để uống, là rượu thuốc rất tốt”.
Người Sán Chỉ quan niệm những gì tự nhiên đều tốt vậy nên họ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng cây cỏ tự nhiên. Người Sán Chỉ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại cây thuốc để chữa bệnh. Người dân thường thu hái cây thuốc trong rừng nguyên sinh hoặc trên các núi cao ít người qua lại. Họ dùng cây cỏ để sắc làm thuốc, ngâm rượu để uống, để xoa bóp chữa bệnh. Tiến sĩ Đặng Thị Hoa cho biếtcác bài thuốc dân gian của người Sán Chỉ sử dụng có khoảng hơn 200 loài cây được sử dụng làm thuốc: “Cây thuốc gần đây họ mới trồng và trồng trong rừng. Người Sán Chỉ ở huyện Sơn Động, Bắc Giang có những thu nhập nổi trội hơn từ cây thuốc. Họ đã sản xuất ra sản phẩm cao thuốc nổi tiếng được nấu từ hàng trăm loại lá rừng khác nhau. Loại thuốc này rất tốt đặc biệt đối với sức khỏe của phụ nữ. Khi sử dụng cao thuốc này người phụ nữ có thêm sức đề kháng tốt và bồi bổ cơ thể”.
Cây thuốc ban đầu là nguồn lợi tự nhiên, người Sán Chỉ chỉ việc thu hái. Sau này họ hiểu được tầm quan trọng của những giống thuốc quý và có ý bảo tồn và trồng thêm. Và cũng nhờ cây thuốc người Sán Chỉ có thêm nguồn thu nhập ổn định và cuộc sống ngày một phát triển.