Đội nhạc lễ kèn, trống có ý nghĩa quan trọng trong đám cưới của người Dao đỏ ở xã Tả Phìn, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Những thanh âm sôi động của tiếng trống, điệu kèn thể hiện sự hoan hỷ của gia chủ trong ngày cưới. Theo phong tục của đồng bào Dao đỏ, nghi thức trống kèn chỉ được diễn xướng trong những dịp vui như đám cưới. Trong không gian đậm sắc mầu văn hóa của đồng bào người Dao đỏ, trong nền nhạc rộn ràng của tiếng trống, điệu kèn, cả gia đình và khách mời cùng chúc mừng cô dâu, chú rể trong ngày hạnh phúc lứa đôi.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đám cưới người Dao đỏ gồm nhiều nghi lễ. Từ khi đôi bạn trẻ yêu nhau cho đến khi cùng nhau xây dựng hạnh phúc, gia đình 2 bên có nhiều lần gặp gỡ. Trong những dịp này, tiếng kèn tiếng trống sẽ được cất lên thể hiện sự trân trọng của 2 gia đình, dòng họ dành cho nhau. Đến khi lễ cưới chính thức được diễn ra, đi cùng với các nghi lễ cũng không thể thiếu thanh âm rộn rã tươi vui của tiếng trống, điệu kèn.
Khi nhà trai đón dâu về, cô dâu chưa được vào nhà ngay mà phải đợi giờ tốt. Lúc này 2 đội kèn trống đại diện cho hai họ thể hiện bài chào nhau giữa 2 bên gia đình. Nghi thức này ghi nhận tình cảm, sự trân trọng và sự tiếp đón nồng nhiệt của gia đình nhà trai với nhà gái.
Đoàn kèn trống của nhà trai vừa thổi kèn đánh trống vừa đi vòng quanh nhà gái. Ảnh giaoduc.net.vn |
Tiếp đó, đoàn kèn trống của nhà trai vừa thổi kèn đánh trống vừa đi vòng quanh toàn thể đoàn nhà gái, vòng quanh từng nhóm người già trẻ em, phù dâu rồi cô dâu. Đây là nghi lễ buộc dây vào đoàn nhà gái ở lại với gia đình nhà trai, cùng chung vui với gia đình trong ngày hạnh phúc của đôi bạn trẻ. Sau đó, đoàn kèn trống thực hiện đi vòng ngược lại để tháo dây. Đến chỗ cô dâu thì dừng lại. Riêng cô dâu không thực hiện tháo dây với ý nghĩa cô dâu sẽ về làm con trong gia đình sẽ phải giữ lại mãi mãi. Sau nghi lễ này, cô dâu sẽ được đoàn kèn trống rước đến phòng chờ tạm, đợi đến giờ tốt làm lễ bái đường.
Anh Lý Phù Chìu, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sapa, cho biết: "Khi con dâu đến ngoài sân của nhà trai thì đội kèn trống có nhiệm vụ thổi kèn trống thể hiện sự tiếp đón bên nhà gái. Sau khi lễ đón cô dâu vào trong nhà trai thì lúc đó đội kèn trống sẽ thổi nghi lễ giữ cô dâu cùng nhà gái ở lại. Cô dâu ở lại bên nhà trai có thể là 1 tối, còn đoàn nhà gái có thể ở lại nhà trai ăn 1 bữa cơm xong nhà gái về. Khi đoàn nhà gái về thì đoàn nhà trai phải hồi đáp lại ít đồ lễ. Đó là theo lý của dân tộc Dao."
Mâm cỗ cưới của đồng bào Dao đỏ. Ảnh giaoduc.net.vn |
Khi khách đến, gia chủ sẽ mời vào mâm cỗ để cùng uống chén rượu nồng mừng đôi bạn trẻ. Trong thời gian này, đội kèn trống sẽ có nhiều lần thực hiện nghi lễ đến từng mâm cơm cúi chào, kể cả những mâm khách đã ăn xong đã ra về. "Về nghi lễ là các mâm sau khi ăn thì mình phải có đội kèn trống đến tại mâm để cảm ơn khách. Qua đó cho khách gần xa đã đến vui với gia đình như vây gia đình phải vui và cảm ơn khách.
Đến giờ đón cô dâu vào nhà, đoàn nghi lễ kèn trống sẽ thực hiện nghi lễ đi vòng tròn trước ban thờ tổ tiên, cùng gia chủ cúi chào chủ hôn và thầy cúng nhận, nhiệm vụ đón cô dâu vào nhà. Lúc này hai đoàn kèn trống sẽ thực hiện nghi lễ chào nhau một lần nữa bằng những bài đối đáp giữa hai bên. Hai trưởng đoàn sẽ trao đổi để đón cô dâu vào nhà. Nếu đồng ý, hai trưởng đoàn sẽ làm lễ trao ô coi như đã đồng ý cho cô dâu được về nhà chồng.
Tiếp theo đoàn kèn trống nhà trai sẽ thực hiện nghi lễ buộc dây giữ cô dâu 1 lần nữa và đưa cô dâu đứng trước của chính. Sau đó, hai đoàn nhà trai và nhà gái sẽ vào nhà chờ cô dâu làm lễ đuổi hạn xong mới được vào làm lễ bái đường cùng chú rể. Tiếng trống tiếng kèn sẽ được thực hiện xuyên suốt quá trình làm lễ bái đường chúc mừng cho đôi bạn trẻ từ nay sẽ lên duyên vợ chồng chúc mừng tình nghĩa thông gia và quan khách đến chung vui cùng với gia đình.
Nhà chú rể ra tận cổng đón cô dâu vào nhà. |
Sau khi báo cáo tổ tiên nhập thành viên mới, cô dâu cùng chú rể chính thức trở thành vợ chồng. Đội kèn trống lúc này dừng nhạc, đứng hai bên nghe thầy đọc bài lễ đón thành viên mới. Về nội dung bài cúng, thầy cúng Thiều Tiến Thọ, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Báo cáo ông bà, tổ tiên hôm nay chình thức gia đình đón nhận thành viên mới. Đây hai chén rượu tình thể hiện tình yêu của hai con, xin được dâng lên ông bà tổ tiên chứng giám cho hai con thành vợ thành chồng, các con đã nguyện yêu thương nhau trọn đời, cho dù cuộc sống có khó khăn vất vả cũng sẽ cố gắng vượt qua, sống hạnh phúc bên nhau như hai chén rượu đầy. Kính ông bà tổ tiên chứng giám và đón nhận thành viên mới của gia đình.
Đám cưới của người Dao đỏ trước đây thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm nhưng nay đã được rút ngắn lại theo nhịp sống văn hóa mới. Người Dao đỏ coi kèn trống như những linh hồn của những công việc mang tính vui, nó dùng để thay đời chúc tụng, đối đáp đưa rước không thể thiếu trong những việc hoan hỉ, hệ trọng. Nghi lễ kèn trống được người Dao đỏ coi như sợi dây liên kết trong suốt quá trinh diễn ra đám cưới. Đó là nét văn hóa đặc sắc đầy tính nhân văn, tồn tại lâu đời cùng đời sống của cộng đồng người Dao, đang được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.