Theo nhiều bậc cao niên, nghề làm giấy dó ngày trước rất thịnh hành. Nhiều khách từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng tìm đến đây để mua cho được giấy dó chất lượng tốt của người Cao Lan.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Không ai biết nghề làm giấy dó của người Cao Lan hình thành tự bao giờ, các bậc cao niên trong bản cũng chỉ biết khi mình lớn lên đã nghe rõ tiếng chày giã dó, đập giấy thậm thịch thâu đêm suốt sáng… Dân tộc Cao Lan ngày xưa sống du canh du cư, chủ yếu sống trong rừng, không mua được giấy nên họ đã làm ra loại giấy này để dùng. Đồng bào không chỉ dùng giấy đóng thành từng quyển để viết chữ mà còn dùng để vẽ tranh, đục hoa văn. Mỗi tờ giấy chính là phần cốt để các nghệ nhân thổi hồn vào các tác phẩm tranh tín ngưỡng phục vụ thờ cúng, tục lệ treo tranh trong các nghi lễ, lễ hội…
Chị Nguyễn Thị Mai Thanh, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Ngày trước giấy này họ thường đục hoa văn để sử dụng cho các nghi lễ truyền thống. Ví dụ như trong đám ma, họ đục hoa văn trên giấy để làm lễ cúng, giống như một loại tranh thờ. Về sau họ đóng thành quyển để làm sách, viết chữ."
Ngoài ra, giấy dó còn được dùng để ghi chép gia phả của những thành viên trong gia đình từ giờ sinh tháng đẻ cho đến giờ tử để lưu giữ cho đời sau. Giấy dó đã đi vào đời sống tâm linh và nó như một sợi dây “gắn kết” giữa người còn sống với người đã khuất và như nhắc nhở mọi người luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Bởi thế, loại giấy này rất phổ biến và được ưa thích trong cộng đồng người Cao Lan.
Ông Quang làm các bước cuối cùng để hoàn thiện một bản giấy dó. - Ảnh: Long Vũ/ Báo Biên phòng |
Ông Dương Văn Quang, nghệ nhân còn làm giấy dó duy nhất còn lại ở bản Khe Nghè, cho biết để học cách làm giấy dó không khó, chỉ cần được chỉ dạy trong một ngày, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho tới thao tác cuối cùng là có thể biết làm. Tuy nhiên, để làm ra được một tờ giấy dó có chất lượng tốt, đảm bảo độ dai, chắc, bắt mực mà không nhòe thì không hề dễ. Ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đã rất kỳ công, mất khoảng 2 ngày để có được những nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.
Nguyên liệu chính để làm giấy dó chỉ có 2 thứ: một loại cây (tiếng Cao Lan là vạt pạ) và một loại dây (hau pau) đều phải được lấy từ những cây mọc trong tự nhiên trên những ngọn núi cao hay trên những ngọn đồi. Người Cao Lan phải vào tận những cánh rừng sâu để tìm vỏ cây dưỡng, tiếng địa phương gọi là cây hau pau, mọc tự nhiên trên những ngọn núi cao hay trên những ngọn đồi. Trong đó, hau pau được dùng để làm thành bột giấy, còn vạt pạ được ngâm để lấy nước, tạo thành chất hồ của giấy.
Ông Dương Văn Quang hướng dẫn: "Chọn dây và cây phải có tiêu chuẩn, đó là dây không được bò dưới đất, nó phải là dây leo thì mới không có mấu. Nếu dây non thì không làm được, già quá thì giấy bị đen. Khi đem về phơi được dây càng khô thì giấy càng trắng. Nếu không cẩn thận bị mưa, mốc, thì giấy cũng bị đen. Mang dây về làm sạch, cho vào ninh, có thể làm tươi. Nếu làm tươi phải dây bánh tẻ mới đẹp. Còn dây non thì lại có màu hơi xanh, dây già thì lại màu vàng."
Công đoạn tráng bột giấy ra khuôn. - Ảnh: Báo Bắc Giang |
Hau pau được làm sạch vỏ, ngâm với nước vôi trong và ninh trong nước hòa tro bếp. Sau đó, tiếp tục làm sạch tro bám trên vỏ cây. Đây là công đoạn mất nhiều công nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn để đảm bảo được độ sáng của màu giấy. Tiếp đó, hau pau đã ninh nhừ được đem đi giã hoặc đập dập. Công đoạn cuối cùng là đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Trong quá trình khuấy trộn cùng nước ngâm vạt pạ để giấy khi vào khung làm giấy không bị dính.
Khung làm giấy dó do đồng bào Cao Lan tự sáng chế để dùng trong gia đình. Khung được ghép vuông vắn bằng 4 thanh nứa hoặc trúc, ở giữa căng vải màn hay vải xô, độ dày mỏng của vải căng quyết định độ dày, mỏng của giấy dó thành phẩm. Khâu cuối cùng là tráng giấy, đây là khâu khó vì đòi hỏi người tráng phải có kinh nghiệm tráng đều trên khung vải đóng sẵn. Người Cao Lan đặt ngang chiếc khung, dùng muôi múc bột giấy dàn trên mặt vải rồi cầm khung lắc đi lắc lại cho thật đều. "Khi trộn hồ với bột phải bằng cách cảm nhận, không thể đong đếm được. Tôi học làm giấy từ rất lâu rồi, lúc đầu làm cũng thử đong xem nhưng không được bởi vì khi cái cây hồ non thì tỷ lệ hồ kém hơn 1 chút, nếu mình cứ đong bằng 1 ca như mọi khi thì lại không đủ, còn cây già hơn 1 chút thì đong bằng 1 ca đó lại bị quá nhiều. Vậy nên chỉ bằng cách pha xuống khung, mình sờ tay xuống cảm nhận. Sau này khi mình sờ, cảm nhận bằng tay quen rồi thì đủ lượng là mình biết luôn, mình tráng lên tờ giấy lại phải tráng tay thật đều, thật phẳng không thì tờ giấy bị chỗ mỏng chỗ dầy."
Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng, tìm nơi sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều nắng gió để phơi giấy cho khô. Khi phơi cũng phải đặt khuôn phẳng mặt thì tờ giấy mới mịn đều. Lấy giấy khô cần gỡ mép trước, sau đó lột cả tờ giấy lên. Sản phẩm cuối cùng, giấy dó có màu trắng, giấy dày đều, phẳng và dai.
Được làm từ bàn tay khéo léo của người Cao Lan theo bí quyết riêng, sản phẩm giấy dó tuy mỏng nhưng dai và bền hơn giấy sản xuất công nghiệp. Nếu bảo quản cẩn thận có thể để vài chục năm vẫn sử dụng tốt. Ngày nay, nghề làm giấy dó của người Cao Lan tuy không còn thịnh hành như trước nhưng một số gia đình vẫn tiếp tục giữ nghề truyền thống nhằm bảo tồn, duy trì vốn di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt quý giá mà tổ tiên để lại. Nghề làm giấy dó vẫn luôn lặng lẽ tồn tại như một minh chứng cho bàn tay tài hoa và những giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây.