Nghề in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Hoài Khao là một xóm nhỏ chỉ với 35 hộ dân gồm 69 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao Tiền.

Dân tộc Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng từ bao đời nay đã có nghề in hoa văn bằng sáp ong trên vải. Đây là nghề truyền thống, độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao Tiền.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Hoài Khao là một xóm nhỏ chỉ với 35 hộ dân gồm 69 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao Tiền. Bà con khá cầu kỳ trong ăn mặc, nên nghề in hoa văn trên vải bằng sáp ong đóng vai trò quan trọng trong văn hóa, tập quán của đồng bào Dao Tiền. Công việc này do phụ nữ đảm nhận.

Chỉ từ những nguyên vật liệu đơn giản, như: sáp ong, ống tre, trúc, vải trắng… qua bàn tay khéo léo của phụ nữ Dao Tiền đã tạo ra những bộ trang phục trang trí hoa văn đẹp mắt. Bà con nơi đây quy định không được lấy mật ong mà chỉ lấy sáp ong để làm nguyên liệu làm nghề in hoa văn bằng sáp trên vải. Việc lấy sáp phải tuân theo tự nhiên, người ta chỉ lấy sáp khi ong đã di cư vào mùa Thu, trước khi ong trở lại làm tổ vào mùa Xuân.

Nghề in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng - ảnh 1Sản phẩm chân váy của dân tộc Dao. Ảnh: Ngọc Anh

Chị Bàn Thị Liên, Tổ trưởng tổ thêu in hoa văn sáp ong xóm Hoài Khao, cho biết: Quy trình in hoa văn trên vải là cần phải có sáp ong, có sáp ong thì cần có tổ ong mà tổ ong được người dân trong xóm có 2 hang ong được người dân bảo vệ từ hàng trăm năm nay để có những cục sáp ong mà in. Sáp ong giữ trên vải không bị phai. Tôi đã đi trình diễn in hoa văn sáp ong ở Bảo tàng phụ nữ Việt Nam trong dịp tổ chức Ngày hội du lịch non nước Cao Bằng ở Thủ đô Hà Nội hay trình diễn nghề ở Làng văn hóa du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Nghề in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng - ảnh 2Bà con xóm Hoài Khao trình diễn nghề in hoa văn bằng sáp ong. Ảnh: Ngọc Anh

Vì làm hoàn toàn thủ công, nên thời gian tạo ra một sản phẩm có thể vài ngày, 1 tuần, thậm chỉ vài tháng. Quy trình in hoa văn bằng sáp ong khá công phu, qua các công đoạn, như: mài bóng vải, tạo hình hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, đánh tan sáp ong và phơi khô. Trong đó, tạo hình, vẽ hoa văn bằng sáp ong là công đoạn quan trọng nhất, quyết định thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm. Khi vẽ, người phụ nữ phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào bát sáp ong nóng đặt trên than hồng để vẽ. Hoa văn in sáp chủ yếu hình tam giác, chữ thập, hình tròn đồng tiền, hoa lá, cỏ cây, chim thú… đều mang ý nghĩa về cuộc sống thường ngày của dân tộc Dao Tiền, gắn bó mật thiết với thiên nhiên, núi rừng.

Chị Lý Thị Duyến ở xóm Hoài Khao cho biết: "Những họa tiết hoa văn giống như đồi núi thì tượng trưng cho người dân tộc Dao Tiền sinh sống trên đồi núi. Còn những hoa văn giống đồng tiền này là tượng trưng cho người Dao Tiền. Sản phẩm khi ghép thành 1 chân váy vải bán giá 1,2 triệu đồng/cái. Tôi làm nghề in sáp ong từ lúc 14 tuổi."

Nghề in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng - ảnh 3Du khách thích thú trải nghiệm nghề in hoa văn bằng sáp ong. Ảnh: Ngọc Anh

Nghề truyền thống in hoa văn bằng sáp ong được người dân địa phương gìn giữ và phát huy, lưu truyền qua các thế hệ. Ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Thành, cho biết: "Nghề in hoa văn sáp ong được bà con dân tộc Dao Tiền trên địa bàn xã Quang Thành nói chung và xóm Hoài Khao nói riêng được bà con duy trì bảo tồn từ xưa đến nay. Chúng tôi định hướng cho bà con tạo ra các sản phẩm lưu niệm, như: khăn, túi, gối và một số đồ lưu niệm khác để cho du khách trải nghiệm và sử dụng. Chúng tôi phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng mở các lớp tập huấn dạy nghề in thêu hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền cho chị em phụ nữ trong xóm và tại các xóm lân cận tham gia vào lớp học này để gìn giữ, bảo tồn nghề."

Bà Lý Thị Vàng ở xóm Hoài Khao cho biết: "Lúc bé mẹ dậy cho tôi thêu, 10 tuổi đã tập thêu rồi. Đến nay bà gần 60 tuổi rồi vẫn thêu được. Thêu bằng chỉ sau đó mới làm hoa văn, làm vất vả, cầu kỳ lắm. Bà cũng dậy cho các cháu làm nghề mà, con cái làm."

Để tạo sinh kế mới cho người dân, giúp bà con tạo thu nhập và việc làm tại chỗ,  chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng xóm Hoài Khao thành làng du lịch cộng đồng. Sau 2 năm quy hoạch, năm 2020, xóm Hoài Khao đã trở thành làng du lịch cộng đồng dân tộc Dao Tiền. Kể từ đó, nghề in hoa văn bằng sáp ong có điều kiện phát triển hơn, sản phẩm cũng phong phú, đa dạng để phục vụ du khách.

Anh Chu Minh Đức, chủ một homestay ở xóm Hoài Khao, cho biết: "Bà con trong xóm cùng giúp đỡ nhau làm du lịch, nhà nào không mở homestay thì làm nghề in hoa văn sáp ong, hoặc thêu thùa, một số nhà thì làm nghề thuốc nam, thuốc tắm, thuốc ngâm chân. Các sản phẩm in hoa văn bằng sáp dùng để trưng bày trang trí, làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch."

Nghề in hoa văn trên vải bằng sáp ong là nét văn hóa độc đáo của người Dao Tiền, đòi hòi kỳ công và mang tính nghệ thuật cao. Mặc dù ngày nay, người Dao Tiền ít sử dụng các trang phục truyền thống có in sáp ong trong sinh hoạt thường ngày mà chỉ sử dụng vào dịp hội hè hay lễ cấp sắc, tết nhảy…nhưng nghề in hoa văn bằng sáp ong vẫn được đồng bào Dao Tiền gìn giữ, lưu truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Bà con dân tộc Dao Tiền ở xóm Hoài Khao mong muốn quảng bá rộng rãi nghề tới du khách gần xa và tìm hướng phát triển bền vững cho nghề thủ công truyền thống này.

Feedback