Món cốm dẹp của người Khmer

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Không chỉ là món ăn dân dã, cốm dẹp mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

(VOV5) - Một  món ăn độc đáo của dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng và người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung là cốm dẹp. Không chỉ là món ăn dân dã, cốm dẹp mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Cốm dẹp được đồng bào dâng tạ trời phật đã cho họ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong ngày lễ Cúng trăng. 

Món cốm dẹp của người Khmer  - ảnh 1
Cốm dẹp, món ăn của người Khmer

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Lễ Cúng Trăng là nghi lễ chính trong lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào đêm rằm tháng 10 âm lịch. Tại khuôn viên các chùa, trong từng nhà dân hoặc một nơi rộng rãi, thoáng mát trong phum, sóc. Khi trăng lên cao cũng là lúc bà con trong phum, sóc hướng về mặt trăng tiến hành làm lễ. Người chủ lễ thường là các vị sư trong chùa, hoặc một người cao tuổi, có uy tín trong phum, sóc đảm nhiệm.  Cúng xong, người chủ lễ gọi các em bé đến cùng chắp tay hướng về phía mặt trăng, chia cho mỗi em một vắt cốm dẹp rồi vỗ nhẹ vào lưng, hỏi các em ước muốn điều gì. Những câu trả lời của các em cũng sẽ là niềm ao ước của người lớn vào năm tới. Cuối cùng, mọi người quây quần bên nhau để thưởng thức trái cây, cốm dẹp và cùng múa hát, chúc phúc cho nhau sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm tới.


Món cốm dẹp của người Khmer  - ảnh 2
Người dân rang cốm trong lễ hội


Ông Trần Văn Nam, người Khmer ở Sóc Trăng, cho biết: "
Chủ yếu đến rằm, nhà nào cũng làm cốm dẹp cúng trăng. Rồi tụ tập tất cả con cháu lại, sau khi cúng trăng xong thì bón cho các con cháu ăn hết cốm để nhớ tới mặt trăng vì mặt trăng đã ủng hộ người dân có một mùa màng bội thu. Thường cúng ở ngoài sân. Cả nhà làm, người lớn hay nhỏ, già cả hay em bé đều ra ngoài cúng trăng".


Đồng bào Khmer tin rằng nhờ ơn đức của phật trời nên họ mới có được hạt cơm, hạt nếp để nuôi sống gia đình. Cũng từ những hạt nếp dẻo ngon ấy, đồng bào Khmer làm ra nhiều món ăn ngon để tạ ơn trời đất và dâng tặng cho đời. Bà Lâm Thị En háo hức cho biết: "
Ở Sóc Trăng, nhà giàu hay nghèo đếu có cốm để cúng trăng. Theo phong tục ngày xưa, mình làm theo ông bà, người nào, nhà nào cũng cúng cốm dẹp".


Ngoài việc làm lễ vật để dâng cúng ơn trời đất, trong lễ hội Ok Om Bok, cốm dẹp còn được bày bán khắp mọi nơi trong khu vực diễn ra lễ hội, mục đích để mọi người mua về làm món ăn dâng lên ông bà cha mẹ và làm quà gửi tặng người thân.


Món cốm dẹp của người Khmer  - ảnh 3
Nồi đất dùng để rang cốm


Để có món cốm dẹp dẻo thơm phải dùng loại nếp vừa chín tới. Nếp ngâm nước khoảng vài phút trước khi bỏ vào nồi rang chín thật đều. Khi hạt nếp vừa giòn thì cho vào cối, dùng cối bồng, chày bằng gỗ để giã. Mỗi mẻ cốm dẹp cần 4 người, trong đó có 2 người cầm chày giã, một người đảo, trộn cốm và một người sàng lọc cốm cho sạch bụi. 


Ăn cốm vừa mới giã xong có thể cảm nhận được mùi ngon đặc trưng của nếp. Tuy nhiên cốm vừa giã xong được đem trộn với dừa nạo, đường cát, thêm chút nước dừa độ chừng 15 phút cho mềm, xốp và dẻo hơn. Cốm dẹp có thể ăn bằng muỗng, cuốn với bánh tráng ngọt, bánh phồng. Nếu dùng lá chuối, lá sen bọc cốm lại, lá cũng sẽ vấn vương mùi cốm. Vị thơm của nếp rang, vị béo của dừa và ngọt của đường làm cho món ăn  có hương vị khó tả.


Mỗi năm một lần,  có dịp về Sóc Trăng vào những ngày Lễ hội Ok Om Bok du khách sẽ được thưởng thức đặc sản cốm dẹp và trải nghiệm cả những nét văn hóa độc đáo của người Khmer.

Feedback