Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái ở tỉnh Nghệ An

Giàng Seo Pùa
Chia sẻ
(VOV5) - Xăng Khan là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa, tâm linh trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Thái ở tỉnh Nghệ An. 

Người Thái tổ chức lễ hội này để cầu bình an, mạnh khỏe, báo đáp ân tình của những người làm nghề mo đối với cộng đồng, tạ ơn trời đất, các vị thần linh, tổ tiên.

Lễ Xăng Khan bắt nguồn từ nghi lễ cúng tổ tiên của thầy mo - người có khả năng giao tiếp với thần linh, là cầu nối giữa con người và thần linh. Người được thày mo chữa khỏi bệnh tự nguyện làm lục mạy, hay lục niệng (con nuôi - con được bảo hộ) của thầy mo. Trước khi tổ chức lẽ Xăng Khan, thày mo phải chọn ngày tốt. Ông mo chính (còn gọi là ông mo 1) chủ trì bài cúng, dâng lễ vật dâng lên các vị tổ sư, thần linh, trời đất... Ngoài ông mo chính bao giờ cũng có mo phụ, có thể là 1 hoặc 2 mo phụ nhưng đầy đủ là 5 mo phụ. Các mo phụ học việc để sau này trở thành mo chính.

Thày Mo Lừ Văn Xuân, xã Châu Hoàng, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, cho biết: "Ông mo cứu chữa những người đau ốm yếu, bệnh tật. Khoẻ mạnh lại thì người được chữa khỏi làm lễ Xăng Khan. Ông mo theo tâm linh là người lên Trời cầu xin cho người dân trong bản, con cháu họ hàng, trai gái, trẻ già có sức khoẻ lao động. Hơn nữa những con thú trong rừng vật nuôi cũng khoẻ mạnh, mùa màng tươi tốt, bội thu. Ông mo có công giữ gìn sức khỏe cho dân bản. Các con người được ông mo cứu chữa người ta nói là xin làm con nuôi của ông mo.

Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái ở tỉnh Nghệ An - ảnh 1Lễ Xăng Khan - ngày hội tưng bừng của đồng bào dân tộc Thái

Lễ hội Xăng Khan diễn ra trong 1 ngày 1 đêm, tại gian nhà khách của gia đình ông mo và không gian mở là khu vực quanh nhà ông mo đó. Ngoài đồ cúng người ta còn sử dụng nhạc cụ, trống chiêng, biểu diễn văn nghệ. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Thái dựng cây hoa thờ gọi là cây “xằng tang” (có nơi gọi là cây boọc mạy hay cây nêu). Cây này đặt chính giữa ngôi nhà của thày Mo, tựa như trục trung tâm của lễ hội Xăng Khan. Trên cây treo đầy những con thú được làm bằng lõi cây xằng tang, nhuộm đủ sắc màu. Khi thày mo hành lễ xong, con nuôi và dân bản cùng nhảy múa xung quanh cây này, cùng uống rượu cần và cầu chúc mọi điều tốt lành đến với mình, gia đình và bản làng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm văn hoá truyền thông huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, cho biết: "Lễ hội Xăng Khan ngày càng phát triển thành một phong trào, tạo ngày cho ông mo tạ lễ. Lễ hội tương đối nhiều bước thực hiện và quá trình chuẩn bị rất công phu. Nhưng nếu lễ hội làm theo kiểu tái diễn hay là trình diễn thì mâm cúng gồm có thủ lợn, xôi nhiều màu, cá nước, trầu cau, hương, hoa, rượu… tất cả đều là đồ cúng tế mà thày mo yêu cầu. Nếu như tạ ơn cho các bậc tiền bối thì thày mo chuẩn bị đồ lễ còn lễ hội mà dân làm tạ ơn cho thày mo thì đồ lễ do dân làng chuẩn bị. Đặc biệt, lễ hội Xăng Khan thường làm trong nhà. Trước cây nêu có một vò rượu cần. Vò rượu cần để cho các thày Mo và con cháu cùng uống, nhảy múa hát ca xung quanh, cầu chúc may mắn cho nhau.

Không ai nhớ chính xác lễ Xăng Khan có từ bao giờ mà chỉ biết lễ thường được các thày mo ở mỗi bản làng tổ chức hàng năm. Nghi lễ cúng có nhiều hình thức khác nhau, mỗi nghi lễ lại có một bài cúng là những trường ca, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích bằng văn vần kể về hành trình khai bản, lập mường, những anh hùng dân tộc Thái, về cuộc sống của ông bà tổ tiên trên bầu trời, về các thày mo đã có công dạy cách bốc thuốc, chữa bệnh, cứu vớt chúng sinh.

Tiến sĩ Vi Văn An, Trưởng phòng Đông Nam Á, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Thông thường cứ 3 năm hoặc 5 năm người ta tổ chức lễ Xăng Khan rất lớn, thậm chí là ông Mo, ông chủ lễ phải mổ một con lợn. Còn những người được chữa khỏi bệnh thường là người ta góp gà, thậm chí góp tiền để mua lợn. Hàng năm vào tháng 3 khi có boọc mạ nở hoa mào gà, báo hiệu cho dịp người ta chuẩn bị tổ chức lễ Xăng Khan.

Vào lễ chính, các mo thực hiện các nghi lễ như: lễ bắc tôn hình (lễ cúng mời ma mường trời về dự lễ), lễ chánh tang (ca ngợi vẻ đẹp cây xằng tang và mời các ma thần linh về dự), lễ “Xơ phù xưa lắc xơn” (cúng ma núi, ma rừng), lễ “Xơ ký yên” (cúng cầu yên), lễ “nàng ò” (thử thần trứng) hay còn gọi lễ xiểng vắn (bói trứng) để thể hiện tài nghệ của thầy mo, lễ păm xăng tang (hạ cây tang) kết thúc lễ.

 Lễ Xăng Khan gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc Thái, đã tạo ra bản sắc văn hóa riêng biệt không thể lẫn lộn với bất kỳ với một dân tộc nào. Lễ Xăng Khan còn bảo lưu được nhiều nghi lễ, trò diễn dân gian. Lễ Xăng Khan của người Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 11 tháng 9 năm 2017.

Feedback