Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Tủ Cải là một nghi lễ có trong vòng đời của người con trai Dao, đánh dấu sự trưởng thành như lễ thành đinh của người Kinh trong lễ hội xưa. 

 Việt Nam có nhiều nhánh người Dao cư trú và mỗi nhánh có một hệ thống nghi lễ khác biệt. Người Dao đầu bằng ở xã hồ thầu huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu không có lễ cấp sắc như người Dao đỏ, nhưng có lễ Tủ Cải. Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng bắt buộc phải có trong cuộc đời của người đàn ông. Người Dao đầu bằng quan niệm ai muốn được công nhận là con cháu của Bản Vương thì phải qua lễ Tủ Cải, để khi mất đi thì linh hồn của mình được quy tụ về đất Tổ.

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng - ảnh 1

Đây là một nghi lễ tín ngưỡng tâm linh đánh dấu sự kiện quan trọng trong cuộc đời người đàn ông, chứng nhận người đàn ông trưởng thành, được thần linh, tổ tiên nhận mặt để khi chết được tổ tiên đón nhận - Ảnh: Khắc Kiên/VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, thường diễn ra vào mùa Đông hoặc mùa Xuân, là mùa nông nhàn, khi các công việc của gia đình, của bản làng được gác lại. Chị Hoàng Thị Ngoan, cán bộ phòng Văn hóa thể thao huyện Phong Thổ, cho biết: "Lễ hội bắt buộc phải có và phải chuẩn bị từ trước. Khi mà người chủ gia đình muốn cúng Tủ Cải cho con thì có thể mang lợn, gà, rượu, gạo đến để thầy cúng là lễ. Đến cũng phải gửi tiền để thầy cúng chuẩn bị tất cả những đồ dùng đó. Nghi lễ chính của lễ Tủ Cải gồm các lễ vật: 1 con lợn, 3 con gà 2 chai rượu, 5 cân gạo và rất nhiều những tranh cúng và hương của người Dao".

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng - ảnh 2

Cho dù nhiều phong tục tập quán của người Dao đầu bằng đã mai một, nhưng đến nay Lễ Tủ Cải vẫn được tổ chức trong các làng bản Dao, bởi nó có những lễ thức mang ý nghĩa giáo huấn tốt đẹp - Ảnh: Khắc Kiên/VOV

Tủ Cải là một lễ quan trọng của người Dao Đầu bằng nên công việc chuẩn bị không phải chỉ mất 1,2 ngày là có thể như ý. Gia đình làm lễ Tủ Cải phải lên kế hoạch từ 4-5 tháng hoặc từ những năm trước. Khi công việc đã hoàn tất, lễ Tủ Cải bắt đầu được tổ chức. 

Mở đầu buổi lễ thầy cũng tuyên bố lý do buổi lễ. Nội dung của nghi thức này đề cập đến lịch sử của người Dao, về cái lý của việc làm lễ Tủ Cải và những người sẽ thụ lễ lần này. Thầy Cả tay phải cầm  chuông vừa đi vừa lắc, tay trái cầm gậy có gắn tù và, miệng cầu trời đất phù hộ cho người được cấp sắc, cầu thần phù hộ cho các gia đình để con cái lớn lên không có bệnh tật, mùa màng cấy đâu được đấy, vạn sự theo ý muốn. Người được cấp sắc làm mọi việc theo chỉ dẫn của thầy, khấn, lậy, nhảy múa theo nhịp trống chiêng. Sau lễ, dân bản tổ chức hát múa dân gian chúc cho sự trưởng thành của các chàng trai.

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng - ảnh 3

Lễ Tủ Cải hay còn gọi là lễ đặt têm âm của người Dao đầu bằng ở Lai Châu thường được tổ chức vào mùa xuân, tháng 1 - 2 dương lịch - Ảnh: Khắc Kiên/VOV

Khi đã chọn được ngày làm lễ, thầy cúng và những người được chọn thụ lễ phải chuẩn bị trang trí bàn ghế, tranh ảnh, giấy bản, hoa quả… Ông Cẩn A Đẩu ở xã Hồ Thầu, cho biết: Trước khi tổ chức lễ 1 ngày, thầy Cả phân công các thầy cúng, những người giúp việc, họ hàng dân bản cùng dựng đàn lễ trong nhà, dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh. Dân tộc Dao đầu bằng chuẩn bị làm lễ Tủ Cải thì trang trí  bàn lễ phải có bản tam tranh, đại tranh, tiểu tranh để 3 thầy cúng lớn ở đó chứng kiến khi trang trí tranh ảnh là thể hiện được cái tâm. Tranh ảnh do thầy cúng chuẩn bị, sẽ minh họa cho 3 tài lớn. Khi làm lễ tủ cải tranh phải được dán lên bàn thờ thể hiện 3 thầy cúng lớn đã chứng kiến việc đó và thầy cúng thực hiện cho thành công lễ Tủ Cải được tốt đẹp…. Trang trí cả cột vàng cột bạc, dựng ngay thành một cái đài ngay ngắn.

Trong không gian bàn cúng lễ Tủ Cải của người Dao, phần trang trọng nhất là tranh ảnh, những câu đối viết bằng chữ Nho. Ông Phàn A Túc, thầy cúng chính trong lễ Tủ Cải, giải thích: "Lễ Tủ Cải được trang trí bằng các loại giấy mầu. Quan trọng là chữ viết trong tranh thể hiện sự quan tâm rất tin tưởng và sự giúp đỡ mình và chứng minh cho mình làm lễ".

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng - ảnh 4

Người Dao Ðầu bằng quan niệm, ai muốn được công nhận là con cháu Bàn Vương - tức là thuộc huyết thống tộc người Dao, bắt buộc phải qua Lễ Tủ Cải, để khi chết đi linh hồn được quy tụ về đất tổ - Ảnh: Khắc Kiên/VOV

Ngoài việc trang trí đàn cúng chính tại gia đình, người Dao đầu bằng còn phải lập một đàn lễ Tủ Cải để cho người được thụ lễ Rơi đài. Ông Cẩn A Đẩu cho rằng Rơi Đài là phần quan trọng nhất của lễ Tủ Cải, cho nên trước khi làm lễ gia đình có người làm lễ Tủ Cải phải tìm chọn những thanh niên trai cháng của dòng họ, của bản, lên rừng chặt cây về dựng đàn này, cách nhà khoảng 100m. Các cụ từ những năm trước đã căn cứ là phải đo mét chính xác. Đài trẻ cao hơn, Đài già thấp hơn, còn bàn lễ khi quấn dây thì không được quấn bằng dây cao su họ bán ngoài chợ mà bắt buộc phải đi tìm dây rừng.

Tủ Cải là một nghi lễ có trong vòng đời của người con trai Dao, đánh dấu sự trưởng thành như lễ thành đinh của người Kinh trong lễ hội xưa. Đồng bào quan niệm, ai đã thụ lễ mới được coi là người đủ tư cách để làm các công việc trong dòng tộc, cộng đồng. Tất cả những người làm thầy mo phải trải qua nghi lễ này.

Feedback