Lễ hội Óc Om Bóc - Đua Ghe Ngo, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ

Thạch Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Những năm trở lại đây lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa truyền thống lớn của Sóc Trăng.

Lễ hội Óc Om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3, khu vực Đông bằng Sông Cửu Long 2017 diễn ra từ ngày 28/10 – 3/11. Tại tỉnh Sóc Trăng, hàng năm vào dịp lễ hội luôn quy tụ hàng chục đội ghe Ngo trong địa phương và các tỉnh trong khu vực tham gia thi đấu, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng đất này.

Lễ hội Óc Om Bóc - Đua Ghe Ngo, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ - ảnh 1

Đua ghe ngo ở Sóc Trăng (Ảnh: Lan Anh)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Óc om bóc – đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của bà con Khmer. Cứ đến lễ hội, nhà chùa, sư sãi, cùng ban quản trị lại tổ chức vận động bà con tham gia. Trước ngày hội đua ghe ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai khỏe mạnh trong các phum sóc để tập dợt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo. Đến với vùng đất Đồng bằng Sông Cửu long những ngày này, từ xa đã nghe những câu hò khi tập luyện của các chàng trai, cô gái Khmert báo hiệu của ngày lễ hội truyền thống đua ghe Ngo của đồng bào Khmer vào giữa tháng 10 âm lịch đã đến rất gần.

Tại chùa Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, nửa tháng qua, các thanh niên và bà con phật tử cùng nhau về ngôi chùa vào buổi chiều để tập dợt đua ghe Ngo, chuẩn bị tranh tài tại lễ hội Đua ghe Ngo - Óc Om bóc. Anh Danh Thiệu, vận động viên từng 5 năm tham gia bơi đua cho đội ghe ngo chùa Tam Sóc, cho biết dù bận rộn với mùa gặt lúa, hay công việc sản xuất của gia đình, nhưng niềm đam mê môn thể thao dân tộc, khi được sư trụ trì, ban quản trị chùa kêu gọi, anh tranh thủ thời gian và hăng hái tham gia tập luyện. "Tôi rất thích môn thể thao này, thế là mình đến chơi. Công việc thì mình cố gắng làm hoàn thành sớm, chiều thì mình về đây tập bơi. Tôi tham gia được 5 năm rồi, đây là môn thể thao có tinh thần đoàn kết cao, cảm thấy rất vui và tự hào" - anh Thiệu nói.

Lễ hội Óc Om Bóc - Đua Ghe Ngo, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ - ảnh 2

Đua ghe ngo ở Sóc Trăng (Ảnh: Lan Anh)

Ghe Ngo chùa Tam Sóc là một trong những đội ghe nổi tiếng với nhiều thành tích đạt được tại các giải đua cả trong tỉnh Sóc Trăng, lẫn khu vực. Đặc biệt, đội ghe Ngo của chùa từng vinh dự nhiều lần đại diện ra thi đấu nước ngoài, như ở Campuchia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc. Sự đoàn kết, niềm tin, sự mong muốn chung tay, góp sức cùng cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa môn thể thao dân tộc vẫn cháy mãi trong lòng bà con, phật tử và người hâm mộ của đội ghe nhà. Ông Danh Can, Đội trưởng Đội ghe Ngo chùa Tam Sóc, cho biết: "Chuẩn bị tham gia lễ hội năm nay, chùa đã trùng tu, sửa chữa chiếc ghe ngo và tuyển chọn được gần 100 tay chèo giỏi, có nhiều kinh nghiệm, quyết tâm giành được thứ hạng cao ở lễ hội. Bà con phật tử, vận động viên chùa Tam Sóc có chung ý chí và sự đoàn kết cao, phải nói là cao hơn mọi năm. Mỗi chiều như vậy luôn có từ 60-70 người đến tập. Mọi người đều có sự quan tâm nhau, cùng nhau tập luyện để tham gia lễ hội 2017 và giành thành tích cao".

Chùa Tum Núp, thuộc xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, cả tháng qua, đông đảo bà con tham gia chuẩn bị, luyện tập cho cuộc thi. Tiếng động viên, cổ vũ, tiếng hò reo vang dậy cả phum sóc như thể hiện được sự quyết tâm cao của toàn đội. Đại đức Lâm Hiệp, Trụ trì chùa Tum Núp, chia sẻ: Giải năm nay, đội tham gia cả nội dung nữ và đặc biệt nhất là giới thiệu chiếc ghe Kề Hâu (loại ghe chỉ chở các vị trụ trì, sư sãi, archa đi theo ghe Ngo thi đấu) có tuổi đời hàng trăm năm, trong “Lễ phục dựng và bảo tồn ghe Kề Hâu”, một trong hoạt động chính của Lễ hội Óc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng. "Chùa Tum Núp chúng tôi rất tự hào. Gần 50 năm trở lại đây, ghe Ngo của chùa luôn có mặt tham gia lễ hội. Dù đời sống, kinh tế của phật tử có lúc cũng gặp khó khăn, nhưng vì tinh thần thể thao, sự đam mê, mong muốn giữ gìn và bảo tồn bản sắc dân tộc" - Đại đức Lâm Hiệp nói.

Đối với bà con Khmer, cuộc sống gắn bó với công việc đồng áng ruộng vườn, mỗi dịp lễ Óc Om Bóc – Đua ghe Ngo, dù bận rộn mưu sinh, bà con vẫn tranh thủ, dành thời gian để tham gia. Lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đã và đang phát triển mạnh mẽ. Những năm trở lại đây lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa truyền thống lớn của Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Feedback