Lễ ăn mừng năm mới của người Mông

Bùi Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Người Mông có rất nhiều lễ hội khác nhau. Những lễ hội của người Mông thường gắn với sinh hoạt nông nghiệp cũng như hướng tới mục đích gắn kết dòng họ, gắn kết cộng đồng. Trong đó, lễ ăn mừng năm mới là một trong những lễ quan trọng nhất trong đời sống của người Mông. Lễ ăn mừng năm mới được duy trì ở tất cả cộng đồng người Mông sinh sống tại các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, tùy từng nơi, người Mông có thể tổ chức lễ ăn mừng năm mới sớm hoặc muộn hơn nhau một chút.
(VOV5) - Người Mông có rất nhiều lễ hội khác nhau. Những lễ hội của người Mông thường gắn với sinh hoạt nông nghiệp cũng như hướng tới mục đích gắn kết dòng họ, gắn kết cộng đồng. Trong đó, lễ ăn mừng năm mới là một trong những lễ quan trọng nhất trong đời sống của người Mông. Lễ ăn mừng năm mới được duy trì ở tất cả cộng đồng người Mông sinh sống tại các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, tùy từng nơi, người Mông có thể tổ chức lễ ăn mừng năm mới sớm hoặc muộn hơn nhau một chút.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 




Lễ ăn mừng năm mới của người Mông diễn ra sau khi họ kết thúc một vụ mùa, thường vào tháng 11, sớm hơn so với Tết dương lịch của người Kinh một tháng. Giống như những dân tộc khác, Tết cổ truyền của người Mông cũng có những nét độc đáo và những món ăn vô cùng hấp dẫn. Bánh dày là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông, thể hiện sự công phu của những con người quanh năm gắn bó với ruộng nương, gói ghém những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dịp Tết, nhà nào cũng cố gắng làm thật nhiều bánh, vừa để gia đình ăn, vừa để tiếp khách và biếu họ hàng. Không khí cả gia đình quây quần cùng nhau làm bánh rất tưng bừng và náo nhiệt. Ngày Tết cũng là dịp những người phụ nữ Mông trổ tài nấu rượu, làm bánh ngô. Những chiếc bánh dày, những chai rượu ngô sẽ được bày trang trọng trên mâm cỗ cúng tất niên cùng với gà trống đã được cắt tiết. Chị Trần Thu Thủy, Trưởng phòng Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Trong những ngày đầu năm mới, người Mông làm lễ hiến sinh một con gà vì theo quan niệm của người Mông thì gà là vật thần. Sau đó, họ dùng máu gà và lông gà dán lên bàn thờ ma nhà, cột ma nhà, bàn thờ ma cửa và bếp cũng như tất cả vật dụng trong gia đình. Người Mông cho rằng làm như thế thì mọi điều may mắn sẽ đến với họ."


Ước vọng của người Mông trước ban thờ trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng vô cùng bình dị, gần gũi. Họ cầu sức khoẻ, cầu bình an, cầu cho những cây lúa ở các thửa ruộng bậc thang luôn trĩu hạt, cầu cho cây ngô ra bắp, trâu, bò, gà, lợn lớn nhanh, không đổ bệnh. Và khi nhắc đến Tết của người Mông không thể không nhắc tới những điều cần kiêng kỵ. Chị Trần Thu Thủy cho biết thêm: "Trong 3 ngày Tết, người Mông kiêng không cho người lạ vào nhà cũng như kiêng không ăn rau vì sợ ăn rau đầu năm thì cả năm phải ăn rau. Nhà người Mông có hai cửa là cửa chính và cửa phụ. Trong 3 ngày Tết, người Mông không được phép đi vào cửa chính vì cửa chính là nơi thờ ma cửa; họ đi ở ngách cửa phụ. Sau 3 ngày họ mới tháo bỏ cành lá treo trước nhà, lúc đó khách mới được vào nhà."

 

Lễ ăn mừng năm mới của người Mông - ảnh 1


Sau khi tổ chức các nghi lễ ở trong nhà thì người Mông bắt đầu ra ngoài và tổ chức hội. Ở nhiều nơi, họ dựng những cây nêu rất lớn trên bãi đất rộng báo hiệu nơi đây sẽ có hội để mọi người ở các làng, bản, xã cùng nhau về đó tụ tập mở hội. Người Mông tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc như: Ném pao, múa khèn, múa ô, chơi quay, bắn nỏ, đẩy gậy... Trò chơi nổi tiếng Papao thường lôi cuốn nhiều người tham gia. Trái banh Papao được làm từ vải, được truyền qua lại giữa hai đội nam và nữ. Đầu tiên trái banh được ném lên cao, sau đó nó được những người trong đội kia bắt lấy. Quá trình Papao bay trở thành những đường vô hình để kết nối và buộc những đôi bạn chơi trong sự hoà hợp lẫn nhau. Những người tham gia càng ngày trở nên mải mê và họ không cảm thấy mệt mỏi cho dù cuộc chơi chỉ đơn giản là sự lập đi lập lại của hai hành động ném và bắt lấy trái banh. Lễ hội không những mang sự chung vui đến với mọi người mà còn là điểm nhấn cho câu chuyện tình yêu của những chàng trai và những cô gái. Nhiều cặp đôi thường bắt đầu tình yêu của họ vào những ngày đầu năm mới. Chị Trần Thu Thủy cho biết thêm: "Trong những ngày hội này của người Mông thì trai, gái ra ngoài có thể tự do tìm hiểu nhau và chơi những trò chơi dân gian. Trong ngày hội, con trai múa khèn, con gái thì múa hát. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm hiểu, giao duyên với nhau và nếu họ cảm thấy yêu thích nhau thì sẽ tiến đến hôn nhân"

 

Đối với người Mông, Tết là dịp được mong đợi nhất, là thời gian để họ nghỉ ngơi sau một năm lao động hăng say, vất vả. Đây cũng là thời điểm hội tụ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống và độc đáo của Người Mông. Cùng với 54 dân tộc anh em, những nét độc đáo trong lễ ăn mừng năm mới của người Mông góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của người Việt Nam.

Feedback