Gìn giữ nghề làm giấy bản của đồng bào dân tộc Dao, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Cả thôn Thanh Sơn hiện có trên 100 hộ dân, trong đó 100% số hộ là người Dao và đa phần các gia đình ở đây đều có nghề làm giấy bản. 

Dân tộc Dao ở tỉnh Hà Giang có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán và nghề truyền thống. Trong đó có nghề làm giấy “bản”, một loại giấy được làm thủ công từ cây vầu (họ với cây tre, nứa) dùng trong các dịp lễ tết như lễ cấp sắc, lễ cầu an theo phong tục của người Dao.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Giấy bản có màu vàng nhạt, dai và bền. Ngoài dùng để cắt giấy tiền, vàng hương trong tục thờ cúng, giấy bản còn dùng để dán bàn thời tổ tiên, trang trí trong nhà, dùng để viết chữ Nho, chữ Hán, bởi giấy dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản không bao giờ phai. Loại giấy này có thể được sản xuất bằng nhiều loại cây rừng nhưng với bà con dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn, thôn Tân Sơn, Thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, thì chỉ dùng cây vầu, để sản xuất và giữ gìn nghề truyền thống này.

Gìn giữ nghề làm giấy bản của đồng bào dân tộc Dao, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang - ảnh 1 Làng nghề giấy bản Thanh Sơn.Ảnh: danviet.vn

Cả thôn Thanh Sơn hiện có trên 100 hộ dân, trong đó 100% số hộ là người Dao và đa phần các gia đình ở đây đều có nghề làm giấy bản. Theo những người cao tuổi trong thôn, nghề sản xuất giấy bản của dân tộc Dao ở Thanh Sơn là nghề truyền thống được lưu truyền từ năm 1925 đến nay. Theo các già làng, năm 1920 ông Triệu Dùn Phin, dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn, học được nghề làm giấy và truyền cho con cháu trong dòng họ Triệu. Kể từ năm 1925, nghề dần phát triển.

Bà Lý Thị Hồng, thôn Thanh Sơn, cho biết: Bà được bố mẹ dạy làm giấy từ nhỏ và đã làm nghề hơn 30 năm. Giấy được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây vầu non và một loại cây dây leo để tạo keo liên kết. Nguồn nguyên liệu làm giấy bản có sẵn từ rừng, vườn nhà và không gây ô nhiễm môi trường. Nghề làm giấy của bà con diễn ra quanh năm, đông nhất là lúc xong mùa vụ nông nghiệp: Cây vầu non thu hoạch về được ngâm nước vôi trong khoảng 1-2 tháng. Sau đó vớt lên rửa sạch và ngâm lại hơn 1 tháng và ngâm xong sẽ mang đi nghiền. Nghiền nhỏ sẽ hòa với nước và tráng giấy thành thếp, ép khô…sau đó về bóc từng tờ.

Để làm giấy bản đẹp, người làm phải tiến hành qua nhiều công đoạn đòi hỏi cần có sức khỏe và tính cẩn thận cao. Bởi vì, các công đoạn làm giấy đều rất khó như vớt, nghiền nguyên liệu, tráng giấy, bóc giấy... Bà Lý Thị Hồng, thôn Thanh Sơn, cho biết thêm:  Ngày nào cũng phải xem ao ngâm vầu có đủ nước hay không, nước phải ngập hết cây vầu nguyên liệu. Nước mà thấp sẽ hỏng giấy. Ngày xưa ngâm vầu xong phải dẫm bằng chân cho nát, dẫm cả buổi sáng mới đủ nguyên liệu cho một ngày làm giấy. Giờ có máy say bớt được nhiều công sức, đỡ vất vả.

Được sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con nhân dân trên địa bàn thôn Thanh Sơn đã dùng máy móc trong việc sản xuất giấy bản. Tuy nhiên quy trình chế biến nguyên liệu, phương pháp tráng và bể tráng giấy, vẫn được đồng bào dân tộc Dao giữ nguyên theo phương pháp truyền thống. Bà Lò Thị Viện, thôn Thanh Sơn, cho biết: Một ngày làm khoảng được 5 bục, mỗi bục 80 thếp, mỗi thếp 5 tờ. Dân tộc mình phải giữ cái nghề cho con cháu để sau này ai cũng biết làm để mỗi dịp lễ, Tết lại có giấy để dùng.

Hiện một hộ gia đình ở thôn Thanh Sơn có thể làm được trung bình ít nhất 5 bục giấy/1 ngày, tính trung bình một hộ làm nghề có thể làm được khoảng tầm 150 bục/1 năm. Sản phẩm khi được làm ra sẽ được đem ra chợ tiêu thụ, với mức giá bán từ 180 nghìn đồng - 250 nghìn đồng/1bục, tùy vào mùa lễ, tết trong năm. Qua đó, người dân Thanh Sơn không chỉ có thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi mà còn lưu giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình. Ông Lò Đức Trìu, Trưởng thôn Thanh Sơn, cho biết: Chúng tôi rất tự hào về nghề truyền thống làm giấy bản lâu đời của ông cha để lại và sẽ cố gắng gìn giữ, phát huy nghề này. Chúng tôi sẽ xây dựng một nhà trưng bày về nghề giấy bản, làng nghề và những công cụ làm giấy thủ công từ ngày xưa. Từ đó lưu lại cho thế hệ trẻ để con cháu biết được nghề này và lưu giữ những nét văn hóa dân tộc Dao. Đang quý nhất là nghề làm giấy làm giấy bản ở Thanh Sơn luôn được thế hệ cha ông truyền nghề cho con cháu, đa phần đều biết làm giấy từ bé.

Để khôi phục được Làng nghề làm Giấy bản của người Dao, năm vừa qua, 4 gia đình tại thôn Thanh Sơn được Hội Nông dân huyện Bắc Quang hỗ trợ 4 chiếc máy xay nguyên liệu nhằm giảm tải sức lao động cho người dân và tăng số lượng sản phẩm. Tỉnh Hà Giang đã công nhận nghề làm giấy bản của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn, Thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, là làng nghề truyền thống, đồng thời xây dựng thôn Thanh Sơn trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, gắn với nghề làm giấy bản, để thu hút du khách mỗi khi đến với Hà Giang.

Feedback