Âm nhạc và hát dân ca của người Lô Lô

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Lô Lô là một trong những dân tộc có mặt sớm và có công khai khẩn mảnh đất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Lô Lô là dân tộc thiểu số có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Người Lô Lô tự hào về vốn văn hóa, âm nhạc dân gian phong phú thể hiện qua những điệu múa, làn điệu dân ca chứa chan tình yêu con người, cuộc sống và thiên nhiên.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lô Lô là một trong những dân tộc có mặt sớm và có công khai khẩn mảnh đất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Lô Lô gắn liền với những dãy núi đá tai mèo trùng điệp, ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn tạo dựng cho mình những giá trị văn hóa tinh thần phong phú, trong đó phải kể đến là âm nhạc với những làn điệu dân ca Lô Lô đặc trưng:  Người Lô Lô sống trên những vùng núi cao, cuộc sống khá tách biệt nên những làn điệu âm nhạc, bài hát dân gian được truyền dạy chủ chủ yếu thông qua hình thức truyền khẩu.  Bên cạnh đó, thông qua các phong tục tập quán, các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mà âm nhạc, những làn điệu dân ca  vẫn giữ được nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng của người Lô Lô. Nghệ nhân hát dân ca người Lô Lô Thảo Thi Giang, cho biết: Truyền thống của dân tộc Lô Lô truyền đời từ các cụ ngày xưa.  Trong đó hát  dân ca được truyền từ đời này sang đời khác. Giai điệu hát dân ca của người Lô Lô thường có 2-3 giai điệu chủ yếu và 5 bài múa truyền thống.  

Âm nhạc và hát dân ca của người Lô Lô - ảnh 1

Âm nhạc dân gian và hát dân ca của người Lô Lô thường được phụ họa trên nền của nhiều loại nhạc khí độc đáo. Trong hát dân ca Lô Lô, trừ hát ru, các đề tài mặc dù khác nhau nhưng đều có chung một giai điệu âm nhạc. Mỗi nhóm địa phương của người Lô Lô đều có làn điệu riêng song về cơ bản những giai điệu truyền thống của người Lô Lô nói chung vẫn được thể hiện khá rõ và nhất quán. Người Lô Lô có thể hát, múa ở khắp mọi nơi, trên khoảng sân trước nhà, trên nương rẫy, hát trong các lễ hội tín ngưỡng cầu mùa, cầu mưa, hát khi xuống chợ phiên. hát trong lễ cưới…Họ cất cao lời ca tiếng hát bằng thứ tiếng riêng của dân tộc Lô Lô. Mọi người khi gặp nhau dù không quen biết vẫn có thể hát chúc nhau. Đây cũng là nét văn hóa rất riêng thể hiện tình cảm đồng điệu của người Lô Lô. Hai đề tài chính của dân ca là ca ngợi tình yêu trai gái và lao động sản xuất. Đặc biệt, những làn điều hát giao duyên của các chàng trai cô gái dân tộc Lô Lô  rất độc đáo. Lời hát là tiếng lòng bày tỏ tâm tư. tình cảm, chứa chan niềm khát khao về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.    

Âm nhạc và hát dân ca của người Lô Lô - ảnh 2

Điệu ca, lời hát giao duyên là thứ ngôn ngữ đặc biệt, là tín hiệu của mối giao cảm giữa trơi, đất  với cuộc sống của con người  là cầu nối của những trái tim đồng điệu của tình yêu lứa đôi. Trong đám ma của người Lô Lô ở Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), ở Bảo Lạc (Cao Bằng) ngày nay, người Lô Lô vẫn hát những bài mo đưa đường để tiễn đưa người quá cố về thế giới bên kia. Bài hát kể lại những con đường, những miền đất mà người Lô Lô đã đi qua trên hành trình đi tới  cuộc sống ngày nay. Những địa danh trong bài hát dân ca đưa đường dù không cụ thể, rõ ràng, do trải qua những biến đổi thời gian và trí nhớ có hạn, song lời hát như nhắc người Lô Lô nhớ về với nguồn cội dân tộc mình.

Trải qua bao thời gian, âm nhạc và những làn điệu dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hoá của tộc Lô Lô. Người Lô Lô ngày nay vẫn trân trọng gìn giữ nền âm nhạc và các làn điệu dân ca truyền thống của mình để tiếng nói, tâm hồn người Lô Lô sống mãi với thời gian cùng sự phát triển cùng đất nước.

Feedback