Kiểm soát hoạt động của đội tàu đánh bắt trên biển là một trong những giải pháp quan trọng chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).Tại Quảng Ninh, các biện pháp số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được triển khai để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân, tiến tới gỡ “thẻ vàng” của EC trong thời gian tới.
Phần mềm quản lý tàu cá và khai thác thủy sản được thử nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ nhiều tính năng giúp ngư dân thao tác chuẩn xác thay vì khai thủ công trên giấy - Ảnh: Trường Giang/VOV |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Trung bình mỗi tháng, tàu QN90162-TS của anh Nguyễn Thế Phương, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có 4 chuyến xuất bến khai thác hải sản ở vùng khơi. Mỗi khi rời cảng hay cập cảng, anh đều thông báo tới Văn phòng đại diện, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng , huyện Vân Đồn, theo quy định.
"Khi rời bến thì trình báo lực lượng chức năng, ký sổ rồi xin giấy cấp phép. Mình ghi chép đánh bắt ở đâu vào Nhật ký khai thác. Khi về thì thông báo trước 1 tiếng, nộp Nhật ký đánh bắt, sản lượng bao nhiêu, loại gì. Tháng 4 lần ra biển thì 4 quyển. Khai giấy hay khai tay khá rườm rà, lắm lúc chúng tôi cũng không có thời gian ghi vì thức cả đêm đánh bắt, nhiều khi vào tới gần bến mới ghi được" - anh Phương cho biết.
Nhằm hỗ trợ ngư dân, từ tháng 1/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh phối hợp các đơn vị Công nghệ thông tin chạy thử nghiệm phần mềm quản lý tàu cá và khai thác thủy sản tại tỉnh Quảng Ninh. Với ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, mỗi chủ tàu cá hoạt động tại vùng khơi có thể thao tác với 35 trường dữ liệu, từ dữ liệu đăng ký, đăng kiểm của tàu, gửi thủ tục rời cảng, cập cảng đến cơ quan quản lý tới việc theo dõi hành trình, ghi nhật ký khai thác (toạ độ thả lưới, thu lưới, chủng loại, sản lượng khai thác)… Những thông tin này được lưu trữ và kết nối đồng bộ với Văn phòng quản lý tại cảng.
Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh trao đổi, lên phương án chạy thử phần mềm với các chủ tàu cá - Ảnh: Trường Giang/VOV |
Anh Bùi Phương Tuyển, chủ tàu QN90095-TS, cho biết: "Ngoài chức năng khai báo, phần mềm còn cung cấp các thông tin cảnh báo, tránh trú bão, hiển thị vị trí các tàu cùng hệ thống để đội tàu hỗ trợ lẫn nhau. Mình làm trên máy này trước, rồi gửi cho Văn phòng, cho mình cập cảng rời cảng thuận tiện hơn. Không chỉ xuất bến, nhập bến mà còn hướng dẫn mình đi tọa độ nào đánh bắt được, không đánh bắt được để mình chấp hành, đồng bộ, chuẩn xác".
Quảng Ninh hiện có trên 6.000 tàu cá, trong đó hơn 4.500 tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên. Cùng với việc thử nghiệm phần mềm riêng, Quảng Ninh đang khẩn trương rà soát để đảm bảo 100% tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác theo phân cấp và đồng bộ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Cùng với đó, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên sẽ được lắp đặt và duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) khi hoạt động trên biển.
Theo anh Lưu Văn Duy, Thư ký Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng, khu vực cảng hiện có khoảng 300 tàu cá hoạt động, trong đó hơn 50 tàu cá vùng khơi có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đều đã được theo dõi, kiểm soát trên hệ thống chung. Anh Duy cho biết: "Hệ thống giám sát hành trình tàu cá góp phần ngăn chặn và kịp thời cảnh báo các chủ tàu đang hoạt động sát đường phân định để biết và tránh vi phạm sang vùng biển nước ngoài, đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý nếu ngư dân vi phạm. Hệ thống phần mềm quản lý tàu cá vừa thử nghiệm cũng giảm thời gian bà con đến làm thủ tục tại Văn phòng, dữ liệu được gửi thường xuyên, liên tục sẽ đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng sản lượng trong mỗi chuyến khai thác".
Thông qua giám sát hành trình, đơn vị quản lý tại cảng kịp thời thông báo và kiểm soát hoạt động của các tàu cá trên biển, đặc biệt là tàu hoạt động tại khu vực giáp ranh vùng biển nước ngoài - Ảnh: Trường Giang/VOV |
Trong tháng 4/2023, ngành thủy sản Quảng Ninh sẽ tiến hành kiểm tra công tác rà soát, cập nhật thông tin dữ liệu tàu cá trên hệ thống quốc gia. Đồng thời, qua trải nghiệm thực tế của ngư dân, việc xây dựng, hoàn thiện phần mềm quản lý tàu cá và khai thác thủy sản cũng được đẩy nhanh, tiến tới hoàn thiện các thủ tục pháp lý để áp dụng rộng rãi.
Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Trên cơ sở tỉnh đã cho chủ trương, chúng tôi đang tiến hành xây dựng và trình đề cương dự toán để thuê phần mềm, xin phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mong muốn trong năm 2023 có thể triển khai trên tàu từ 6m trở lên trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng kỳ vọng khi ứng dụng công nghệ này vào quản lý tàu cá thì sẽ giảm bớt nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà với người dân, cán bộ quản lý giảm bớt nhiều công đoạn và hơn nữa là hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác".
Với các giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin và số hoá công tác quản lý, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ khắc phục được khó khăn trong kiểm soát tàu cá và sản lượng khai thác do tàu cá thường xuyên neo đậu, phân tán ở nhiều nơi; thiếu đồng bộ, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình… Việc giám sát, quản lý số hóa 100% thông tin hoạt động của tàu cá không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khai thác thủy sản, chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) mà còn phục vụ hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về lâu dài. Điều này cũng góp phần thúc đẩy sản xuất các sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam chuyên hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của nghề cá Việt Nam.