Nghe âm thanh bài tại đây:
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra như một làn sóng mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, các start-up công nghệ ở Việt Nam, những người trẻ, nhiều khát vọng và dám đương đầu với thử thách, ngày càng sáng tạo. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Chỉnh phủ, cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và những người hướng dẫn giàu kinh nghiệm, hiện nay, nhiều mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số đã gặt hái những thành công nhất định.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, công nghệ đang là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong những năm qua, rất nhiều sáng kiến, dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã bước ra, thành công và mang lại thương hiệu cho làng khởi nghiệp Việt Nam.
Ứng dụng MoMo. Ảnh: congluan.vn |
Chuyển hướng kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến; ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, vận hành; tối ưu hóa công nghệ vào sản xuất là cách mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tạo nên những giá trị đột phá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng với những người trẻ ham học hỏi, không ngừng tìm tòi, sáng tạo những điều mới, nhất là trong bối cảnh thế giới số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số đang là một vấn đề được rất nhiều thanh niên quan tâm, tìm hiểu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Minh – Giám đốc Trung tâm công nghệ và kinh tế số - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Chúng ta có nhiều thế mạnh về con người, khi đang ở trong thời điểm dân số vàng, khi mà chúng ta có rất nhiều người trẻ. Tuổi trẻ thì các bạn có khả năng học rất nhanh, và cũng là đối tượng vận dụng, sử dụng các công nghệ mới. Đây chính là cơ hội mà ngay cả các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam cũng thấy được điều đó. Đây là yếu tố đủ. Tuy nhiên, yếu tố cần, là chất lượng nhân sự trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ số, thì chúng ta chưa đáp ứng tốt. Do đó, mới đây, chúng tôi đã thành lập Trung tâm Công nghệ kinh tế số, nơi ươm mầm các sản phẩm hoặc tiền sản phẩm cho các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Mô hình của Trung tâm là kết hợp liên ngành giữa các ngành: công nghệ thông tin và kinh tế với nhau để hỗ trợ việc chuẩn bị nhân lực số cho xu hướng xây dựng các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số hiện nay."
Theo bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào nhóm cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển, vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế; giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink). Những xếp hạng trên thể hiện tiềm năng, sức bật của Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Tại Việt Nam, đã xuất hiện những “kỳ lân” (giá trị doanh nghiệp đạt từ 1 tỉ USD trở lên), có thể kể tới như: MoMo, Sky Mavis, VNG, VNLIFE. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành “trang trại” tương lai của các start-up “kỳ lân”. Với sự sáng tạo của những người trẻ, nhiều khát vọng, các startup có triển vọng, đặc biệt là các startup liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game…, những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn trong 2-3 năm tới, sẽ có thể lớn mạnh, vươn mình trở thành các kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.
VNLife là một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam. Ảnh: DealStreetAsia. |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng làng xây dựng và phát triển cộng đồng (Community Village hay còn gọi là Comvil), cho rằng: "Các startup hiện tại đã tạo ra một số ứng dụng công nghệ và các trào lưu công nghệ mới, có tính ứng dụng, chứ không đơn thuần chỉ là ý tưởng hoặc các bản demo. Rất nhiều dự án đã có lượng khách hàng và chứng minh được tính khả thi của dự án. Các startup đã bắt đầu bắt nhịp được xu hướng chung của thế giới, và cũng đã tạo ra những sản phẩm cụ thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tôi đã từng hỗ trợ cho một dự án tạo ra bàn tay điều khiển bằng suy nghĩ từ phương pháp tách sóng não. Những công nghệ như vậy, trên thế giới cũng chỉ có một vài đơn vị có thể triển khai được. Hoặc công nghệ có thể tạo ra được hydrogen xanh. Đây là những công nghệ vô cùng khó mà chỉ có một vài tập đoàn hàng tỷ USD trên thế giới mới tạo ra được."
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Ngay cả các bạn sinh viên, học sinh cũng có thể tận dụng được sức mạnh của internet và sáng tạo để có những dự án, sản phẩm của riêng mình. Điều đó cho thấy những hoạt động hỗ trợ, những mô hình “bệ đỡ” khởi nghiệp đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: "Chúng tôi có rất nhiều những hoạt động tác động đến khối sinh viên, đối tượng trẻ, những người am hiểu công nghệ và đang có nguồn lực và ngọn lửa khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Chúng tôi hợp tác, đi vào các trường đại học để đưa các chuyên gia và truyền lửa cho các em, định hướng cho các em. Song song với đó sẽ có những chương trình đào tạo về tư duy khởi nghiệp để các em có định hướng dài hạn hơn, chắc chắn hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể phối hợp để đưa các doanh nghiệp thực tế đi vào để các em có thể cọ xát trực tiếp, được trao đổi, được chia sẻ với các doanh nhân và cảm nhận được là các doanh nghiệp đang cần gì, để các em có thể có những suy nghĩ, tư duy, ý tưởng xác thực hơn về khởi nghiệp trong lĩnh vực số."
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất chú trọng vào việc bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về lập nghiệp kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ các startup tiếp cận các nguồn vốn; đồng hành cùng startup trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp. Những yếu tố thuận lợi này sẽ góp phần giúp các startup trẻ thêm tự tin trên con đường khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số trong thời gian tới.