Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp nhiều cho kinh tế đất nước. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thương mại điện tử đang được các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng vào công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu và tìm kiếm bạn hàng, thực hiện giao dịch kinh doanh hiệu quả.
Thương mại điện tử không còn là xu thế mà là thực tế. Ảnh minh họa: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thói quen tiêu dùng toàn cầu đang thay đổi, đồng nghĩa với khả năng bán hàng toàn cầu ngày càng cao. Xuất khẩu trực tuyến không còn là xu thế mà là thực tế. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế tài chính cao. Ngày nay, thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới đã thay đổi hoàn toàn và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu: “Thương mại điện tử hiện thực hoá nền thương mại không biên giới trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội. Các gia đình ở Việt Nam có thể mua táo ở trên cành ở một nhà vườn ở phương Tây và ngược lại các gia đình ở phương Tây thậm chí có thể đặt hàng mua hoa tươi còn đẫm sương trong vườn hoa của hộ kinh doanh nhỏ ở Đà Lạt. Sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đặt hàng người sản xuất dẫn dắt nền sản xuất, sẽ trở thành xu thế toàn cầu. Bây giờ cạnh trạnh toàn cầu đã vào đến cửa ngõ mỗi nhà. Khách hàng toàn cầu vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức của các doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Điều hành Sàn giao dịch toàn cầu Iexport.vn, Công ty Fado Việt Nam, cho rằng để tận dụng các cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi tham gia mua-bán trực tuyến, mua-bán trực tuyến xuyên biên giới, cần đầu tư nguồn nhân lực, nâng cao khả năng ngoại ngữ, cùng hiểu biết về các quy tắc trong lĩnh vực này: “Trong những năm gần đây, rất nhiều diễn đàn hỗ trợ của Nhà nước xúc tiến các hoạt động các doanh nghiệp cũng bắt đầu có sự chuyển dịch - bắt đầu quan tâm chăm chút kỹ hơn website của mình - đầu tư hình ảnh sản phẩm, về thông số kỹ thuật, các tiêu chuẩn kỹ thuật để bạn hàng quốc tế người ta tìm được. Tuy nhiên xuất khẩu một đơn hàng không đơn giản mình tham gia một nền tảng thương mại tử là mình có thể tìm được bạn hàng và giao dịch thành công. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về điều kiện logistics, điều kiện thanh toán, đấy là thách thức”.
Ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức, cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bỏ lỡ nhiều cơ hội giao thương toàn cầu, bỏ lỡ cơ hội phát triển thương hiệu doanh nghiệp, vì chưa đầu tư vào xây dựng, phát triển thương mại điện tử cho chính doanh nghiệp mình: “Thương mại điện tử là xu thế. Thời nay không biết ứng dụng thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ thì sẽ thua thiệt. Thương mại điện tử làm cho hàng hóa, dịch vụ phổ cập nhanh nhất trên toàn thế giới, nhờ đó giảm chi phí, doanh thu tốt nhất. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận cách thức này khá lớn, trên 40 %, nhưng mới là tiếp cận, còn giao dịch thành công chỉ 10,15 %. Cần tuyên truyền, quảng bá nhiều về quy mô, hình thức kinh doanh này để doanh nghiệp thấy lợi ích, họ tham gia. Và phải có các nhà cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp. Nếu trang web cứ trục trặc, mạng chậm .v.v. sẽ ảnh hưởng rất lớn”.
Để giúp các cá nhân, doanh nghiệp, Bộ Công thương – đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ quảng bá xúc tiến thương mại toàn cầu, đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nhân-doanh nghiệp nói chung, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy giao thương xuyên biên giới, thông qua internet. Có thể kể đến các hoạt động như: “Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Amazon”, “Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Alibaba”; tăng cường giao thương trực tuyến với các quốc gia toàn cầu có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện trực tiếp..., cùng nhiều hoạt động khác.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng: “Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp như ban hành các văn bản cần thiết và tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng. Chúng tôi sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến hơn nữa, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu các xu hướng, mô hình phù hợp và nhân lực, vật lực phù hợp để tham gia chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu”.
Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan vừa khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020. Không chỉ nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam sớm vượt qua khó khăn do đại dịch, ECVN được kỳ vọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới. Đây là những bước đi bài bản, cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu tham gia xuất khẩu trực tuyến, tham gia thương mại toàn cầu, để phát triển thương hiệu và mở rộng quy mô.