Hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa trên nền tảng số - Cơ hội cho các StartUp

Bá Thi (TH)
Chia sẻ
(VOV5) - Trên thực tế, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hình thành từ xu hướng thương mại trực tuyến.

Thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới, tức các nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, đã được chứng minh là phương thức kinh doanh hiệu quả, đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Nắm bắt được nhu cầu thực tiễn cùng tiềm năng phát triển, nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này, và nhiều ý tưởng khởi nghiệp (StartUp) đổi mới sáng tạo cũng đã hình thành từ đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa trên nền tảng số - Cơ hội cho các StartUp - ảnh 1

Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA" ngày 28/7/2020 - Ảnh: vietq.vn

Tại Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA" ngày 28/7/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, nhiều ý kiến nhận định, khác với trước đây khi các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn để đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường quốc tế, thì bây giờ các doanh nghiệp có thể vượt qua rào cản bằng việc đầu tư cho xuất khẩu trực tuyến, sử dụng các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến.

Trong cuộc trao đổi trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Điều hành Fado Export và là chủ nhân dự án Iexport.vn, một trong những dự án hỗ trợ xuất khẩu trên nền tảng số đầu tiên tại Việt Nam, cũng khẳng định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm đến giải pháp công nghệ nền tảng số để tiếp cận thị trường thế giới. 

Hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa trên nền tảng số - Cơ hội cho các StartUp - ảnh 2

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Điều hành Fado Export và là chủ nhân dự án Iexport.vn - Ảnh: doanhnghiepvn.vn

“Dự án Iexport.vn của chúng tôi cung cấp các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp choạt động tốt hơn trên các nền tảng thương mại điện tử, tiếp cận thị trường quốc tế tốt hơn. Iexport hoạt động theo nguyên tắc là đầu tiên cung cấp cho doanh nghiệp các nghiên cứu thị trường quốc tế, tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn xem sản phẩm có thể tiếp cận thị trường nào phù hợp hơn. Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển mình về mặt tư duy, đã tiếp cận thị trường thương mại điện tử để mà đưa hàng hóa tiếp cận thế giới. Rất nhiều khách hàng vừa và nhỏ đang hoạt động xuất khẩu theo phương thức truyền thống, muốn chuyển sang khai thác thị trường trực tuyến” - ông Hùng nói.

Theo các báo cáo và đánh giá, không chỉ mang lại lợi ích to lớn, mà nền tảng số hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa còn là xu thế tất yếu của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, các nền tảng số hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa do Việt Nam phát triển được biết đến rộng rãi, vẫn còn rất ít. Ngoài Dự án Iexport.vn, các nền tảng số hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam hiện chỉ có “Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020” mà Bộ Công thương khai trương ngày 28/7 vừa qua, hay “Dự án khởi nghiệp Sàn giao dịch thương mại toàn cầu 1908v.com” của doanh nhân Nguyễn Tuấn Vinh ra đời cách đây không lâu. Bởi thế lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới chủ yếu sử dụng các nền tảng của nước ngoài.

Thế nhưng, việc sử dụng các nền tảng quốc tế có khá nhiều rào cản như vấn đề ngôn ngữ, cách thức tiếp cận, chênh lệch múi giờ và đặc biệt là khó có được sự hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp. Thực tế này cho thấy, dư địa để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa trên nền tảng số, là rất lớn, còn đầy tiềm năng. Doanh nhân Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CenGroup cho rằng: “Thương mại điện tử xuyên biên giới chắc chắn sẽ giúp cho rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các bạn trẻ, kể cả là doanh nghiệp cá nhân, tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn hàng ở nhiều quốc gia khác nhau. Đây là ý tưởng khởi nghiệp mà tôi cho là rất tốt”.

Trên thực tế, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hình thành từ xu hướng thương mại trực tuyến, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong số đó, theo các chuyên gia, nếu được đầu tư bài bản từ đầu, nhiều thương hiệu có thể vượt khuôn khổ quốc gia, được định giá tới hàng trăm triệu USD, đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của Việt Nam.

Feedback