Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội đồng tình sự cần thiết ban hành Luật PPP.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP - ảnh 1

Quang cảnh kỳ họp

Sáng 19/11, thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các đại biểu Quốc hội đồng tình sự cần thiết ban hành Luật PPP, đánh giá việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng.

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nêu ý kiến: "Đây là chủ trương đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc, ổn định, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh, cũng như tạo cơ hội để thu hút các nguồn lực to lớn của tư nhân cho việc triển khai các dự án quan trọng của quốc gia trong thời gian tới. Hiện nay các dự án PPP chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông, công trình phúc lợi, còn một số lĩnh vực như môi trường, xử lý nước thải, rác thải... lại chưa có hiệu quả. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo cũng nên quy định việc Chính phủ cần phải có trách nhiệm đưa ra một khung giá thống nhất đối với các dịch vụ mà doanh nghiệp PPP cung cấp, để làm cho các địa phương yên tâm thực hiện với các dự án về môi trường". 

Đồng tình với việc ban hành Luật PPP, ông Nguyễn Tiến Sinh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho rằng: "Những nguyên tắc và quan điểm cần được thể hiện trong dự thảo luật nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng luật với giá trị pháp lý cao nhất, tạo cơ chế để huy động các nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước; bảo đảm các quy định của luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, lấy lợi ích của người dân, nhà nước, nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Song song với các dự án PPP mới, Nhà nước cần bảo đảm đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ công hiện hữu, phù hợp với nguồn lực và điều kiện phát triển của đất nước, tạo điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh của thị trường".

Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ các dự án: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Feedback