Thống kê mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cho thấy sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam sang thị trường Mỹ đứng thứ 2 trong khu vực châu Á.
Tàu container của hãng MSC cập cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) dịp đầu năm Quý Mão 2023. Ảnh: Báo GT |
Theo đại diện Cục Hàng hải (Bộ Giao thông – Vận tải), có được kết quả này là do thời gian qua, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển của Việt Nam ngày càng phát triển quy mô hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực.
Nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp và các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam, như: Tập đoàn PSA - Singapore (nhà khai thác cảng số 3 thế giới) đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA; Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác Cảng CMIT; Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hong Kong (nhà khai thác cảng biển số 1 thế giới) đầu tư bến cảng SITV… các cảng này đều ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các hãng tàu lớn cũng tham gia đầu tư, khai thác nhiều bến cảng tại Việt Nam như Mitsui O.S.K line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan - Trung Quốc) đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu); hãng tàu MOL và NYK (Nhật Bản) đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…
Cũng theo Cục Hàng hải, bên cạnh 25 tuyến vận tải đi châu Mỹ và 3 tuyến đi châu Âu, hiện, Việt Nam có trên 100 tuyến vận tải nội Á, tập trung vào các cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Hiện tại, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tuyến vận tải lớn nhất trong khu vực. Năng lực cảng biển Việt Nam hiện nay là tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích quan trọng trong chuỗi hải trình toàn cầu.