Cơ hội của Việt Nam từ Hiệp định EVFTA

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Việc ký kết EVFTA là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đến những thị trường chất lượng cao. 

Hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EU) (EVFTA) sớm được thông qua” diễn ra sáng 10/7, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh Hiệp định sẽ sớm được phê chuẩn để chính thức đi vào thực thi vào cuối năm 2019.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc ký kết EVFTA là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đến những thị trường chất lượng cao đồng thời nhập khẩu những thiết bị, nguyên liệu đầu vào cho kinh doanh với giá thấp, chất lượng cao…Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định này thì các doanh nghiệp phải định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc lại việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, Nhà nước phải tiếp tục cải cách thể chế. 

Cơ hội của Việt Nam từ Hiệp định EVFTA - ảnh 1 Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Vĩnh Phong

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Để hiện thực hóa được ưu thế từ việc đưa thuế suất bằng 0% đối với hầu hết các dòng thuế thì cần sự nỗ lực của nhà nước và doanh  nghiệp. Theo đó cần phải tiếp tục cải cách thể chế, nội luật hóa được các quy định của EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác. Quá trình nội luật hóa là quá trình không chỉ tuân thủ mà cần phải vận dụng hiệp định có lợi nhất cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, để thúc đẩy các doanh nghiệp vươn lên và tận dụng được nhiều lợi thế."

Khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, giày dép và đồ điện tử xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ hiệp định này. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước…

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho rằng: Về phía Chính phủ, phải phổ biến cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu được tác động của EVFTA, cũng như những giá trị mà hiệp định này mang lại. Thứ 2 là phải đào tạo cho doanh nghiệp hiểu được mình phải đáp ứng những gì thì mới hưởng được những lợi ích đó theo hiệp định. Điều thư 3 là cả một câu chuyện dài hơi, liên quan đến vấn đề tuyên truyền, đào tạo; cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn... để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp."

Cũng tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng vụ Đa biên Bộ Công thương, cho biết: Hiện Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ cho phép triển khai ngay quy trình phê chuẩn EVFTA. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các bộ ngành đánh tác động làm cơ sở trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA vào kỳ họp tháng 10 tới đây. Ngay sau đó kế hoạch hành động sẽ được ban hành và Bộ Công thương phấn đấu năm 2020 hiệp định sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kỹ hiệp định này để tận dụng cơ hội càng nhanh càng tốt.

Feedback