Bức tranh kinh tế Việt Nam 2020 và triển vọng kinh tế giai đoạn mới

Chia sẻ
(VOV5) - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản nhận định đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên mức trung bình.

“Bình minh đang lên”, “Ngôi sao sáng”, “Trường hợp ngoại lệ”… là những mỹ từ các tổ chức uy tín quốc tế dành cho Việt Nam trong một năm toàn cầu khủng hoảng vì Covid-19.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2020 và triển vọng kinh tế giai đoạn mới - ảnh 1“bình minh đang lên”, “Ngôi sao sáng”, “trường hợp ngoại lệ”…là những mỹ từ các tổ chức uy tín quốc tế dành cho Việt Nam trong một năm toàn cầu khủng hoảng vì Covid 19. Ảnh minh họa: VOV

Đó là những đánh giá, nhìn nhận khách quan, sau nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân, toàn quân trên mọi mặt đời sống, trong đó, kinh tế là ‘điểm sáng” - ấn tượng. Chính phủ điện tử - một chỉ số quan trọng trong xu hướng kinh tế số toàn cầu do Liên hợp quốc khảo sát, đánh giá và công bố nêu bật những thành tựu của Việt Nam thời gian qua.

Liên hợp quốc xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2018, xếp hạng 86 trên tổng số 193 quốc gia; tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6. Điện năng - một trong những cấu phần quan trọng của mỗi nền kinh tế, thể hiện mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh cũng đã trở thành một tiêu chí đánh giá từ phía Ngân hàng Thế giới.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu Doing Business của Worldbank đã khảo sát chỉ số Tiếp cận điện năng 2019 (được công bố vào năm 2020), cho thấy, Việt Nam thăng hạng vượt bậc - đạt 82,2 điểm, tăng 0,3 điểm so với năm trước - là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, báo cáo nhận định Chỉ số này sẽ có thể duy trì hoặc cải thiện trong năm nay. Trong khi đó, Jones Lang LaSalle, Hãng cung cấp dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư uy tín thế giới, công bố Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu xếp Việt Nam hạng 56 toàn cầu, nhóm các nước bán minh bạch lĩnh vực bất động sản.

Báo cáo Thương hiệu Quốc gia 2020 được thực hiện bởi Hãng định giá thương hiệu nước Anh, Brand Finance, nhấn mạnh: Năm 2020, nhờ xử lý tốt khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới (tăng 9 bậc) - đi ngược xu thế suy thoái toàn cầu. Giá trị thương hiệu Việt Nam xếp thứ 33 trên tổng số 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất toàn cầu.

Chỉ số quyền lực Châu Á năm 2020 với điểm sáng Việt Nam của Lowy - Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia, cho thấy việc tham gia hiệu quả các diễn đàn và sáng kiến thương mại khu vực, Việt Nam tăng một bậc so với năm trước – xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có Chỉ số quyền lực cao nhất Châu Á.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản nhận định đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên mức trung bình; đến 2035 thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tương đương 11 nghìn USD.

Feedback