Sau những thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid 19, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực cũng như trên thế giới. Truyền thông phương Tây và các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, với các biện pháp quyết liệt ngăn ngừa dịch bệnh, chủ động đối phó với các thách thức và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu khi tổng kim ngạch ước đạt gần 544 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Ảnh minh họa: VGP/Minh Thi. |
Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam không đạt như kế hoạch từ trước, tăng trưởng bình quân 5 năm 2016–2020 cũng không đạt mục tiêu, nhưng nhìn trên bức tranh toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Nhận định đầy triển vọng về kinh tế Việt Nam
Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu khi tổng kim ngạch ước đạt gần 544 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Tổng kết kinh tế 2020, ông Nguyện Việt Phong – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cụ Thống kê, khẳng định: “Đây là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam đạt thặng dư thương mại xuất siêu từ năm 2016 đến 2020 và là điểm sáng đóng góp tích cực vào kinh tế Việt Nam năm 2020. Điều này tác động tới tỷ giá hối đoái-tỷ giá ngoại hối, là động lực cho Việt Nam trong năm 2021, 2022 và giai đoạn tiếp theo.”
Những nỗ lực của Việt Nam và thành công trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Tạp chí Nikkei của Nhật Bản trong những ngày cuối năm 2020 đã đưa ra nhận định đầy triển vọng về kinh tế Việt Nam, trong đó khẳng định, Việt Nam là một trong 3 nền kinh tế Đông Nam Á có khác biệt lớn về tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, có thể trở về thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Thành công lớn nhất của Việt Nam là kiếm soát tốt dịch bệnh. Ảnh: Bộ Y tế |
Tờ Thời báo New York Times của Mỹ cũng đăng một bài báo có tựa đề: “Việt Nam có phải là “kỳ tích châu Á” tiếp theo?, nhận định kể từ khi Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, Việt Nam đã huy động nguồn lực mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus hiệu quả. Việc kiềm chế đại dịch khiến Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. “Ấn tượng hơn nữa, sự tăng trưởng của nó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ trong thương mại toàn cầu”. Bài báo nhấn mạnh rằng, với các biện pháp phòng ngừa covid đúng đắn và hiệu quả, Việt Nam không chỉ giữ được nhịp tăng trưởng của năm 2020 và còn bứt phá thành một trong những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á trong năm nay.
Dẫn chứng về việc Việt Nam tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư, tăng trưởng thương mại trên những cam kết của chính phủ.
Trong báo cáo đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam đưa ra trong tuần cuối cùng của năm 2020, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều đưa dự báo con số tăng trưởng GDP Việt Nam trong 2021 có thể đạt mức từ 6,5 đến 6,8% bất chấp tình hình dịch bệnh và kinh tế thế giới khó lường… Các định chế tài chính quốc tế tin rằng, năm 2021, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc mạnh mẽ và có thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thậm chí lạc quan hơn, Ngân hàng OUB của Singapore và HSBC - Hồng Công (Trung Quốc) còn nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay có thể đạt mức lần lượt là 7,1% và 8,1%. S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam tăng 10,9% trong 2021, mạnh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây công bố báo cáo thường niên về 193 quốc gia, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7% trong các năm từ 2021 - 2025. Trong 10 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt 6,6% và đến năm 2035 sẽ giữ vị trí 19 trên thế giới.
Việt Nam - đối tác tiềm năng
Kinh tế ổn định và tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của nhiều quốc gia. Ông Ben Bland, Giám đốc Dự án nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Research Fellow and Director of the Southeast Asia Project), Australia nhận định: “Việt Nam là một đối tác quan trọng bởi các bạn có nền kinh tế phát triển nhanh. Việt Nam đồng thời là quốc gia có tính toán chiến lược trước các vấn đề. Vì vậy mà tôi cho rằng Việt Nam và Australia có nhiều tiềm năng để thúc đẩy mối quan hệ. Đối với Australia, Việt Nam là một quốc gia chủ chốt và là đối tác có vai trò cân bằng chiến lược trong khu vực”.
Thành công lớn nhất của Việt Nam là kiếm soát tốt dịch bệnh mà thế giới đã công nhận. Ngoài ra, Việt Nam cũng đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu cam kết quốc tế, chính phủ đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi kinh tế số. Các yếu tố này tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Việt Nam trong những năm tới.