Tăng trưởng kinh tế Châu Âu chưa thể khả quan

Hồng Vân tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Những ngày qua những thông tin không mấy khả quan về tăng trưởng kinh tế châu Âu được Uỷ ban châu Âu (EC) cũng như các tổ chức quốc tế công bố. 

Làn sóng lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID - 19 đã làm chậm lại đà phục hồi kinh tế đồng thời củng cố nhận định rằng nền kinh tế khu vực châu Âu sẽ không quay trở lại bình thường vào trước năm 2023.                 

Tăng trưởng kinh tế Châu Âu chưa thể khả quan - ảnh 1  Khu vực Eurozone trong quý II/2020 ghi nhận mức suy giảm kỷ lục 12,1%. - Ảnh: dw.com

Theo khảo sát của Standard Eurobarometer công bố ngày 23/10, 64% người châu Âu nghĩ rằng tình hình kinh tế của đất nước họ đang rất tồi tệ và chỉ 42% tin rằng nền kinh tế đất nước sẽ phục hồi sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID - 19. Việc kinh tế trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân châu Âu năm 2020 thay vì vấn đề nhập cư và biến đổi khí hậu như trong các cuộc khảo sát năm 2019 đã cho thấy phần nào bức tranh kinh tế châu Âu ở thời điểm hiện tại.

Đồng loạt hạ dự  báo tăng trưởng

Còn trong dự báo mới nhất ngày 5/11, Uỷ ban châu Âu (EC) nhận định nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 4,2% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng 7. EC cho rằng nền kinh tế khu vực đang suy giảm dù ghi nhận sự phục hồi tốt hơn dự báo vào giữa năm nay. Tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm 7,8% trong năm 2021, thay vì giảm ở mức 8,7% như dự báo trước đó.

Tình hình suy giảm kinh tế thấy rõ hơn ở một số quốc gia giữ vai trò đầu tàu ở châu Âu. Tại Đức, xu hướng phục hồi của các đơn hàng công nghiệp đã bị chậm lại trong tháng 9, trong bối cảnh chính phủ áp đặt các biện pháp mới nhằm ứng phó với tình trạng số ca nhiễm COVID - 19 tăng mạnh. Cụ thể, các đơn hàng công nghiệp chỉ tăng 0,5% so với tháng 8, con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,5%. Tại Pháp, các hoạt động kinh doanh được dự báo giảm khoảng 15% khi lệnh phong tỏa được áp đặt. Tại Tây Ban Nha, đà phục hồi kinh tế được ghi nhận trong quý III, song sản lượng kinh tế vẫn thấp hơn 8,7% so mức một năm trước.

Tăng trưởng kinh tế Châu Âu chưa thể khả quan - ảnh 2

Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng kinh tế và tài chính của EU, ngày 4/11, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nhận định, những tháng sắp tới sẽ là giai đoạn đầy thách thức đối với tất cả các quốc gia EU, do đó điều quan trọng là các nước cần thảo luận và phối hợp các chính sách. Ông kêu gọi các quốc gia thành viên EU chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch cải cách và đầu tư nhằm hỗ trợ phục hồi và chuyển đổi nền kinh tế.

Thông qua các giải pháp tài chính

Trong nỗ lực tháo gỡ thế bế tắc để phục hồi kinh tế, ngày 5/11, Nghị viện Liên minh châu Âu (EP) và 27 quốc gia thành viên đã nhất trí sẽ gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn khối với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU. Diễn biến mới này được cho là sẽ giúp tháo gỡ thế bế tắc trong việc thông qua ngân sách dài hạn trị giá 1.100 tỷ euro và gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro để phục hồi kinh tế khu vực sau những tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID -19. Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss khẳng định đây là một bước ngoặt quan trọng mở đường cho việc thông qua ngân sách EU và gói cứu trợ kinh tế. Trước đó, EP kiên quyết từ chối thông qua dự luật này nếu không có điều kiện tương tự kèm theo.

Hồi tháng 7/2020, trong hội nghị thượng đỉnh được tổ chức để thống nhất về gói cứu trợ kinh tế "chưa từng có tiền lệ" dưới các hình thức cho vay hoặc trợ cấp, các lãnh đạo EU cũng đã nhất trí về nguyên tắc cần có điều kiện pháp quyền kèm theo dự luật. Tuy nhiên, các nghị sĩ EP cho rằng điều kiện này quá mơ hồ và sẽ không thể đảm bảo rằng một số quốc gia thành viên nhận tiền từ quỹ cứu trợ sẽ tuân thủ các quy định về dân chủ của toàn khối. 
Trong khi đó, ngày 5/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định bổ sung thêm 150 tỷ bảng (khoảng 195 tỷ USD) tiền mặt vào thị trường nhằm kích thích nền kinh tế, đồng thời dự báo kinh tế nước này có thế chìm sâu hơn vào suy thoái.

Đà suy giảm kinh tế của nhiều quốc gia châu Âu nói chung và khu vực đồng tiền chung châu Âu nói riêng tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của các ca nhiễm COVID - 19 ở châu lục này. Viễn cảnh kinh tế châu Âu trở lại bình thường vẫn còn ở phía trước.

Feedback