Ông Phạm Gia Hậu: Tôi kỳ vọng nhiều vào Hội nghị người Việt toàn thế giới lần thứ 4

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Tôi cảm thấy rõ trách nhiệm của những người đang hoạt động cộng đồng. Và chúng tôi có rất nhiều điều muốn giãi bày, chia sẻ và cùng tìm ra giải pháp thông qua Hội nghị lần này.

 “Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4” và “Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024” do Bộ Ngoại giao tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 21 đến ngày 24/8. Đây được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” của kiều bào ta ở nước ngoài, đánh dấu mốc 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cũng như trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn góp phần cùng nhân dân cả nước hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ông Phạm Gia Hậu: Tôi kỳ vọng nhiều vào Hội nghị người Việt toàn thế giới lần thứ 4 - ảnh 1Ông Phạm Gia Hậu (đứng giữa) trong một hoạt động của cộng đồng

Từ Cộng hòa Séc, ông Phạm Gia Hậu - người có nhiều năm hoạt động cộng đồng – đã về Việt Nam để chuẩn bị tham gia sự kiện ý nghĩa này. Hiện là Chủ tịch hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Trưởng tiểu ban Văn hóa - Văn nghệ của Liên hiệp hội người Việt Nam toàn châu Âu, ông Phạm Gia Hậu kỳ vọng thông qua Hội nghị lần này, những người làm công tác văn hóa cộng đồng sẽ có cơ hội trao đổi, bày tỏ, đề xuất những giải pháp làm sao để công tác này thực chất và hiệu quả hơn nữa, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và làm phong phú đời sống tinh thần của người Việt Nam ở nước ngoài.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

PV: Thưa ông, được biết ông sẽ tham dự Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4. Và đó cũng là lý do ông về Việt Nam lần này phải không?

Ông Phạm Gia Hậu: Với những người xa xứ như chúng tôi, những dịp như thế này có thể coi như một cái cớ để quay trở về thăm quê hương. Sự kiện cũng mang đến cho chúng tôi rất nhiều mong muốn bởi đây là một chương trình rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Bộ Ngoại giao cũng như của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt xa quê. Những năm gần đây đã có rất nhiều hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ ngoại giao và các Bộ, ban ngành khác quan tâm hơn đến người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, những khó khăn, trăn trở của người Việt Nam ở nước ngoài dường như dần dần đã được tháo gỡ, làm cho bà con rất phấn khởi.

Về dự Hội nghị người Việt toàn thế giới lần thứ 4, bản thân tôi cảm thấy rõ trách nhiệm của những người đang hoạt động cộng đồng. Và chúng tôi có rất nhiều điều muốn giãi bày, chia sẻ và cùng tìm ra giải pháp thông qua Hội nghị lần này.

PV: Là người làm công tác cộng đồng đã lâu, ông có những trăn trở gì đối với các hoạt động này, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa?

Ông Phạm Gia Hậu: Tôi đã có 15 năm hoạt động văn hóa cộng đồng. Hiện tại tôi là Chủ tịch Hội văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhiệm kỳ thứ 3, và từ năm 2022 lại có thêm nhiệm vụ Trưởng Ban văn hóa Văn nghệ của Liên hiệp người Việt Nam toàn Châu Âu. Càng làm thì tôi càng có thêm những điều trăn trở. Riêng vấn đề bảo tồn tiếng Việt, để thế hệ thứ 2 thứ 3 nói tốt tiếng Việt và yêu tiếng Việt qua những bài hát Việt Nam – đó là một quy trình rất khó khăn, Chưa kể đến những hoạt động văn hóa dành cho người Việt – những người đã từng sống ở Việt Nam và bôn ba làm việc ở nước ngoài. Ngoài việc xây dựng tổ ấm gia đình, họ còn quan tâm đến việc cần làm gì để con cháu mình sau này. Chúng ta tổ chức các sự kiện của cộng đồng, để phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của bà con - cũng là quy trình rất khó khăn. Những trăn trở của chúng tôi sẽ liên quan đến sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài làm cầu nối, Bộ ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tôi có rất nhiều điều muốn chia sẻ trong Hội nghị lần này, và may mắn tôi có được tham gia một bản tham luận trong chuyên đề 2 về Đại sứ văn hóa của người VN ở nước ngoài.

PV: Cụ thể những vấn đề mà ông đã đề xuất tại Hội nghị lần này là gì?

Ông Phạm Gia Hậu: Bản thân tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của những người làm văn hóa. Ví dụ như vấn đề khen thưởng, làm sao kịp thời động viên những người ngày đêm miệt mài không có lương, “vác tù và hàng tổng” để đi tổ chức các sự kiện, sáng kiến ra các hoạt động đểt hu hút bà con, tạo nên sự đoàn kết với nhau. Những công sức đó bỏ ra là không thể tính được, từ việc dạy tiếng Việt, dạy văn hóa, dạy các con hát bài hát Việt, dạy các loại hình văn hóa dân tộc cho các con, thắp lên ngọn lửa tình yêu quê hương cội rễ... Vậy nhưng để được tặng giấy khen hay bằng khen của các cơ quan ở trong nước lại phải trải qua một quy trình không hề đơn giản, ví dụ như việc khai vào bảng kê thành tích, lựa chọn sao cho đúng ngôn ngữ, câu từ, rồi lại liệt kê những gì mình đã làm để rồi nhận lại một cái giấy khen mang tính động viên, treo lên tường để khi mọi người đến thì sẽ tự hào thôi chứ không phải để tăng lương hay xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như trong nước. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng nên làm quy trình đơn giản hơn khi khen thưởng, động viên kiều bào ở nước ngoài. Khi mà cộng đồng người Việt và Đại sứ quán đã xác định điều đó rồi thì đó là sự xác nhận chính xác 100% rồi.

Thêm nữa, bên cạnh những người đang miệt mài hoạt động văn hóa một cách chính thống thì vẫn còn có những cá nhân, đặc biệt là ở trong nước, những đơn vị kinh doanh văn hóa theo kiểu tư nhân, tự phát, tự vẽ ra các hoạt động rồi đem ra nước ngoài tổ chức. Họ lấy kiều bào ở nước ngoài làm nền tảng để kinh doanh trục lợi. Và sau khi những chương trình đó rút đi sẽ để lại hậu quả mà cộng đồng ở khu vực đó buộc phải chịu. Theo tôi, chúng ta cần cơ chế rõ ràng để có thể giải quyết vấn đề này. Trước mắt, cần tổ chức một hội thảo chuyên về văn hóa, để chúng ta biết được hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài đang có trình độ văn hóa ở mức nào. Tôi còn nhớ câu nói của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tôi là người rất sát sao với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, và 15 năm nay tôi chưa thấy một Hội nghị về văn hóa nào do Bộ Văn hóa tổ chức dành cho kiều bào. Điều này tôi sẽ nêu bật trong Hội nghị, để cho tiếng Việt và văn hóa Việt của kiều bào ở nước ngoài được quan tâm hơn nữa. Chúng ta phải làm ngay bây giờ, bởi 10-20 năm nữa thì sẽ bị lỡ nhịp rồi. Hiện nay thế hệ thứ 2, thứ 3 đã bị trôi qua rồi. Những người trẻ năm trước thì nay đã 30-40 tuổi rồi, nói tiếng Séc rất giỏi như tiếng Việt rất kém. Họ không nghe các bài hát Việt bởi 10-15 năm trước, cha mẹ họ bận bịu cơm áo gạo tiền và con cái thì được gửi vào trước Séc để học. Vì thế các bạn quen với văn hóa nước sở tại và văn hóa Việt bị mai một. Nếu bây giờ chúng ta không đẩy mạnh lên thì tôi chắc rằng không chỉ Cộng hòa Séc hay Châu Âu mà các châu lục khác cũng vậy. Chúng ta cần dành một phần ngân sách và có chỉ đạo để làm ngay những việc này!

PV: Xin cảm ơn ông và xin chúc cho Hội nghị sắp tới sẽ thành công rực rỡ, ghi nhận được nhiều đóng góp và đề xuất của kiều bào để cùng góp phần xây dựng cộng đồng người VN ở nước ngoài ngày càng vững mạnh!

Feedback