Tiếng Việt ở nước ngoài góp phần tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là nội dung phỏng vấn Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm UBNNVNVONN.

Sau 2 năm triển khai, đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” do Bộ ngoại giao khởi xướng đạt được những kết quả khả quan, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của kiều bào ta ở nước ngoài. Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Bộ Ngoại giao, nếu có sự đồng lòng, chung tay của xã hội và đặc biệt là cộng đồng NVNONN, chúng ta sẽ tạo ra được môi trường nâng cao năng lực tiếng Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để từ đó góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Đây là nội dung phỏng vấn Phó Chủ nhiệm UBNNVNVONN Nguyễn  Mạnh Đông.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây

PV: Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-203 sau 2 năm triển khai đã đạt được những kết quả nổi bật gì. Thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Đông: Có thể nói 2 năm là 1 chặng đường chưa phải là dài nhưng đã đem lại những kết quả bước đầu rất quan trọng. Điều đầu tiên, có thể nói rằng đó là nhận thức việc dạy học, duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gia tăng ở cả trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, các bộ, ban ngành đã có sự quan tâm nhiều hơn đến việc giảng dạy tiếng Việt, cho cộng đồng người Việt Nam, cũng như giảng dạy tiếng Việt ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam vừa qua. 

Tiếng Việt ở nước ngoài góp phần tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam - ảnh 1Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. 

Đối với cộng đồng, bà con có thêm một diễn đàn, thêm sân chơi trong công tác về tiếng Việt. Đó là kiều bào thấy được cái giá trị việc học, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng của mình. Tại sao? Bởi ngôn ngữ dân tộc chính là sợi dây gắn kết các thế hệ với nhau, ở trên toàn thế giới, cũng như gắn kết giữa bà con ở trong và ngoài nước. Nhìn lại, kết quả đạt được rất đều trên cả năm mục tiêu, trên 5 phương diện hoạt động của Đề án.

Đó là việc phát động ngày tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài, phát động trong cộng đồng qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Qua phát động đó đã thu hút được sự tham gia, ủng hộ đông đảo của bà con kiều bào. Thứ hai, đó là các hoạt động tri ân. Chúng ta đã ghi nhận và có hình thức khen thưởng, chủ yếu là tinh thần đối với những người đã tích cực tham gia giảng dạy và truyền bá, phát huy tiếng Việt.

Thứ ba, đó là việc thành lập các tủ sách tự nguyện ở rất nhiều địa bàn trên thế giới, cho tới nay có khoảng 30 đia bàn lập theo đề án này. Trước đây cũng đã có nhiều tủ sách như vậy. Đó chính là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt không chỉ ở cộng đồng mà còn với quốc tế. Thứ 4 là những hoạt động tìm kiếm sứ giả Tiếng Việt. Các sứ giả không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả những người nước ngoài yêu tiếng Việt. Và, đó còn là các phương thức giảng dạy, việc mở các lớp dạy tiếng Việt đã được lan tỏa rất nhiều. Có rất nhiều cách làm bài bản, cách làm hay được chia sẻ…Bên cạnh đó, còn có những ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển phần mềm dạy Tiếng Việt. Nhìn lại 2 năm, thời gian chưa nhiều nhưng kết quả đạt được đáng khích lệ. Chúng tôi cho rằng,đây là nền móng quan trọng,để thúc đẩy việc giảng dạy, duy trì và phát triển tiếng Việt thời gian tới.

PV: Vâng, đó là thành công bước đầu. Tuy nhiên, để triển khai một cách toàn diện và đạt được hiệu quả đúng với tinh thần của Đề án thì hiện tại chúng ta còn gặp phải những cản trở, khó khăn gì nữa. Thưa ông?

Tiếng Việt ở nước ngoài góp phần tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam - ảnh 2Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm UBNNVNONN, Bộ ngoại giao tại Lễ tôn vinh tiếng Việt ở CH Séc

Ông Nguyễn Mạnh Đông: Khá nhiều thứ chúng ta phải đối diện. Trước tiên, dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam và cộng đồng hiện tại đang phải sinh sống, làm ăn sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ của nước sở tại.

Thứ 2, đối với cả gia đình bố mẹ đi làm cả ngày, con cái đến trường, học văn hóa văn hóa, ngôn ngữ của sở tại, thậm chí của các nước khác. Nếu như gia đình xao nhãng nói chuyện trao đổi bằng tiếng Việt với con sẽ là một trở ngại lớn trong việc học tiếng Việt của các cháu. Thứ 3, nguồn lực dành cho công tác giảng dạy tiếng Việt còn rất khiêm tốn. Các trường học, các trung tâm do cộng đồng người Việt Nam hiện nay tổ chức hoạt động hoàn toàn mang tính thiện nguyện, tự đóng góp của bà con, chưa có được hỗ trợ kinh phí, ngân sách thường xuyên. Sự hỗ trợ của Nhà nước cũng chỉ là tặng sách, công cụ giảng dạy.

Thứ nữa, đó là phương pháp giảng dạy tiếng Việt, có lẽ cũng phải cần phải tiếp tục đổi mới. Tại sao? Vì bây giờ có rất nhiều các phần mềm tin học, ngoại ngữ trong khi tiếng Việt, cũng với tư cách là một ngoại ngữ thì chưa có phần mềm hoặc sản phẩm chuyên nghiệp thực sự cuốn hút, kích thích người học. Bên cạnh đó, việc chúng ta dạy học ở nước ngoài còn phải tuân thủ luật pháp quy định của sở tại. Đó là những hạn chế chúng ta cần khắc phục.

Tiếng Việt ở nước ngoài góp phần tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam - ảnh 3Lễ tôn vinh tiếng Việt 2024 tại CH Séc. Hải Đăng/ VOV tại CH Séc

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, với tinh thần yêu nước, tinh thần hướng về quê hương đất nước, kiều bào ta với một tinh thần là luôn mong muốn gắn kết với quê hương thì việc học và dạy tiếng Việt trong những năm tới sẽ ngày phát triển.

PV: Qua 2 năm triển khai, tại một số cộng đồng người Việt  lớn như ở  Nhật, Bản, Séc, Lào, Nga…đã thành lập trường và các trung tâm dạy tiếng Việt hoạt động thường xuyên. Với những dấu hiệu tích cực như ông vừa chia sẻ thì chúng ta kỳ vọng gì vào Đề án gìn giữ, phát triển tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài thời gian tới?

Ông Nguyễn Mạnh Đông: Như tôi nói, kết quả bước đầu rất tích cực và rõ ràng đã tạo ra được cú huých  trong việc dạy tiếng Việt ở một số địa bàn, cộng đồng người Việt Nam trẻ như ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Và, cú huých đó có thể tiếp tục lan tỏa sang các địa bàn khác. Nhìn lại thấy rằng, rõ ràng trong cộng đồng người Việt Nam, bây giờ nhu cầu đang gia tăng và cũng ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa của Việt Nam. Mà muốn hiểu tốt văn hóa Việt Nam phải có công cụ, phương tiện để thực hiện thi là tiếng Việt. Nhìn lại những gì đạt được, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào phong trào dạy học tiếng Việt, cũng như sự lan tỏa văn hóa Việt Nam trên phạm vi quy mô lớn trong những năm tới sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.

Đề án tôn vinh tiếng Việt đã thông qua. Bây giờ chúng ta cần dành một nguồn lực thỏa đáng. Nguồn lực ở đây không nhất thiết hoàn toàn là về mặt tài chính mà tôi nói ở đây là các phương pháp giảng dạy tiếng Việt, hệ thống sách giáo khoa, giáo trình dạy tiếng Việt phù hợp với từng môi trường văn hóa nơi con em chúng ta đang sống. Thế nên, cách giảng dạy, cách đưa tiếng Việt phải làm sao gần gũi hơn đối với các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này là rất quan trọng.

Chúng tôi nghĩ, vấn đề này rất cần sự chung tay của rất nhiều cấp bộ ngành, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ, giáo dục cùng chung sức, làm sao nghĩ ra được những biện pháp giảng dạy một cách hiệu quả nhất. Chúng ta rất cần các sản phẩm văn hóa của Việt Nam thú vị, bổ ích để bà con thấy có nhu cầu cần tìm hiểu và phải tìm hiểu thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Chúng tôi nghĩ, thời gian tới chúng ta có rất nhiều việc làm và kết quả bước đầu đã là rất quan trọng rồi nhưng các bước  bước tiếp theo cũng quan trọng không kém.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông

Feedback