Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan: kết nối để phát triển

PH. - Ảnh: Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Người Việt ở Hà Lan sống rải rác, không tập trung thành khu vực đông đúc như nhiều quốc gia khác ở Châu Âu.
Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan: kết nối để phát triển - ảnh 1Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan Nguyễn Thị Lan Hương

Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan mới thành lập vài năm, nhưng từ khi thành lập đến nay Hội đã làm được rất nhiều việc, như: hoạt động từ thiện kết nối giữa Hà Lan và quê hương, tổ chức trại hè, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt tại Hà Lan. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan về những hoạt động của Hội. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 Thưa chị, được biết Hà Lan là địa bàn cộng đồng người Việt không đông đúc nếu mà so với nhiều quốc gia khác ở châu Âu, vậy hoạt động của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan có những gì khác biệt?

Nguyễn Thị Lan Hương: Người Việt tại Hà Lan theo con số thống kê khoảng 25.000 người, sống rải rác khắp Hà Lan. Nhưng số lượng người Việt tập trung thật đông đúc như là ở Hung, Czech hay Ba Lan thì không có. 

Ở Hà Lan người Việt sống rất rải rác. Chính vì vậy, khi thành lập Hiệp hội người Việt hay thành lập Hội phụ nữ, thì phụ nữ ở khắp Hà Lan mà thích thì họ tham gia, nên các hoạt động có những người ở rất xa, xa đến cả hai trăm cây số họ cũng đến.

Riêng Hội phụ nữ hiện giờ chúng tôi có khoảng hơn 50 người. Để tham gia được, một là phải nhiệt tình, hai nữa phải gần. Vì số lượng người rải rác như thế nên mỗi một lần kêu gọi không dễ chút nào.

Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan: kết nối để phát triển - ảnh 2Các chị em phụ nữ hào hứng tham gia hoạt động xếp hình bản đồ Việt Nam của Hội.

Như lần Hội phụ nữ đứng ra tổ chức xếp hình bản đồ Việt Nam có biển đảo, chúng tôi dự kiến có khoảng 100 người để xếp hình đó, nhưng về sau phụ nữ không đủ thì Hội phụ nữ đứng ra tổ chức, còn ai có thể tham gia được chúng tôi cũng mời hết. 

Cuối cùng có khoảng trăm hai mươi người xếp hình và khoảng 30 người đứng ngoài nữa. Đó là lần xếp hình bản đồ Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Hà Lan.

Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan: kết nối để phát triển - ảnh 3Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan kết hợp với các hội đoàn khác tổ chức xếp hình bản đồ Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Hà Lan (1973 - 2023).

Vâng, hoạt động này năm ngoái thì báo chí cũng có đưa thông tin nhiều, khá là vui và ý nghĩa.

Nguyễn Thị Lan Hương: Có nhiều hoạt động lắm, như có đội bóng đá, thì chị em cũng tham gia phục vụ nấu ăn hay giúp đỡ gì đó... Sau hoạt động mùng 8/3,  chị em muốn có một hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày quan hệ Việt Nam - Hà Lan. Hội phụ nữ cũng đứng ra tổ chức và mời sứ quán cùng tham gia. Thời gian đấy vào tháng 5 nên thời tiết cũng khá đẹp. Ở trên những bậc cầu thang của một nhà ga, và có flycam để chụp từ trên xuống và chụp từ dưới lên.

Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan: kết nối để phát triển - ảnh 4Hoạt động có sự chung tay của các thành viên trong cộng đồng,

Những hoạt động này của Hội và chị em tự làm chương trình, tự đạo diễn. Sứ quán đứng ra đồng hành, giúp đỡ rất nhiều, như là cho mượn cờ, rồi các anh các chị ở sứ quán cũng đứng xếp vào đội hình luôn, dễ thương lắm. Cảnh sát còn đứng xem rất nhiệt tình và dân tình người ta cũng thích lắm, lan tỏa lớn. Người ta nhìn (trầm trồ) “ôi dồi ôi, bản đồ ở Việt Nam, Việt Nam mặc áo dài”…Lan tỏa rất lớn và mọi người rất thích.

Được biết Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan được thành lập vào tháng 10/2022, thì tôn chỉ, mục đích ban đầu của hội đặt ra là gì, thưa chị?

Nguyễn Thị Lan Hương: Tôn chỉ, mục đích của Hội là Đoàn kết, kết nối và lan tỏa. Đối với phụ nữ Việt ở Hà Lan không phân biệt vùng miền, tất cả ở đâu cũng có thể tham gia cùng với Hội phụ nữ. Mọi người cũng đang thực hiện những tôn chỉ, mục đích đấy rất là tốt, như là đã lan tỏa được phụ nữ ở nhiều vùng cùng tham gia, rồi mình có thể kết nối cùng với các nhóm, mời các bạn tham gia hoạt động chung cùng với Hội phụ nữ.

Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan: kết nối để phát triển - ảnh 5Dù ở cách xa nhau, các chị em vẫn luôn nỗ lực tham gia các hoạt động chung.

Hiện tại Hội phụ nữ xây dựng được một đội văn nghệ tham gia các chương trình biểu diễn. Tại vì ở bên này (cộng đồng) không có diễn viên chuyên nghiệp, nhưng có những chị em giọng hát rất hay, cũng từng về thi có giải ở Việt Nam, rồi múa cũng vậy, có các nhóm múa và rất tích cực tập tành. 

Chúng tôi kết hợp với các Hội, như Hội sinh viên, tận dụng cả đội ngũ sinh viên tham gia các cái chương trình, tiết mục văn nghệ rất vui, rồi phải làm việc với các doanh nghiệp để có thể xin được tài trợ hoạt động.

Vâng và nhất là những hoạt động liên quan đến giảng dạy tiếng Việt, ở đây chị cũng là người phụ trách lớp tiếng Việt, hẳn là người phụ nữ cũng đóng vai trò lớn trong những hoạt động về tiếng Việt này?

Nguyễn Thị Lan Hương: Có chứ. Người phụ nữ ở trong gia đình là người rất quan tâm đến đời sống về tinh thần và vật chất của con. Và giữ gìn được tiếng Việt hay không là do phụ huynh, mà chủ yếu là những người mẹ quan tâm (Tôi nói “chủ yếu” thôi, vì ở bên này có những ông bố cũng chăm con lắm, ngày nào con học cũng ngồi với con). Chúng tôi cũng hay mời, hay kêu gọi ở trong Hội phụ nữ và các chị em  đều tham gia. Việc ấy có tác động qua lại.

Chuyến trở về Việt Nam mới đây chị cũng đã thực hiện hành trình “Mẹ đỡ đầu” - một việc thiện nguyện rất là nhân văn và ý nghĩa do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam khởi xướng và Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu đã phát động chị em tham gia nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Được biết là Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan cũng có những người tham gia hoạt động này đúng không ạ?

Nguyễn Thị Lan Hương:  Lúc tham gia ở Diễn đàn phụ nữ Châu Âu, nghe về các hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cũng giơ tay lên và muốn (đăng ký nhận) nuôi dưỡng một cho đến hai cháu. Trong Hội phụ nữ hiện giờ có ba người đã hoàn thành việc nhận nuôi, nghĩa là nhận nuôi con, chuyển tiền (nuôi dưỡng), rồi giao lưu...

Như đợt về vừa rồi, dù thời gian rất ngắn sau cơn bão, nhưng tôi cũng đi vào Thừa Thiên, thay mặt cả chị Thu Hiền ở bên này nữa - hai chị em cùng nuôi hai cháu ở trong đó, đến tận nơi để tặng quà nhân dịp Trung thu, đầu năm học mới. Và cũng tiếp xúc với cháu, mong rằng truyền tình cảm của mình cho gia đình, để người ta thấy rằng cho dù hoàn cảnh bố mất, rồi khó khăn đi chăng nữa, thì vẫn có những tổ chức, có những người thương và quan tâm thúc đẩy để cho không có trẻ em nào sống (đơn độc) mà không có sự giúp đỡ. Các cháu sẽ được ăn học và lớn lên giống như những đứa trẻ đầy đủ gia đình.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Feedback