Mới đây, được tham gia cùng phái đoàn cấp cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (CTN) Tô Lâm sang Hoa Kỳ và tham dự cuộc họp với các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Apple, Meta, Goolge, Blakstone, doanh nhân kiều bào Phạm Đức Trung Kiên, Cố vấn cao cấp quỹ đầu tư TPG Capital nhận thấy rằng, Việt Nam vẫn luôn dành được sự quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ và thế giới.
Bởi, Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, chi phí cạnh tranh và vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu của đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó là những chia sẻ của doanh nhân kiều bào Phạm Đức Trung Kiên trong mục Khách mời VOV hôm nay.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nền kinh tế Việt Nam, thời gian qua vẫn được ghi nhận những tăng trưởng tích cực và được đánh giá là một trong những điểm đến thu thu hút đầu tư nước ngoài. Dưới góc nhìn của mình, Ông có thể chia sẻ về nội dung này?
Ông Phạm Đức Trung Kiên: Chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn là một điểm đến rất tốt cho giới đầu tư quốc tế của chúng tôi. Thứ nhất là, tình hình quốc tế hiện nay trở nên phức tạp, đặc biệt là về an ninh, về chiến tranh. Việt Nam vẫn là một nơi ổn định về an ninh, về xã hội và chính trị. Bởi thế, chúng tôi - những nhà đầu tư yên tâm để có thể vào Việt Nam đầu tư. Thứ hai, nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt năm nay có lẽ tăng trưởng vào trên 6 %. Đó là con số tốt. Thứ ba, Việt Nam có số dân khoảng 100 triệu người, là một thị trường tốt. Trong số đó có rất nhiều người trẻ rất năng động và sống tích cực. Nhìn từ toàn cảnh thế giới, đó là điều giới doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm đến Việt Nam.
Là một quỹ đầu tư tài chính, chúng tôi quản lý trên 250 tỷ đôla Mỹ. Bởi thế, cái nhìn của chúng tôi là cái nhìn toàn cảnh trên thế giới chứ không phải riêng Việt Nam. Tôi thấy rằng, Việt Nam thực sự lúc này là một điểm sáng trong khung cảnh rất phức tạp của thế giới.
Doanh nhân kiều bào Phạm Đức Trung Kiên, cố vấn cao cấp Quỹ đầu tư TPG Capital của Hoa Kỳ. Ảnh nhân vật cung cấp |
PV: Được biết, mới đây, ông có trong phái đoàn cấp cao Việt Nam tháp tùng Tổng Bí thư, CTN Tô Lâm trong chuyến công tác New York (Hoa Kỳ) và tham dự các cuộc họp với giới doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. Ông đánh giá như thế nào về chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?
Ông Phạm Đức Trung Kiên: Tôi nghĩ là chuyến đi sang NewYork (Hoa Kỳ) của Tổng Bí thư Tô Lâm là một chuyến đi rất thành công. Những cuộc trao đổi giữa ông Tô Lâm và giới doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy họ đang tiếp tục dành sự nhiều sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Họ muốn tìm hiểu chính sách và con người người lãnh đạo của Việt Nam ngày hôm nay, để họ có sự yên tâm đầu tư, tiếp tục tìm hiểu về Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm là một người đã tiếp cận rất tốt với giới doanh nghiệp Hoa Kỳ. Họ nhìn thấy ở ông Tô Lâm là một con người cởi mở, một con người thẳng thắn. Ông Tô Lâm không né tránh nói đến những việc tế nhị. Và, ông Tô Lâm đã thể hiện được sự hiểu biết về công nghệ cao, về an ninh mạng và sự quyết tâm đưa Việt Nam vào một kỷ nguyên mới mà chúng ta gọi là “Kỷ nguyên vươn mình”. Tôi nghĩ rằng, kết luận chúng ta có thể nói rằng chuyến đi đó là một sự thành công lớn cho Việt Nam và cho cá nhân của ông Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ - Ảnh: TTXVN |
PV: Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, mở rộng giao thương với ngày càng nhiều nước. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chậm lại. Theo ông, Việt Nam cần lưu ý điều gì để tận dụng hết các ưu thế mà các FTA mang lại.
Ông Phạm Đức Trung Kiên: Thứ nhất, Tôi cho rằng, Việt Nam không nên trở thành một nền kinh tế dựa quá nhiều vào xuất khẩu mà cần phải có sự cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Bởi vì nếu phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ có rất nhiều may rủi như rủi ro về thiên tai gián đoạn giao thông, may rủi về chính sách đối ngoại, may rủi về chiến tranh, may rủi về đại dịch. Tôi nghĩ là có một nền kinh tế cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nữa sẽ tốt hơn cho Việt Nam.
Như chị nói thì chúng ta cần phải nhìn bức tranh toàn cầu để xem số liệu như thế nào mới thể kết luận là chiều hướng thương mại quốc tế đang suy giảm hay không. Việt Nam đã ký được 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước quan trọng trên thế giới. Những hiệp định này thực sự đã giúp chúng ta có một cái vỏ che chắn khá tốt. Tôi nghĩ đây là một sự may mắn cho Việt Nam bởi vì, các FTA thông thường đang không cho phép các nước dùng thuế nhập khẩu.
Tôi chưa xem kỹ vào nội dung của từng Hiệp định thương mại tự do để có thể hiểu được rõ lá chắn nào “dày” đến mức nào nhưng nói chung tôi nghĩ là Việt Nam vẫn là một nước có tiềm năng xuất khẩu lớn và chúng ta hãy tận dụng cơ hội này để phát triển khi thị trường xuất khẩu Việt Nam được đánh giá còn mạnh hơn nữa.
PV: Đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế, xã hội của Việt Nam không thể không nói đến vai trò quan trọng của kiều bào. Theo ông, hiện nay đâu là những thuận lợi và khó khăn trong việc phát huy nguồn lực kiều bào cho sự phát triển của đất nước?
PV: Ông Phạm Đức Trung Kiên: Tôi cũng thuộc thành phần kiều bào. Tôi là Việt kiều Mỹ. Tôi vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi có nhiều sự liên hệ mật thiết giữa trong nước và ngoài nước. Tôi nghĩ rằng, nguồn vốn lớn nhất của cộng đồng kiều bào Việt Nam là chất xám. Bởi thế, chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để tạo cơ hội và kêu gọi được kiều bào Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức, doanh nhân mới về hưu. Bởi vì, họ vẫn còn nhiều sức lực, còn nhiều khả năng đóng góp và thực sự là họ có rất nhiều kinh nghiệm để có thể đóng góp hơn nữa. Khi đã về hưu ở bên Mỹ, họ có thì giờ, họ có một "trái tim" vẫn vương vấn hướng về Việt Nam.
Vậy đây chính là cơ hội cho chính phủ Việt Nam đứng ra kêu gọi những kiều bào mới về hưu có kiến thức, có kinh nghiệm để tập hợp với nhau và trở về Việt Nam mà góp sức vào đào tạo đội ngũ trẻ, hỗ trợ các công ty, các tổ chức trong nước...theo đuổi giấc mơ chung - tức là đưa Việt Nam vươn lên. Đây là một Kỷ nguyên vươn mình và sự vươn mình này sẽ gồm cả yếu tố trong nước lẫn ngoài nước. Tôi nghĩ, đây là một chính sách mà chính phủ nên nên quan tâm,và hoạt động một cách tích cực. Vì, tôi biết nhiều anh em trong giới công nghệ cao. Họ bây giờ 60 tuổi, 55 tuổi, đã về hưu rồi. Họ có đủ tiền để sống, có thì giờ rồi thì họ đều có mong muốn được hỗ trợ người Việt Nam trong nước phát triển. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt đấy.
PV: Ông có ý kiến về tầm nhìn dài hạn của Việt Nam khi Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn đang nỗ lực trở thành một trung tâm công nghệ khu vực?
Ông Phạm Đức Trung Kiên: Tôi nghĩ, trước tiên chúng ta cần phải hiểu là quá trình phát triển về công nghệ cao ở Mỹ, kéo dài biết bao nhiêu thập niên rồi. Để đạt được những kết quả như là công ty Google, Apple, Microsoft, Facebook Meta... là đã có biết bao nhiêu công ty khác thất bại. Bởi thế, không phải họ đều thành công cả đâu, đa số là đã từng thất bại, nhưng mà họ đã đứng dậy được, thành lập công ty kế tiếp và họ thành công. Đó là bài học thứ nhất cho chúng ta phải dám làm, té ngã thì đứng lên, tiếp tục đi...
Thứ hai là nếu Hoa Kỳ không có các trường Đại học lớn tập trung vào nghiên cứu, tụ tập chất xám, ví như như đại học Stanford ở Bắc California không có nghiên cứu đầu tư thì có lẽ không có Silicon Valley. Điều quan trọng phải có sự cọ xát giữa kiến thức và tiền đầu tư. Ở Sillicon Valley xảy ra một sự cọ xát hàng ngày, hàng giờ và ngày hôm nay vẫn tiếp tục như vậy. Thêm vào đó, chính phủ Mỹ có những quỹ đầu tư đổ vào cho các trường đại học, cho các trung tâm nghiên cứu hàng năm, từ đó họ làm việc gần gũi với công ty start-up.
Những gì tôi muốn nói đó là thành quả của sự cọ xát giữa 3 gam màu mà tôi đã nói xám, xanh và trắng. Chất xám là ý tưởng là nghiên cứu, kiến thức.. Chất xanh là tiền tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tiền từ Chính phủ cho nghiên cứu và thứ ba, đó là một chính sách rất là rõ ràng của chính phủ về thuế về đầu tư để hỗ trợ các công ty này phát triển. Đó phải là một chiến lược phát triển quốc gia, có các luật lệ đàng hoàng. Bởi thế, đây là một cái một quy trình mà tôi nghĩ là Việt Nam cũng có thể thực hiện được, một khi chúng ta nhận thức được sự cọ sát của 3 yếu tố kể trên. Tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ thành công, nếu chúng ta hiểu được vấn đề và đi theo lộ trình đấy. Chúng ta hãy bắt đầu ngày từ ngày hôm nay.
Vâng, một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Ông.