Kiều bào chia sẻ tâm tư trước thềm “Hội nghị Diên Hồng”

Phi Hà - Hồng Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Người Việt tại nhiều nước đã bày tỏ niềm vui, sự xúc động khi sẽ được chia sẻ, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng tại Hội nghị lần này

Gần 500 đại biểu kiều bào từ khắp các nơi trên thế giới đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị tham dự "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư", "Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024" khai mạc sáng mai ngày 22/08 tại Hà Nội.

Trước thềm Hội nghị được ví như “hội nghị Diên Hồng” của kiều bào, người Việt Nam tại nhiều nước đã bày tỏ niềm vui, sự xúc động khi sẽ được chia sẻ, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng tại Hội nghị lần này.  

Kiều bào chia sẻ tâm tư trước thềm “Hội nghị Diên Hồng” - ảnh 1Chị Lê Thương, Chủ tịch Hội người Việt Nam vùng Kansai, Nhật Bản.
Chị Lê Thương, Chủ tịch Hội người Việt Nam vùng Kansai, Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi muốn thông qua Hội nghị lần này sẽ bày tỏ những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của kiều bào khắp nơi trên thế giới vào những hoạt động cụ thể như văn hóa, xã hội và những hoạt động của cộng đồng trong xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, quan tâm nhiều hơn đối với kiều bào ở xa Tổ quốc về quê hương, có những chính sách pháp luật phù hợp với từng địa bàn cụ thể.”
Kiều bào chia sẻ tâm tư trước thềm “Hội nghị Diên Hồng” - ảnh 2Bà Hồng Shuranys, kiều bào Israel

Bà Hồng Shuranys, kiều bào Israel cho rằng: "Là một đại diện duy nhất của Israel về dự Hội nghị lần này, tôi mang theo rất nhiều tâm tư. Tôi hy vọng qua Hội nghị sẽ tạo nên được một sự kết nối rộng lớn của khối doanh nhân người Việt ở trong nước cũng như nước ngoài, để từ đó chúng ta cùng nhau phát triển cho bản thân doanh nghiệp mình, sau đó góp phần xây dựng đất nước. Để có thể làm được điều đó, rất mong Nhà nước sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nhân chúng tôi, từ chủ trương chính sách cho đến những việc cụ thể như thuê đất, thuế, đặc biệt những thủ tục hành chính để mọi việc được suôn sẻ hơn."

Chị Phạm Thị Linh, Chủ tịch Hội trí thức kiều bào Việt Nam tại Đài Loan, Trung Quốc nói: "Rất cảm ơn chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho bà con, tạo điều kiện cho Hiệp hội có cơ hội trở về với tư cách một trong những trí thức kiều bào. Vì Hiệp hội còn rất mới, rất non trẻ, nên chắc chắn sẽ học được nhiều từ các kiều bào tại các nước khác. Hai nữa là hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho thế hệ thứ hai, thế hệ con lai của chúng tôi ở bên Đài Loan được tiếp cận nhiều hơn với nền văn hóa của Việt Nam".

Kiều bào chia sẻ tâm tư trước thềm “Hội nghị Diên Hồng” - ảnh 3Từ trái qua: Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, Phạm Thị Linh, Phùng Mỹ Anh (Hiệp hội trí thức kiều bào Việt Nam tại Đài Loan, Trung Quốc)

Tiến sĩ lịch sử Đại học Thành Công Nguyễn Thị Thanh Hà; giáo viên tiếng Việt Phùng Mỹ Anh (từ Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ: "Rất là vui khi có một cơ hội khó có thể có được, để được tham gia và đề xuất tâm tư nguyện vọng gửi tới Bộ ngoại giao, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, là chúng tôi cần được dạy tiếng Việt và thi tiếng Việt một cách bài bản, có chuẩn hóa tiếng Việt."

"Đây là lần đầu tiên em được về tham dự một Hội nghị như thế này. Rất vui và cũng hồi hộp. Em hy vọng được nghe nhiều ý kiến khác nhau đến từ các nước khác nhau. Vì công việc chính là giảng dạy tiếng Việt nên tụi em muốn nghe xem các nơi làm như thế nào để đưa tiếng Việt của mình bay xa hơn."

Kiều bào chia sẻ tâm tư trước thềm “Hội nghị Diên Hồng” - ảnh 4
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, kiều bào tại Hà Lan

Cũng quan tâm nhiều đến vấn đề tiếng Việt dành cho kiều bào, bà Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên tiếng Việt tại Hà Lan, Ủy viên BCH Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu cho biết: "Tôi thực sự đam mê môn tiếng Việt. Tiếng Việt ở Hà Lan không được coi trọng như các nước Đông Âu bởi vì họ không cần tiếng Việt vẫn làm việc được. Mình ở đây phải lan tỏa tiếng Việt và gìn giữ văn hóa tiếng Việt, công việc đấy không hề dễ một chút nào, dần dần có cảm giác như đang đi một mình.

Qua hội nghị này, tôi cũng mong muốn tìm được sự giúp đỡ một cách mạnh mẽ hơn, tạo ra được liên kết lớn hơn để để lan tỏa được tiếng Việt. Khi đã có ngôn ngữ thì văn hóa cũng được lan tỏa hơn rất nhiều."

Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư", "Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 diễn ra từ ngày 21 - 24/8, tại Hà Nội.

Feedback