Giáo sư - Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Tác phẩm của Đặng Ngọc Long là trường phái riêng của sự pha trộn nhạc Việt Nam và châu Âu...

Tháng 7 vừa qua nhà xuất bản âm nhạc Logiber (Logiber Musikverlag) đã xuất bản tuyển tập ghita solo của GS – nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, người Việt tại CHLB Đức. Sách dày gần 100 trang, tổng hợp các tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long đã được tuyển chọn làm bài thi quốc tế từ năm 2006 đến nay tại Berlin. GS – nhạc sĩ Đặng Ngọc Long cho biết ông rất vui mừng vì tất cả các sáng tác và chuyển soạn mang âm hưởng dân tộc Việt Nam một lần nữa được lan toả trên thế giới. Các nhà chuyên môn có tài liệu để nghiên cứu kỹ hơn, các thầy trò chuyên ngành ghi ta có nốt để luyện tập... 

Giáo sư - Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới - ảnh 1

Cuốn sách của GS. nhác ĩ Đặng Ngọc Long vừa được xuất bản

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

BTV: Thưa nhạc sĩ, tiếp sau những xuất bản phẩm về chuyên ngành ghi-ta, mới đây ông lại cho ra mắt tuyển tập ghi-ta solo, do nhà xuất bản âm nhạc Logiber phát hành. Cuốn sách lần này có khác gì so với những ấn phẩm trước đó?

Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Đây là sách tập hợp những bản nhạc hay nhất và khó nhất của tôi. Các tác phẩm này hầu hết đã được chọn làm bài thi bắt buộc cho các cuộc thi Guitar Quốc tế tại Berlin từ năm 2006 đến nay.

BTV: Được biết trong tuyển tập lần này có rất nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân tộc VN. Điều đó có làm khó cho ông khi giới thiệu tới bạn bè quốc tế?

Giáo sư - Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới - ảnh 2

           GS. nhạc sĩ Đặng Ngọc Long

Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Đương nhiên là rất khó khi mà tiếp cận với một tác phẩm “lạ”, “không quen tai” thì người ta mới đầu cũng chỉ nghe qua loa và chỉ để tham khảo mà thôi.  Nhưng những tác phẩm khi được hội đồng chuyên môn tuyển chọn làm bài thi “bắt buộc” cho cuộc thi quốc tế thì quả là một lợi thế “độc nhất vô nhị” bởi các thí sinh phải luyện tập, các thầy giáo phải nghiên cứu kỹ để giảng cho học trò của mình, khán giả có cơ hội được nghe đi nghe lại nhiều lần… Bên cạnh đó, trước các cuộc thi tôi hay có những Semina hoặc lớp bồi dưỡng học sinh giỏi (masterclass), giảng giải kỹ cho thí sinh nội dung tác phẩm và các kỹ thuật riêng giải quyết của tác phẩm mà thí sinh sẽ dự thi… Vô hình chung âm nhạc đó, tác phẩm đó được lan tỏa rất nhanh, rất rộng trên toàn thế giới.

BTV: Các tác phẩm của một nhạc sĩ VN, mang âm hưởng dân ca VN, lại được chọn để làm bài thi bắt buộc trong các cuộc thi quốc tế - điều đó thật đặc biệt, và cũng rất tuyệt vời?!

Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Để được lựa chọn làm bài thi quốc tế tôi rất hạnh phúc và tự hào. Thông thường các cuộc thi người ta chọn những tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc lừng danh nhưng đã chết, để vinh danh công ơn của họ…

Tôi, một người đang sống, một người Việt Nam, một người chủ yếu là chuyên ngành biểu diễn lại được lựa chọn. Bà giáo sư Guitar Inge Wilczok (nguyên trưởng khoa Guitar học viện âm nhạc Berlin (Hochschule für Musik Hanns Eisler Berlin), chủ tịch hội đồng tuyển chọn đã lý giải với các dồng nghiệp thế này: "Tác phẩm của Đặng Ngọc Long là trường phái riêng của sự pha trộn nhạc Việt Nam và châu Âu, cho chuyên ngành guitar cổ điển thì từ trước tới nay chưa có ai làm cả, mặt khác anh ta là nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn guitar cổ điển, nên sự hiểu biết để khai thác và vận dụng các kỹ thuật trên guitar là triệt để nhất, hiệu quả nhất…".

Để khuyến khích một trường phái mới, một nhong cách mới, không lặp lại quá nhiều các cuộc thi khác trên thế giới nên hội đồng đã bỏ phiếu quyết định đưa tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long vào làm bài thi bắt buộc cho cuộc thi quốc tế hàng năm tại Berlin. Sau 10 năm tổ chức, cuộc thi này đã được tạp chí âm nhạc guitar Pháp đánh giá là một trong 5 cuộc thi quốc tế lớn nhất.

Giáo sư - Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới - ảnh 3

GS. nhạc sĩ Đặng Ngọc Long

BTV: Nhạc sĩ có thể nói cụ thể về 1 tác phẩm mà ông cảm thấy tâm đắc, hoặc ông đã biểu diễn và nhận được sự yêu mến của khán giả?

Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Tôi tâm đắc nhất tác phẩm “Núi rừng Tây nguyên”, bản nhạc này tôi sáng tác từ năm 1983 khi còn ở Việt nam. Trong chương trình biểu diễn của tôi, lúc nào tôi cũng kết thúc bằng tác phẩm này. Đặc biệt tác phẩm “Núi rừng Tây nguyên” được nâng cao biểu diễn cùng dàn nhạc năm 2010 thì hiệu quả rất tốt. Giới chuyên môn đánh giá là một trong những tác phẩm hiếm hoi viết cho Ghi ta và dàn nhạc trên thế giới, đặc biệt từ một nhạc sỹ xuất thân từ Việt nam. Phong cách, trường phái âm nhạc pha trộn màu sắc Á - Âu.

Khán giả Châu Âu, đặc biệt là khán giả Đức nhiều người đã thuộc giai điệu này, có người nói rằng: Nghe tác phẩm ngài trình diễn, chúng tôi muốn đến Việt Nam một lần để dược tận mắt nhìn thấy phong cảnh tuyệt đẹp của “Núi rừng Tây nguyên”, mặc dù nơi đấy cách xa hàng vạn dặm…

BTV: Và tiếp sau tuyển tập lần này, công chúng sẽ có thể đón chờ một sản phẩm tiếp theo của nhạc sĩ chứ - có thể là 1 ấn bản phẩm, hay cũng có thể là 1 sản phẩm âm nhạc nào đó trong tương lai gần?

Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: Sau “Tổ khúc Kiều” của Nguyễn Du được hội đồng chuyện môn lựa chọn làm tác phẩm thi bắt buộc cho cuộc thi guitar quốc tế năm 2020 tại Berlin, tôi lại có cảm hứng sáng tác tiếp “Concerto PAUST “- tác phẩm cùng tên của đại thi hào Đức Goethe. Vì tác phẩm kịch thơ này được đánh giá là một trong những tác phẩm văn học giá trị nhất của mọi thời đại, nên tôi muốn thử sức với cây Guitar cùng dàn nhạc. Tác phẩm đồ sộ này tôi dự tính viết 4 chương, đến nay tôi đã hoàn thành 2 chương. Hy vọng sẽ ra mắt khán giả hâm mộ vào một ngày không xa.

BTV: Vâng xin cảm ơn nhạc sĩ.

Feedback