Long Plays Long - Những giai điệu từ thẳm sâu hồn Việt

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - "Trong Album này chủ yếu là các tác phẩm do tôi sáng tác và chuyển soạn từ các bài dân ca Việt Nam, và tôi chơi hoàn toàn theo phong cách của riêng của mình".

Tên tuổi của Giáo sư – nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu nhạc trong nước và quốc tế. Hiện là Hiệu trưởng Trường âm nhạc Gesundbrunnen (Berlin, CHLB Đức), ông cũng được nhiều trường đại học âm nhạc có danh tiếng ở châu Âu mời giảng dạy. Nhiều tác phẩm ghi-ta mang âm hưởng Việt Nam của Đặng Ngọc Long đã trở thành bài thi bắt buộc trong một số kỳ thi ghi-ta quốc tế đỉnh cao. 

Long Plays Long - Những giai điệu từ thẳm sâu hồn Việt - ảnh 1

CD Long Plays Long

Nghe nội dung phỏng vấn và các bản nhạc tại đây:

BTV: Thưa nghệ sĩ Đặng Ngọc Long, album Long plays Long – một cái tên nghe rất ấn tượng, và cũng rất đặc biệt đấy ạ.

GS. Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long: Vâng, tôi lấy tên “Long Plays Long” nghĩa là: “Long chơi những tác phẩm của Long”. Trong Album này chủ yếu là các tác phẩm do tôi sáng tác và chuyển soạn từ các bài dân ca Việt Nam, và tôi chơi hoàn toàn theo phong cách của riêng của mình.

BTV: Tôi cũng đã được nghe album Long plays Long của ông, và phải nói rằng qua các tác phẩm trong đó thì tôi cũng đã cảm nhận được ý tưởng và triết lý về âm nhạc của ông, đồng thời nhận thấy nét đặc trưng đó là tính hiện đại pha trộn với chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

GS. Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long: Trong tác phẩm của tôi thường pha trộn chất liệu âm nhạc dân ca Việt nam và hòa âm hiện đại châu âu. Có khi về các quãng âm, hoà âm, có khi về tiết tấu, nhịp điệu... người nghe dễ dàng nhận biết đó là sự pha trộn Á âu. Tôi có mục đích làm vậy vì khi ai nghe bất kể ngừơi Tây phương hay người châu á đều cảm nhận được một chút mình trong đó, mặc dầu có những lúc, những đoạn xa hẳn hoàn toàn. Nhưng sự xa hẳn đó là điều mới lạ trong âm nhạc đương đại.

Ví dụ bản “Morning mai” Đoạn đầu mới vào khán giả đã nghe quãng 2 quãng 4 đặc trưng dân tộc, người Việt nghe thật dịu dàng êm ái, người phương Tây thấy lạ. Nhưng đến đoạn phát triển âm hưởng hiện đại châu âu hoàn toàn thì người á châu thấy lạ...Tôi lấy tựa đề “Morning Mai” có nghĩ là “Chào ban mai” cách chơi chữ ghép thể hiện sự pha trộn Á - Âu ngay cả khi đặt tên bài.

Long Plays Long - Những giai điệu từ thẳm sâu hồn Việt - ảnh 2

Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long

BTV: Thưa nghệ sĩ Đặng Ngọc Long, ông đã có 3 album cho ghi-ta, 4 album cho ca khúc, và 1 album cho các loại nhạc cụ khác. Thế nhưng khi nhắc tới tên tuổi của Đặng Ngọc Long thì dường như người ta vẫn nhớ đến Đặng Ngọc Long – người biên soạn, người sáng tác và cũng là người thể hiện những bản nhạc trên cây đàn ghi-ta…

GS. Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long: Sáng tác và biểu diễn đàn Guitar là chuyên ngành của tôi. Sáng tác cho các loại nhạc cụ khác thì thỉnh thoảng tôi muốn thể hiện mình sang lĩnh vực khác một chút cho phong phú. Còn ca khúc thì tôi nghĩ chỉ là những trang nhật ký thường ngày ghi lại một cảm xúc bất chợt nào đó… Bởi vậy sự nghiệp chính của tôi là với cây đàn ghi-ta

BTV: Trong các tác phẩm của ông, có một tác phẩm là Cây tre Berlin? Có phải vì ông muốn có một sự tri ân đối với nơi mình đã gắn bó như quê hương thứ hai?

GS. Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long: Vâng tôi muốn nhấn mạnh về tôi (xuất xứ từ đất nước cây tre là biểu tượng của Việt Nam) và tôi đang sống tại thủ đô Berlin (CHLB Đức). Cũng giống như âm nhạc của tôi pha trộn giữa quê hương tôi- Nơi đã sinh ra tôi và quê hương thứ 2 nơi tôi đang sống và làm việc...

BTV: Được biết chính vì sự mới lạ và hiệu quả của những bản soạn cho ghi-ta của GS. Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long mà Hội đồng nghệ thuật liên hoan âm nhạc quốc tế đã chọn một số tác phẩm của ông để làm bài thi bắt buộc cho nhiều kỳ thi ghi-ta quốc tế?!

GS. Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long: Tất cả các bài trong đĩa CD này cuả tôi đã được hội đồng giám khảo chọn đưa vào làm bài thi bắt buộc cho các cuộc thi ghi-ta thế giới tai Berlin. Bởi sự có bài thi bắt buộc này mà một tạp chí âm nhạc Guitar của Pháp đã bình chọn là môt trong 5 cuộc thi khó nhất trên toàn thế giới.

BTV: Vâng xin cảm ơn Giáo sư – nghệ sĩ Đặng Ngọc Long.

Feedback