Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội, là nơi có nghề khảm trai nức tiếng miền Bắc Việt Nam. Xã Chuyên Mỹ có 7 làng (Chuôn Thượng, Chuôn Trung, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ, Đồng Vinh, Bối Khê) thì cả 7 làng cùng làm nghề khảm trai, trong đó làng Chuôn Ngọ là nơi có ông tổ nghề, có bề dày lịch sử làm nghề khảm trai hơn 1000 năm.
Sản phẩm khảm trai xã Chuyên Mỹ - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo sử sách của làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai nơi đây bắt đầu vào thế kỷ XI. Hiện ở đình làng Chuôn Ngọ vẫn thờ ông Trương Công Thành, một vị tướng văn võ song toàn dưới triều Lý (1009 - 1225), người có công dạy nghề khảm trai cho dân làng, dân làng suy tôn là ông tổ nghề. Sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ hơn hẳn các sản phẩm khảm trai các nơi khác, nhờ đường nét tinh xảo, chi tiết trang trí trên khảm trai sinh động. Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng, làng Chuôn Ngọ, kể: “Trong xã Chuyên Mỹ có 7 làng, nhưng làng Chuôn Ngọ là đất tổ nghề nên có gì đó bí truyền khó lý giải. Bao nhiêu người nơi khác đến làng tôi học nghề nhưng chỉ làm được một phần nào thôi, trình độ họ không đặc sắc bằng người sinh ra tại làng. Những người sành chơi đồ khảm họ chỉ cần nhìn vào sản phẩm là biết đây là sản phẩm chỉ có người làng Chuôn Ngọ mới làm được. Vì đường nét sắc xảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn, khác hoàn toàn nơi khác”.
Nguyên liệu khảm trai ở Chuyên Mỹ không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia... Xã Chuyên Mỹ còn là nơi sản xuất, chế biến nguyên liệu sản phẩm ốc, trai lớn nhất Việt Nam, cung cấp nguyên liệu ốc, trai đã qua chế biến cho rất nhiều địa phương trong cả nước. Từ những vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng, những người thợ khảm Chuyên Mỹ có thể tạo ra bất kỳ họa tiết nào dù tinh vi, phức tạp đến đâu. Nghệ nhân Vũ Văn Vịnh, làng Thượng, xã Chuyên Mỹ, cho biết: “Hiện nay xã Chuyên Mỹ có khoảng 20 nghệ nhân. Nghề thủ công nên phải có hoa tay, mỹ thuật, sáng tạo. Từ những vỏ trai, vỏ ốc chúng tôi bóc ra, mài nhỏ, cưa rũa để làm sản phẩm. Cắt ốc, trai theo mẫu dán lên gỗ, rồi đục lấy gỗ đó ra gắn sơn ta xuống rồi mài phẳng, trà, đánh bóng mới ra sản phẩm. Để phân biệt sản phẩm làm bằng vỏ ốc hay vỏ trai phải phân biệt qua màu sắc. Ốc ánh sáng gần như ba chiều khi nhìn nghiêng, mỗi góc lên một màu còn trai chỉ một màu, một đường nét thôi, ánh sáng 1 nét nhìn nghiêng sẽ tối còn nhìn thẳng sẽ sáng. 10 kg vỏ thô trai thì được 3 kg chế tác ra rồi, còn ốc it hơn thì 10 kg thô được 2 kg chế tác thành phẩm”.
Ao làng Chuồn Ngọ - Ảnh: Ngọc Anh/VOV5
|
Sự phát triển làng nghề trong xã Chuyên Mỹ hơn 30 năm qua khá rầm rộ. Dọc trục đường cả 7 làng trong xã Chuyên Mỹ đều tràn ngập cửa hàng bán đồ khảm trai ốc, đủ các hình loại. Có làng thì tách biệt hẳn, chỉ buôn bán vật liệu trai ốc, chuyên cung cấp cho các xưởng. Có làng chuyên làm tranh, có làng chuyên làm đồ mộc gia đình hay hoành phi, câu đối, tranh nghệ thuật... Số nghệ nhân, thợ có tay nghề vững vàng trong làng ngày một đông. Hàng chục công ty, xí nghiệp lớn ra đời, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người trong xã. Nghệ nhân Nguyễn Đức Biết, làng Chuôn Ngọ, cho biết: “Từ xưa, làng chúng tôi có rất nhiều nghệ nhân và thợ giỏi. Các cụ đi khắp nơi ở đất nước, sang cả nước ngoài để dạy nghề và truyền nghề. Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi từng làm bức Thiên Đô chiếu trưng bày ở vườn Bách Thảo Hà Nội. Tác phẩm kể về định hướng dời đô của vua Lý Thái Tổ khi tới mảnh đất Thăng Long. Bức Thiên Đô chiếu dài hơn 3,2m, cao 1,45m, hiện nay trưng bày tại bảo tàng tư nhân của nghệ nhân Vũ Đức Thắng ở làng Bát Tràng”.
Thanh niên trong xã Chuyên Mỹ học khảm, học khắc ngay tại làng, mưu sinh bằng chính nghề ông cha truyền lại. Lớp trẻ còn giỏi vận dụng công nghệ thông tin, thiết kế mẫu khảm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, đã xuất hiện những tỷ phú trẻ và anh hùng lao động như Trần Bá Đình, Trần Bá Đàm, Nguyễn Phú Huynh, Nguyễn Đình Sáo... Sản phẩm của các làng nghề xã Chuyên Mỹ đã vươn xa sang thị trường quốc tế là Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore.