Nhiều làng nghề truyền thống đã và đang được lưu giữ, kế thừa và phát triển.
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, làng nghề đan đó truyền thống làng Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, có lịch sử nghề hơn 200 năm tuổi. Đó là những dụng cụ để bắt tôm, cá, gắn liền với đời sống của người nông dân làng quê bắc bộ Việt Nam xưa. Ngoài ra, người dân ở đây còn làm các dụng cụ mây tre đan như dậm, đơm, lờ…
Ở làng Thủ Sỹ, từ những cụ già đến trẻ em 5 - 6 tuổi cũng có thể đan được chiếc đó. Ảnh: Đoàn Thị Trung/VOV |
Các bậc cao niên trong làng cho biết việc đan đó đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Để sản phẩm trở nên đẹp và bền, ngoài việc đan thì bí kíp chính là treo các thành phẩm đó lên gác bếp để tránh mối mọt, cho khói hun vào để đó sẽ lên màu đậm đẹp hơn. Nghệ nhân Lương Sơn Bạc, người đã dành cả đời đan đó ở làng Thủ Sỹ, chia sẻ: "Khi hun đòi hỏi lửa phải không bốc lên được, khói phải đảm bảo độ đầy, rải nan và phải đưa đi đưa lại cho đều tay. Khi đó, nắm nan đó mới đạt yêu cầu, chiếc đó mới nổi màu lên đẹp."
Những chiếc đó thành phẩm sau khi được hoàn thành, xếp thành từng chùm như những bông hoa chất trên chiếc xe đạp đem đi bán. Giờ đây, tuy không còn được người nông dân sử dụng nhiều để đánh bắt tôm, cá, nhưng số lượng đơn hàng vẫn tăng vì nhu cầu trang trí các sản phẩm đơm, đó của làng được các nhà hàng, cửa hiệu ngày càng nhiều, hoặc được sử dụng làm đạo cụ quay phim. Các sản phẩm của làng Thủ Sỹ không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc…Tuy không còn là nguồn thu nhập chính nhưng người dân trong làng mỗi khi rảnh vẫn thường xuyên đan đó. Lớp trẻ vẫn được học và thực hành nghề của làng để gìn giữ và lưu truyền.
Nghệ nhân Lương Sơn Bạc khẳng định: "Tôi phấn đấu đến trăm tuổi vẫn phải giữ nghề này, bởi vì tôi rất yêu nghề, nghề gia truyền từ đời ông cha để lại. Vì vậy, tôi cố gắng phải truyền nghề cho thế hệ sau, không thể để nghề này mai một đi được."
Người dân Thôn Cao chủ yếu sản xuất hai loại là hương que và hương vòng, ngoài ra còn có nhang nụ. Ảnh: VTC News |
Cách đó không xa, nằm sát ngay đê tả ngạn sông Hồng, làng hương Thôn Cao là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước. Hiện nay, Thôn Cao có khoảng gần 200 hộ gia đình còn giữ được nghề làm hương truyền thống. Người thợ làm hương ở Thôn Cao có thể làm ra nhiều loại hương đặc biệt, như: hương vòng có đường kính lên tới 50cm có thể cháy liên tục trong 24 giờ, hương nén, hương cháy nhanh, hương cháy chậm, hương cuốn tàn… Tất cả đều phụ thuộc vào kỹ thuật pha chế nguyên liệu và mỗi dòng họ.
Chị Trần Minh Thảo, một người thợ làm hương ở Thôn Cao, chia sẻ: "Nguyên liệu làm hương chủ yếu là các loại thảo mộc, như: trầm, ngân quỳnh, đàn, hồi, quế…, nhưng mỗi cở sở làm nghề lại có cách sáng tạo riêng để tạo ra mùi hương đặc trưng cho sản phẩm của mình. Chúng tôi làm hoàn toàn bằng 100% thuốc bắc thân thiện với môi trường và sức khỏe, các nguyên liệu tự nhiên an toàn cho người sản xuất và người sử dụng."
Hiện nay, hương ở Thôn Cao được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, luôn được đánh giá là một trong những sản phẩm tâm linh quý giá.
Tại Hưng Yên, làng nghề mộc Hòa Phong thuộc thị xã Mỹ Hào cũng là một làng nghề nổi tiếng khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Từ những cây gỗ với hình khối đồ sộ, chắc chắn, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của mình, những người thợ Hoà Phong đã tạo nên những sản phẩm gỗ mỹ nghệ thực sự tinh xảo, kỳ công và hấp dẫn.
Các nghệ nhân ở làng Hoà Phong đang hoàn thiện các sản phẩm mộc của mình. Ảnh: VOVTV |
Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm nhiều công đoạn và mỗi công đoạn đều có vai trò riêng, trong đó tạo hình được xem là công đoạn khó nhất, tạo nên nét đặc trưng của nghề mộc, đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo của người thợ.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, thợ làng mộc Hòa Phong, cho rằng: "Cơ bản nhất phải có con mắt, phải nhìn ra được, ví dụ như một cái phôi gỗ như này nó cũng bình thường như những các cái phôi gỗ khác. Nhưng nếu không nhìn ra được thì rất khó để tạo ra một sản phẩm đẹp. Khi làm ra một sản phẩm mình phải đề cao nó, làm sao để cho người tiêu dùng, người chơi nhìn vào cảm nhận được cái đẹp."
Những năm gần đây, sản phẩm mộc của xã Hòa Phong được nâng cao, có uy tín trên thị trường nên được nhiều khách hàng ngoài tỉnh và nước ngoài đến đặt mua. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đủ, làng mộc Hòa Phong, cho biết: "Khi mình bỏ rất nhiều công sức tạo ra một sản phẩm và được khách hàng đón nhận, thậm chí chuyển sang nước ngoài, thì rất hạnh phúc. Bởi vì, mình đã mang được sự khéo léo trong hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nói chung, sản phẩm Hòa Phong nói riêng, ra quốc tế, đến với người tiêu dùng nước ngoài, giúp họ hiểu hơn về quê hương mình."
Ngoài ra ở Hưng Yên còn rất nhiều làng nghề đặc sắc khác, như: làng nghề làm tương Bần ở thị xã Mỹ Hào, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng ở huyện Văn Lâm…Mỗi làng nghề truyền thống ở Hưng Yên là một bức tranh sinh động mang những tinh hoa văn hóa đặc sắc của vùng đất văn hiến. Không chỉ đơn thuần là nơi chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống mà các làng nghề còn là môi trường văn hóa lưu giữ và trao truyền những tinh hoa qua nhiều thế hệ