Quảng Bình chú trọng phát triển kinh tế xã hội miền núi

Thanh Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Quảng Binh thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trong trồng rừng trồng gỗ lớn. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Việt Nam luôn dành nhiều nguồn lực với nhiều chương trình, chính sách đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tập trung nguồn lực đầu tư cho người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Bình sẽ ban hành riêng Nghị quyết phát triển tại các vùng đặc thù này.

Theo đó, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Quảng Bình chú trọng công tác giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quảng Bình chú trọng phát triển kinh tế xã hội miền núi - ảnh 1Tỉnh Quảng Bình có 15 xã miền núi, biên giới với hơn 27.000 người dân tộc thiểu số đang sinh sống. Ảnh: VOV

Nhiều năm qua, anh Đinh Dự, ở bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, đã đi nhiều nơi để học tập các mô hình phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi đến các hình thức kinh doanh nông sản. Anh nhận thấy đây là những phương thức làm ăn rất hiệu quả nhưng khi đưa về áp dụng tại nơi mình sống thì lại gặp rất nhiều khó khăn, nởi địa phương thiếu đất sản xuất.

Anh Đinh Dự mong muốn tỉnh có nhiều cơ chế đặc thù cho vùng miền núi, tạo điều kiện sinh kế phù hợp để bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo: Trong sản xuất, cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ bà con về việc quy hoạch đất, chuyển đổi đất cho bà con được sản xuất, trồng rừng, trồng sắn và mong quan tâm nhiều hơn về các chính sách dân tộc ở vùng đồng bào. Nếu được sự hỗ trợ thì đồng bào chúng tôi sẽ cố gắng phát triển kinh tế, xã hội.

Tỉnh Quảng Bình có 15 xã miền núi, biên giới với hơn 27.000 người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, sản xuất lạc hậu, manh mún, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn chưa phát triển. Phát triển kinh tế xã hội ở miền núi còn chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. 

Quảng Bình chú trọng phát triển kinh tế xã hội miền núi - ảnh 2Quảng Bình thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trong trồng rừng trồng gỗ lớn. Ảnh: VOV

Vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị để lắng nghe các già làng trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào thiểu số bày tỏ những nguyện vọng chính đáng, cùng bàn các giải pháp xây dựng Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết khi xây dựng chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi tỉnh sẽ hết sức kiên trì, tâm huyết và bền bỉ, dựa vào các tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền để xây dựng Nghị quyết đặc thù phù hợp thực tiễn và có hiệu quả: “Đây là Nghị quyết chưa từng có nhằm tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, giúp Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.”

Trên cơ sở các ý kiến trên, tỉnh Quảng Bình sẽ ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, đến 2025, tỉnh Quảng Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm từ 3-4%, có 10% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp.

Tỉnh sẽ giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số, di dời tất cả hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, vùng lõi di sản thiên nhiên đến nơi phù hợp.

Về phát triển kinh tế, Quảng Binh thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trong trồng rừng trồng gỗ lớn. Tại Nghị quyết này, tỉnh Quảng Bình cũng đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, tạo sinh kế cho bà con sống gần rừng và bảo vệ sinh thái. Tỉnh cũng tạo các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử phù hợp với tiềm năng của từng địa phương miền núi, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết: “Để có thể đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình, các sở ban ngành, nhanh chóng xây dựng các kế hoạch hành động, xây dựng các đề án để cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Xây dựng các xã vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi ngày càng phát triển, đưa miền ngược bắt kịp miền xuôi.”

Để phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt làm sớm kéo giảm hộ nghèo, ổn định đời sống cho người dân, Dự thảo nghị quyết sẽ có 4 phần, trong đó nhấn mạnh các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; lồng ghép, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào. Tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào.

Feedback