Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những vùng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch, đúng thời điểm Nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc được ký kết, mở đường cho loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch. Đây được coi là cơ hội cho các doanh nghiệp doanh nghiệp và nông dân xuất khẩu chính ngạch loại trái cây này qua thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Đắk Lắk. Ảnh: VOV |
Mặc dù chưa tới vụ thu hoạch chính nhưng vườn rầu riêng hơn 2 ha của gia đình chị Lê Thị Thanh Thuý ở thôn Buôn Dung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, ngày nào cũng có thương lái hỏi mua. Chị Thuý cho biết giá sầu riêng đang lên từng ngày, và đang ở mức gần 50 nghìn đồng/1kg, cao gấp đôi vụ trước. Mức giá này đã đủ bù đắp việc năng suất giảm vì mưa trái mùa lúc cây ra hoa.
Chị Thuý hy vọng việc được xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp giá sầu riêng ổn định hơn: “Nhà nước đã ký kết được thì gia đình tôi rất là mừng, bà con nông dân quá phấn khởi. Năm ngoái có nhiều nhà bán có 20 ngàn đồng, 22, có người bán 25 ngàn đồng mỗi kg mà năm nay thì giá cao gấp đôi rồi. Giá cả được thế này nông dân chúng tôi cố gắng đầu tư phân vi sinh, phân hữu cơ sạch để xuất khẩu cho đạt. Chứ còn lâu nay, cứ bán cho thương lái, thương lái xuất khẩu đi đâu chúng tôi không biết, còn giá cả thì bấp bênh lắm”.
Không chỉ người trồng sầu riêng, các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu sầu riêng cũng rất phấn khởi khi Nghị định thư được ký kết. Theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, ở xã Ea Kênh, huyện huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, đây cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.
Bên trong Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn. Ảnh: VOV |
Bởi trước khi có Nghị định thư, dù doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết và làm thủ tục cấp mã số vùng trồng, nhưng quả sầu riêng vẫn chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao: “Từ năm 2020, chúng tôi cũng đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với 33 mã số vùng trồng cho 1.160 ha. Đồng thời chúng tôi có 9 cơ sở đóng gói với diện tích mặt bằng xưởng gần 60.000m2, có thể đáp ứng năng lực thu mua những vùng liên kết của chúng tôi với sản lượng 200.000 tấn mỗi năm. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã liên kết với được 20 hợp tác xã với quy mô hơn 6.000 ha. Trong đó, công tác hoàn thiện các thủ tục về mặt hồ sơ vùng nguyên liệu để được cấp mã số vùng trồng thì chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ hơn 2.500 ha.”
Đắk Lắk hiện có gần 17.000 ha sầu riêng, trong đó 15.000 ha giai đoạn kinh doanh, tổng sản lượng 140.000 tấn. Bình quân mỗi năm có đến 70% sản lượng sầu riêng Đắk Lắk xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Trong đó, Krông Pắk là một trong những huyện có diện tích sầu riêng lớn nhất với hơn 4.000 ha, sản lượng năm ngoái khoảng 50.000 tấn.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắk đã được bảo hộ. Huyện sẽ tận dụng tốt cơ hội mở ra từ việc sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch: “Khi UBND huyện Krông Pắk được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng tập thể. Huyện đã tuyên truyền đối với người dân đẩy mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng lên, để khi xuất khấu chính ngạch thì phải đảm bảo yêu cầu của phía bên nhập khẩu. Và trong thời gian qua, huyện cũng đã tăng cường tích cực xây dựng các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn Vietgap, rồi hướng bà con cách trồng hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đăng ký mã vùng trồng, hiện nay huyện đã cấp được 1.040 ha mã vùng trồng và chúng tôi cũng đã tiếp tục đề xuất cấp khoảng 1.000 ha nữa”.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiêpvà Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để đón đầu cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tỉnh đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững ngay khi Nghị định thư bắt đầu được xây dựng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiêpvà Phát triển nông thôn) triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã thiết lập và xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.500 ha và 24 mã cơ sở đóng gói trên địa bàn.
Ông Vũ Đức Côn cho rằng để trái sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc lâu dài, bền vững, mỗi địa phương, doanh nghiệp, nông dân phải không ngừng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong vận hành chuỗi giá trị để đáp ứng tốt các yêu cầu, quy định đề ra trong Nghị định thư: “Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc công nhận kèm với nghị định thư đã được ký kết mới chỉ là điều kiện cần, còn để hàng của chúng ta đi sang được phải có sự kiểm tra đánh giá được công nhận. Để sầu riêng xuất được sang Trung Quốc một cách bền vững thì liên tục phải phấn đấu từ sản xuất, chăm sóc đóng gói đến vận chuyển chúng ta phải liên tục tuân thủ quy định của nước nhập khẩu”.
Tỉnh Đắk Lắk đã có một quá trình chuẩn bị khá kỹ cho trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch. Nghị định thư được ký đánh dấu một bước tiến quan trọng để trái sầu riêng Việt Nam được vươn xa. Để khai thác tốt các thị trường nước ngoài, nhất là thì trường tiềm năng Trung Quốc, một cách bền vững, Đắk Lắk đang nỗ lực quảng bá thương hiệu, ứng dụng công nghệ trong cách trồng, chăm sóc sầu riêng, cũng như tuân thủ đầy đủ các nội dung của Nghị định. Đây là động lực, vừa là cơ hội để ngành sầu riêng của Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung, phát triển bài bản và bền vững.