Thành lập được 4 năm, Công ty Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt – Úc đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, đầu tư sản phẩm hàng hóa vào thị trường Australia. Ông Trần Đăng Huệ, (Harry Tran), Giám đốc Công ty Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt – Úc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Sydney, Australia chia sẻ về nội dung này.
Ông Trần Đăng Huệ, Giám đốc Công ty Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt – Úc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Sydney, Australia. |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, những năm gần đây, hàng hóa Việt Nam đã được biết đến nhiều ở Australia. Và công ty xúc tiến thương mại và đầu tư Việt – Úc cũng đã có những đóng góp nhất định trong việc giới thiệu các doanh nghiệp VN với doanh nghiệp Australia. Ông cho biết cụ thể hơn về công tác kết nối này?
Ông Trần Đăng Huệ: Chúng tôi có rất nhiều cách khác nhau để kết nối, căn cứ vào nhu cầu của từng doanh nghiệp của Việt Nam cũng như đặc thù của những mặt hàng, những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng sang thị trường Australia. Thông thường, chúng tôi có thể hỗ trợ về công tác truyền thông chẳng hạn. Chúng tôi giúp họ quảng bá hình ảnh, các thông tin, các video clip ngắn về công ty, về sản phẩm, dịch vụ của các đối tác Việt Nam trên các nền tảng social media cũng như thông qua email, điện thoại hay gặp mặt trực tiếp, giới thiệu tới từng doanh nghiệp Australia. Ngoài công tác về truyền thông, chúng tôi cũng có thể hỗ trợ họ thông qua các kết nối online, gặp gỡ online, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về nhu cầu của các đối tác Australia. Chúng tôi cũng giúp họ kể cả việc thành lập một công ty, các thủ tục xin giấy phép nhập hàng, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa.
Công ty xúc tiến thương mại và đầu tư Việt – Úc đón đoàn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. |
Bên cạnh công tác kết nối các cuộc họp online, chúng tôi cũng tổ chức các business tour giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam, sang đến nơi, ngoài việc gặp gỡ cụ thể các đối tác Australia, họ cũng có cơ hội để khảo sát toàn diện thị trường về giá cả, những mặt hàng tương ứng. Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia các gian hàng hội chợ. Thông qua các gian hàng này là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam hiểu tổng quan về tình hình thị trường, hay mạng lưới về hệ thống ngành dọc, ngành ngang trong ngành nghề mà các doanh nghiệp của Việt Nam đang quan tâm.
Xin lấy ví dụ, với một doanh nghiệp của Việt Nam trước khi thực hiện một tour sang Australia, tôi sẽ phải nắm rất rõ nhu cầu của đối tác Việt Nam muốn gặp gỡ những đối tác Australia nào rồi tôi sẽ gửi tất cả các thông tin của đối tác Australia về cho đối tác Việt Nam để họ nghiên cứu kỹ hơn về đối tác này. Sau khi hiểu đối tác, họ có những nội dung làm việc rất cụ thể. Sau một chuyến đi, họ sẽ cân nhắc và tìm ra được đối tác phù hợp.
Ông Trần Đăng Huệ đón đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình. |
Chúng tôi không chỉ tổ chức business tour cho doanh nghiệp, cá nhân đơn lẻ mà cũng kết nối cho các hiệp hội doanh nghiệp hoặc cơ quan các tỉnh, thành phố sang Australia tìm hiểu rồi kêu gọi đầu tư về cho tỉnh. Công ty tôi đã hỗ trợ cho các tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình… Khi đoàn sang, sau khi tìm kiếm các đối tác phù hợp, chúng tôi sắp xếp những buổi họp để hai bên gặp gỡ, trao đổi nhu cầu sản phẩm hàng hóa của các bên.
Phóng viên: Thị trường bán lẻ ở Australia được cho là tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư. Được biết, ông cùng công ty của mình cũng đã có những kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Australia trong chiến lược thâm nhập vào thị trường bán lẻ này?
Ông Trần Đăng Huệ: Tôi cho rằng chiến lược để thâm nhập vào thị trường bán lẻ có những phương pháp khác nhau và phù hợp vào điều kiện của từng doanh nghiệp, phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, công nghệ hoặc về nhân sự. Thông thường, với cách tiếp cận đơn giản là các doanh nghiệp của Việt Nam tìm kiếm các đơn vị bán buôn rồi đưa hàng cho họ, họ sẽ phân phối đến các mạng lưới các đơn vị bán lẻ tại thị trường Australia. Cách này sẽ giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận hệ thống các kênh bán lẻ mà đơn vị bán buôn đã xây dựng bấy lâu nay. Tuy nhiên, có một nhược điểm, thị trường hoàn toàn nằm trong tay các doanh nghiệp bán buôn tại thị trường Australia. Nếu như trong quá trình làm việc, doanh nghiệp Australia thấy mình không phù hợp với thị trường vì một lý do nào đó, họ có thể ngừng hợp tác. Còn với một chiến lược tiếp theo, doanh nghiệp của Việt Nam muốn đưa hàng của Việt Nam vào thị trường Australia có thể mua cổ phần của một đơn vị một lượng cổ phần nhất định ví dụ: 30% hoặc 40% thậm chí là mua toàn bộ cổ phần. Khi mình mua một doanh nghiệp bán buôn như vậy, mình sẽ giữ được mạng lưới các nhà bán lẻ trong hệ thống của họ. Khi đó, mình sẽ chủ động rất nhiều về công tác thị trường.
Ông Trần Đăng Huệ chụp ảnh cùng Chủ tịch hội đồng xuất khẩu bà Dianne Tipping (ngoài cùng bên trái) và Chủ tịch phát triển vùng Therese Odwyer (ở giữa). |
Ưu điểm chính của chiến lược này là mình làm chủ từ quá trình đưa hàng từ Việt Nam sang cho đến việc phân phối tới các nhà bán lẻ. Nhưng lại cũng có cái khó khăn là khi vận hành một doanh nghiệp bán buôn như vậy, có những đặc thù riêng mà doanh nghiệp của Việt Nam mới thâm nhập thị trường có thể có những vấp váp, khó khăn trong giai đoạn vận hành ban đầu vì chi phí nhân sự đắt đỏ, chi phí kho bãi, công tác logistic, sẽ kéo theo một loạt các bài toán mà doanh nghiệp của Việt Nam phải cân nhắc. Bên cạnh đó, ngoài việc mua hoặc thành lập một đơn vị bán buôn, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng có thể tiếp cận hệ thống siêu thị. Đây cũng là một cách rất tốt khi các doanh nghiệp của Việt Nam mua cổ phần của siêu thị thì có thể đưa luôn hàng hóa của mình vào và đồng thời học hỏi quá trình vận hành của một siêu thị để rồi từ đó nắm bắt được nhu cầu của thị trường.
Phóng viên: Thưa ông, doanh nghiệp Việt cần phải xây dựng thương hiệu hàng hóa như thế nào để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường Australia?
Ông Trần Đăng Huệ: Hiện nay, tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dựa trên nguồn lực. Nguồn lực ở đây là gồm có con người, tài chính, công nghệ, am hiểu thị trường. Tôi thấy rằng nếu như họ mà đi một mình thì sẽ gặp những trở ngại. Trở ngại thứ nhất là về chi phí. Ví dụ cần khoảng 50.000 AUD/ 1 năm để chi trả lương cho một nhân sự trung bình mới ra trường ở Australia.
Chụp ảnh cùng Giám đốc phát triển thị trườngInternational College of Management.
|
Vậy, để khai thác một thị trường dài hạn, làm thế nào để tiết kiệm chi phí, đồng thời khẳng định được thương hiệu, là một bài toán. Khi tiếp xúc với nhiều các doanh nghiệp, tôi cũng đề cập phía họ là nên kết hợp những doanh nghiệp đang có cùng những mong muốn tiếp cận vào thị trường Australia để rồi cùng nhau xây dựng một kế hoạch chung, giảm thiểu chi phí. Ví dụ, một doanh nghiệp đang muốn xuất khẩu nông sản có thể kết hợp với doanh nghiệp làm về logistic, doanh nghiệp IT, doanh nghiệp chuyên về xúc tiến thương mại.
Khi các doanh nghiệp này đi cùng nhau để thuê một mặt bằng đồng thời hỗ trợ nhau trong quá trình tiếp cận thị trường và chia sẻ phần chi phí nhân sự trong giai đoạn đầu. Tôi cho rằng khá phù hợp trong giai đoạn đầu khi doanh thu chưa có nhiều mà chi phí ban đầu bỏ ra rất lớn. Đó là một cách giúp các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Australia sẽ hiệu quả hơn đồng thời cũng có sự bổ trợ lẫn nhau trong quá trình thâm nhập thị trường. Bởi vì để xây dựng một thương hiệu, chúng ta phải tính theo năm chứ không thể tính theo tháng được. Đó là một bài toán rất là dài, mọi thứ phải tính toán rất cụ thể và chi tiết. Chính vì vậy, tôi cho rằng để phát triển thị trường, ngoài việc mình có một tầm nhìn dài hạn, có một quyết tâm dài hạn, đồng thời phải có một kế hoạch cụ thể để biến những tầm nhìn đó mang tính hiệu quả.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.