Cơ hội phát triển làng nghề đan lát của đồng bào Khmer

Thạch Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Ấp Phước Qưới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng từ lâu nức tiếng với nghề đan lát tre nứa. 
Đồng bào Khmer ở đây rất tự hào với nghề truyền thống vì giúp họ ổn định cuộc sống. Mới đây địa phương có thêm một cơ sở thu mua sản phẩm đan lát, giúp làng nghề nơi đây có thêm cơ hội phát triển.  
Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghề đan lát của đồng bào Khơme có từ rất lâu đời. Trong cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày và tổ chức lễ hội, người Khơme sử dụng rất nhiều vật dụng từ nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Đó là những nong, nia làm thóc; mâm ăn cơm, để đồ cúng; chiếu, rổ, giỏ tuốt lúa, giỏ tỉa hạt, đơm bắt cá... và đặc biệt rất nhiều loại gùi với mẫu mã và công dụng khác nhau.

Cơ hội phát triển làng nghề đan lát của đồng bào Khmer - ảnh 1 Nghề đan lát ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VOV

Trung bình một ngày, một người đang thành thạo có thể đan được khoảng 6 cái giỏ nhỏ, nếu giỏ cỡ lớn thì làm được khoảng 1 cặp, trừ chi phí nguyên liệu tre trúc thì một người có thể có nguồn thu nhập hơn 100 ngàn đồng. Với những chị em phụ nữ hay những người lớn tuổi tại phum sóc thì đây là một công việc khá phù hợp bởi không tốn nhiều sức lao động, lại có thể chủ động về mặt thời gian lúc rảnh rỗ. Nghề đan đát được mọi người trong ấp Phước Qưới truyền dạy nhau rồi duy trì cho đến nay và sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, đẹp mắt.

Chị Trần Thị Phiên, một trong những người gắn bó với nghề đan đát truyền thống từ bé, cho biết: "Ông ngoại làm, mẹ cũng làm, rồi mình lớn lên, ông ngoại, rồi mẹ bảo phụ giúp việc. Mình làm theo thì cũng biết làm. Thế là mình cũng theo nghề này luôn. Người ta lại mua, nói chung nghề này thu nhập cũng được. Mình có con nhỏ, nên ở nhà vừa làm vừa trông con luôn. Làm có thu nhập thêm, khi thiếu thốn chút thì mình bù lại được."

Năm nay, một tín hiệu đáng mừng cho làng nghề khi cơ sở thu mua sản phẩm đan lát Thủy Tuyết đã được đặt tại xã Phú Tân, ngay trong làng nghề, tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề khi được cung cấp nguyên liệu, được thu mua sản phẩm, tiết kiệm được chi phí vận chuyển, yên tâm về đầu ra. Cơ sở này được chuyển từ phường 8, thành phố Sóc Trăng về xã Phú Tân.

Chị Trương Thị Bạch Thủy, chủ cơ sở thu mua sản phẩm đan lát Thủy Tuyết, mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp làng nghề đan đát truyền thống không ngừng phát triển: "Đối với ngành nghề đan lát tre nứa, nếu hộ có ruộng đất thì gọi là thu nhập phụ, còn hộ không có công ăn việc làm gì thì đối với họ là thu nhập chính. Mình về đây là do ở đây có sẵn làng nghề. Trước đây ở ngoài tỉnh Sóc Trăng thì bà con đi ra xa, vận chuyển vất vả, tốn kém. Tôi về đây mình mua đất, cất nhà xưởng bên đây thì tiện lợi một cái là bà con làm xong sản phẩm thì bà con mang ra đây. Ở đây được một cái là người sản phẩm có tại chỗ, nguyên liệu có tại chỗ."

Cơ hội phát triển làng nghề đan lát của đồng bào Khmer - ảnh 2 Cơ sở thu mua sản phẩm đan lát mở cơ hội cho làng nghề phát triển. Ảnh: VOV

Hiện tại, cơ sở của gia đình chị Thủy có hơn 100 sản phẩm với đủ các mặt hàng từ hàng tiêu dùng cho đến hàng trang trí, quà lưu niệm du lịch, mẫu mã phong phú, đa dạng. Ngoài thu mua sản phẩm của bà con tại làng nghề, chị Thủy còn cung cấp nguyên liệu để người dân làm gia công tại nhà theo đơn đặt hàng đưa sản phẩm thủ công từ nghề đan đát ngày càng vươn xa đến nhiều địa phương và xuất khẩu ra nước ngoài.

Từ lúc có cơ sở sản xuất và thu mua sản phẩm đan đát Thủy Tuyết, làng nghề đan đát xã Phú Tân trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều gia đình, nhất là các chị em phụ nữ, người già đã yên tâm làm những mặt hàng rổ, rá, nia, sàn, cần xé mà không cần lo lắng đến vấn đề mang đi tiêu thụ.

Bà Châu Hồng Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành, cho biết Hội sẽ kết nối với các ngành cũng như cơ sở Thủy Tuyết mỏ rộng, phát triển làng nghề: "Hiện nay tại xã Phú Tân cũng có cơ sở đan đát Thủy Tuyết. cơ sở này là đầu mối thu gom những sản phẩm đan đát của chị em hội viên ở xã. Sắp tới Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành cũng sẽ có kết nối, đề xuất với Phòng nông nghiệp huyện Châu Thành cũng như là phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Phú Tân hướng tới sẽ thành lập Hợp tác xã đan lát để làm sao có cái sự kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở cùng với địa phương giúp đỡ cho cơ sở, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống."

Đến làng nghề đan đát truyền thống tại xã Phú Tân giờ đây, mọi người không chỉ được tận mắt tham quan công việc đan tre trúc thủ công mà còn có thể được chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật với đầy đủ những mặt hàng mây tre, đan lát được thu gom, tập trung tại cơ sở Thủy Tuyết. Từ nơi này, những sản phẩm từ làng nghề truyền thống xã Phú Tân rồi sẽ vươn xa và được đến với nhiều nơi, nhiều vùng miền trên cả nước, mở ra triển vọng mới cho làng nghề truyền thống nơi đây.

Feedback